Bản ghi âm bí mật của quân đội Đức về kế hoạch tấn công cầu Crimea
(Baonghean.vn) - Một số quan chức cấp cao của Bundeswehr (quân đội Đức) đã thảo luận về khả năng cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, và khả năng sử dụng những vũ khí này để tấn công cầu Crimea.
Theo RT, Tổng Biên tập của hãng tin này ngày 1/3 đã công bố bản ghi âm cuộc trò chuyện giữa một số quan chức của Lực lượng vũ trang Đức.
Cuộc trò chuyện diễn ra vào ngày 19/2/2024 giữa người đứng đầu bộ phận tác chiến và diễn tập của Bộ Tư lệnh không quân Đức Frank Graefe, Thanh tra Quân đội Đức Ingo Gerhartz và 2 nhân viên của trung tâm điều hành không quân của Bộ Tư lệnh không gian quân đội Đức.
Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc trò chuyện là khả năng cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn 500 km và khả năng sử dụng chúng để tấn công cầu Crimea.
Trong đoạn ghi âm, quân đội Đức cũng thảo luận các biện pháp nhằm loại bỏ cáo buộc Đức liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
RT lưu ý, cho đến nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn chưa đưa ra quyết định nào về việc chuyển tên lửa tầm xa Taurus sang Ukraine. Trước đó, ngày 29/2 truyền thông Đức dẫn tuyên bố của Thủ tướng Scholz phản đối việc cung cấp Taurus cho Ukraine vì lo ngại Kiev sẽ dùng loại vũ khí này để tấn công Moskva.
Đồng thời, trong đoạn ghi âm, thanh tra quân đội Đức Gerhartz thừa nhận, phía Ukraine vẫn có ý định tấn công đường vượt biển.
Trong cuộc thảo luận sau đó, một trong những người tham gia cho rằng, thiết kế cây cầu có thể cần một lượng vũ khí đáng kể.
“Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và đi đến kết luận rằng cây cầu có kích thước tương tự như một đường băng. Vì vậy, để phá hủy nó cần không chỉ 10, thậm chí 20 tên lửa" - một nhân viên của trung tâm điều hành không quân của Bộ Tư lệnh không gian quân đội Đức cho biết.
Thanh tra Gerhartz gợi ý rằng, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ này, nếu sử dụng máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp.
Trong cuộc trò chuyện, một quan chức của quân đội Đức cũng cho biết, nếu tên lửa Taurus được cung cấp cho Ukraine, chúng sẽ sẵn sàng được sử dụng sau 8 tháng. Người đứng đầu bộ phận tác chiến và diễn tập của Bộ Tư lệnh Không quân Đức Frank Graefe lưu ý, nếu thời hạn này được rút ngắn, việc sai sót trong sử dụng sẽ có thể xảy ra, "tên lửa có thể rơi xuống trường mẫu giáo và một lần nữa sẽ gây thương vong cho dân thường".
Đại diện của lực lượng vũ trang Đức cũng đề cập đến khả năng cung cấp khối lượng tên lửa cho Kiev. Đặc biệt, phương án xây dựng hai chiến hào, mỗi chiến hào có 50 tên lửa đang được cân nhắc.
Điều đáng nói, các quan chức quân đội Đức kêu gọi thận trọng để tránh những tuyên bố về sự tham gia trực tiếp của Đức vào cuộc xung đột ở Ukraine. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng, không có một thông tin nào biến chúng tôi trở thành một bên trong xung đột".
Bình luận về bản ghi âm, phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova tuyên bố, cuộc chiến tranh hỗn hợp do phương Tây phát động chống lại Nga đang diễn ra với nhiều hình thức. Đồng thời, yêu cầu phía Đức sớm đưa ra lời giải thích, nhằm "tránh được coi là thừa nhận tội lỗi".
Hiện đại diện Bộ Quốc phòng Đức từ chối bình luận về bản ghi âm công bố cuộc trò chuyện giữa các quan chức quân sự cấp cao của quân đội Đức.
Trong khi đó, ấn phẩm Bild (Đức) cho biết "đoạn ghi âm này là có thật". Tác giả bài viết không loại trừ khả năng đoạn ghi âm có thể được thực hiện ở Singapore, vào thời điểm đó, một sĩ quan quân đội Đức đang ở đó.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Đức đã tuyên bố một cuộc điều tra về việc chặn các tin nhắn từ không quân Đức dựa trên thông tin về bản ghi âm cuộc trò chuyện quân sự liên quan đến kế hoạch tấn công cầu Crimea.