Nữ sinh xứ Lường 3 lần đoạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc

Công Khang 03/11/2023 07:02

(Baonghean.vn) - Tự tin và thông minh là cảm nhận đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với Nguyễn Huyền Linh – nữ sinh vừa giành giải Nhất Cuộc thi  "Đại sứ Văn hóa đọc" Nghệ An năm 2023. Đây là lần thứ 3 tham gia cuộc thi và cũng là lần thứ 3 em bước lên bục nhận giải thưởng.

Vui, buồn cùng những trang sách

Nguyễn Huyền Linh (sinh năm 2008), sinh ra và lớn lên ở xã Bài Sơn (Đô Lương), là cựu học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Nhật Quang, ngôi trường nổi tiếng về thành tích và chất lượng dạy học. Hiện tại, Huyền Linh là học sinh lớp 10 C1, chuyên Văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu.

Thuở nhỏ, Huyền Linh là cô bé mê phim hoạt hình với những nàng công chúa, siêu nhân và thích cùng các bạn chơi những trò tinh nghịch, gần như không có bóng dáng của sách. Cho đến năm lớp 7, được tham gia đội dự tuyển môn Văn của Trường Trung học cơ sở Lý Nhật Quang, Huyền Linh mới bắt đầu tìm đến những cuốn sách tham khảo và sách Văn học.

bna_1.jpg
Với Huyền Linh, sách là người bạn đồng hành thân thiết trên hành trình khám phá tri thức. Ảnh: Công Khang

Nguyễn Huyền Linh chia sẻ: “Từ khi có hứng thú và say mê đối với sách, em đã biết đến nhiều cuốn sách hay và những câu chuyện thú vị. Điều này đã giúp em có được tâm hồn tinh tế, mở rộng tầm nhìn và hiểu hơn về cuộc đời. Cũng từ đó em đã thực sự sống cùng với sách, vui buồn cùng với sách, sách trở thành người bạn thân thiết trên con đường học tập”.

Cũng trong năm lớp 7, Huyền Linh đã tham gia Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" và đoạt giải Nhì cấp tỉnh, giải Ba cấp Quốc gia. Năm lớp 8, tiếp tục dự thi và nữ sinh xứ Lường này được trao giải chuyên đề Sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc hay nhất. Và năm lớp 9, Huyền Linh đã giành giải Nhất Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" Nghệ An 2023.

bna_4.jpg
Huyền Linh giới thiệu về cuốn sách "Cây cam ngọt của tôi". Ảnh: Công Khang

Ở bài thi giành giải Nhất, Huyền Linh giới thiệu cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi” của nhà văn José Mauro de Vasconcelos (Brazil). Đây là cuốn tự truyện khắc họa cuộc đời và ký ức ấu thơ với những cú sốc của chính tác giả. Bằng ngòi bút tài hoa, nhà văn đã tạo nên một tác phẩm văn học ấn tượng với sự pha trộn tâm lý nhân vật đỉnh cao, tuy đớn đau, cay đắng nhưng vẫn tràn ngập sự yêu thương và ấm áp.

Theo lời nữ sinh xứ Lường, cuốn sách đã đưa em trở về tuổi thơ, dẫn em đi đến những vùng, miền xa xôi trên thế giới, khám phá nhiều điều mới mẻ, dạy cho em biết thế nào là yêu thương đúng cách, mơ ước đúng nghĩa.

bna_2.jpg
Huyền Linh (phải) thường xuyên trao đổi với bạn bè về những cuốn sách hay, nội dung thú vị. Ảnh: NVCC

“Đối với em, "Cây cam ngọt của tôi" là cuốn sách tâm đắc nhất. Từ một cô bé rụt rè, non dại khi đứng trước ngưỡng cửa của sự trưởng thành, giờ đây cuốn sách đã khiến em trở thành một con người hoàn toàn khác. Tinh tế hơn, nhạy cảm hơn, lắng nghe, thấu hiểu, trao đi yêu thương nhiều hơn, trân trọng cuộc sống hiện tại và cháy hết mình với những ước mơ, hoài bão còn dang dở”, Huyền Linh bộc bạch.

Khơi gợi niềm đam mê đọc sách

Với vai trò là Đại sứ văn hóa đọc, Nguyễn Huyền Linh quyết tâm động viên, khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xã hội. Hiện em đã xây dựng 3 kế hoạch lớn là tuyên truyền, xây dựng cơ sở vật chất và review (giới thiệu) sách.

Theo Huyền Linh, sở dĩ em lựa chọn kế hoạch và sắp xếp theo thứ tự này bởi em nghĩ rằng, khi mọi người có nhận thức, có niềm đam mê đọc sách thì mới tìm đến sách để đọc. Tuy nhiên, một số người sẽ không đủ điều kiện mua sách nên cần có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất để mang sách đến gần hơn với mọi người.

bna_5.jpg
Là Đại sứ văn hóa đọc, Huyền Linh xây dựng cho mình kế hoạch lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Ảnh: Công Khang

Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi phải làm sao để sách được đọcthực sự, thay vì nằm yên trên tủ kệ. Kế hoạch review sách sẽ giúp cho mọi người chọn lựa được những cuốn sách chất lượng, tránh hiện tượng mua phải những đầu sách có nội dung tiêu cực, nhàm chán gây nên nhận thức sai lệch trong cộng đồng.

Về tuyên truyền, Huyền Linh chia làm 2 phạm vi, thứ nhất là trường học, tận dụng vai trò của đội tuyên truyền măng non trong nhà trường cũng như trang website để xây dựng bản tin, đọc phát thanh hàng ngày hay cập nhật thông tin, giới thiệu sách. Ở địa phương, đề xuất sử dụng loa phát thanh của xóm, xã, lồng ghép công tác tuyên truyền trong các buổi họp xóm để thay đổi nhận thức của người dân về việc đọc sách.

bna_3.jpg
Huyền Linh (giữa) nhận giải Nhất Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" Nghệ An năm 2023. Ảnh: Công Khang

Ngoài ra, em đề xuất chính quyền địa phương thêm tiêu chí văn hóa đọc để khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm; đề xuất các ca sĩ, họa sĩ có thể chuyển thể nội dung từ sách, truyện sang các hình thức phong phú, đa dạng hơn như tranh, ảnh, bài hát.

“Sau cuộc thi, em đã nhận lại được nhiều hơn những công sức mình bỏ ra. Cuộc thi đã cho em những giây phút được đắm chìm trong biển sách, được hòa mình vào công cuộc phát triển văn hóa đọc, được cất lên tiếng nói của mình đến mọi người xung quanh để khơi gợi niềm đam mê đọc sách, để người bạn thân thiết - những trang sách ngày nào của em sẽ chẳng bao giờ phải nằm dưới lớp bụi thời gian”.

- NGUYỄN HUYỀN LINH -

Mới nhất
x
Nữ sinh xứ Lường 3 lần đoạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO