Ban hành văn bản chậm, tạo "khoảng trống" về pháp luật
Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận: Tình trạng nợ đọng văn bản quy định thi hành luật tạo hạn chế trong quá trình triển khai thi hành luật.
Trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần này, chúng ta sẽ cùng gặp lại Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường để làm rõ một số vấn đề xung quanh việc quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
PV: Thưa Bộ trưởng, một cử tri viết thư cho chuyên mục như thế này: Qua theo dõi cho thấy mỗi đạo luật sau khi được Quốc hội thông qua việc thi hành ít được quan tâm. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính đang là luật có số lượng văn bản quy định chi tiết thi hành còn tồn đọng nhiều nhất. Vì sao có thời gian chuẩn bị là 1 năm kể từ ngày Luật được Quốc hội thông qua mà số lượng văn bản quy định chi tiết thi hành còn tồn đọng nhiều như vậy?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước hết, phải thừa nhận rằng tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường |
Tuy nhiên, ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo “thở phào” sau khi Luật được thông qua là không hoàn toàn đúng, nhất là từ 2009 đến nay.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, thời gian qua Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực, đổi mới công tác chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, như hàng năm Chính phủ tổ chức 2 phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật và phiên họp thường kỳ tháng đều kiểm điểm, ra nghị quyết về công tác xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gần đây Chính phủ đã công khai thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ về tiến độ và tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết của các Bộ, ngành...
Nhờ vậy, đến cuối 2012, số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được ban hành là 24 (mức thấp nhất so với nhiều năm trước đó).
Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, số văn bản nợ đọng tăng đột biến, trong đó có lý do là Luật Xử lý vi phạm hành chính có số lượng rất lớn văn bản quy định chi tiết cần phải ban hành (54 nghị định, trong đó 51 nghị định phải có hiệu lực cùng với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, chiếm gần 40% tổng số văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh phải ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay).
Mặc dù sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên là ban hành các nghị định quy định chi tiết, nhưng việc ban hành này vẫn chậm, vì rất nhiều lý do, đơn cử:
Một là: Việc rà soát để giảm từ gần 130 nghị định trước đây xuống còn 54 nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là công việc phức tạp, liên quan tới 11/22 bộ, ngành, đòi hỏi hơn 3 tháng để thảo luận đi đến thống nhất giữa các Bộ, ngành với nhau.
Ví dụ Bộ Công thương đã phải giảm từ 11 Nghị định xuống còn 4 Nghị định, hay Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây là 6 Nghị định nay giảm xuống còn 2 Nghị định...
Hai là: Cùng với việc giảm số lượng văn bản, các Bộ, ngành đều phải tiến hành nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng một số lượng rất lớn các hành vi vi phạm để xác định cái gì bỏ đi, cái gì sắp xếp lại, quy định lại, cái gì mới phải thêm vào bảo đảm phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Có hành vi vi phạm trước đây quy định ở lĩnh vực này, nay phải chuyển sang lĩnh vực khác. Việc này phải có ý kiến tham gia của Tổ công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập.
Đơn cử, trong lĩnh vực y tế, hiện nay có tới 879 hành vi vi phạm hành chính; trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có đến 738 hành vi còn lại sau khi rà soát.
Ba là: Không chỉ đơn thuần ở vấn đề số lượng mà việc xác định hành vi vi phạm và mức phạt sao cho vừa bảo đảm tính hợp pháp, vừa phải hợp lý và khả thi thì rất khó và nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, kinh nghiệm ban hành một số nội dung xử phạt hành chính trước đây gây bức xúc dư luận cho thấy rõ lần này phải làm như thế nào.
Chính vì tính phức tạp và nhạy cảm của công việc này mà việc soạn thảo, ban hành các nghị định vừa qua phải rất thận trọng, tuân thủ đầy đủ quy trình theo quy định của pháp luật, nhiều nghị định phải làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí phải xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nên mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng còn có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ do phải tập trung vào công tác điều hành kinh tế, xã hội, nên chưa chú trọng đúng mức, dành đủ nguồn lực và thời gian vật chất cần thiết cho công tác này. Vì các lý do trên nên cho đến ngày 1/11/2013, mới chỉ có 32/51 nghị định được ban hành.
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng, nếu không nói đến sự cố gắng, tích cực, chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ đã rất quyết liệt và có sự sáng tạo trong quá trình xây dựng các nghị định này, chẳng hạn như thành lập Tổ công tác liên ngành để thường xuyên tư vấn, kiểm tra, đôn độc, tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ngành; lần đầu tiên tổ chức một Hội đồng tư vấn liên ngành để thẩm định tất cả các dự thảo nghị định...
Nhờ vậy, đã giảm mạnh số lượng lớn các nghị định như tôi đã nêu và quan trọng là nâng cao chất lượng dự thảo văn bản, qua đó sẽ góp phần làm cho hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đơn giản hơn, gọn nhẹ hơn, minh bạch hơn, hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lắp trong các nghị định; và như vậy tất nhiên sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ hiểu, dễ chấp hành hơn và việc thực thi công vụ cũng sẽ thuận lợi hơn.
Tôi cũng nói thêm rằng, con số 148 nghị định đã được Chính phủ ban hành đến nay so với các năm 2011 (ban hành 125 nghị định), 2012 (ban hành 109 nghị định) chứng tỏ nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
PV: Mới chỉ có 32/51 nghị định được ban hành, thiếu 10 Nghị định nữa, đấy là chưa kể tới các Thông tư hướng dẫn thi hành nghị định. Như Bộ trưởng nói thì có thể hiểu là trong 4 tháng qua đã có một “khoảng trống”, một “lỗ hổng” khá lớn về pháp luật xử lý các vi phạm hành chính?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nói như vậy cũng có phần đúng, bởi vì việc ban hành chậm các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật có thể tạo ra khoảng trống về mặt pháp luật. Tuy nhiên, đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính cần phải lưu ý 2 điểm sau:
Thứ nhất: Phần lớn các nội dung của Luật đã đủ chi tiết để thi hành ngay mà không cần có văn bản quy định chi tiết. Hầu hết các nghị định ban hành chỉ để quy định chi tiết 2/142 điều của Luật về các hành vi vi phạm hành chính, mức phạt, người có thẩm quyền xử phạt cụ thể.
Thứ hai: Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, chỉ có Luật của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ mới được quy định về hành vi vi phạm, mức phạt và thẩm quyền xử phạt.
Các Bộ, cơ quan ngang Bô không có thẩm quyền quy định các vấn đề này. Do vậy, sẽ có rất ít thông tư, thông tư liên tịch; nếu có thì cũng chỉ để cụ thể hóa ban hành các mẫu biểu phục vụ việc xử phạt vi phạm hành chính và công tác thống kê, báo cáo.
Tất nhiên vào thời điểm có hiệu lực thì hành mà chưa có nghị định quy định chi tiết thì việc áp dụng pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính cũng đã có một số khó khăn vướng mắc, lúng túng nhất định.
Bộ Tư pháp đã họp với Ủy ban pháp luật Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thống nhất tham mưu cho Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng quy định tại các nghị định hiện hành và các biểu mẫu quyết định, biên bản kèm theo các nghị định đó, nếu không trái với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chính phủ đã thảo luận và đưa nội dung hướng dẫn này vào Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 6/2013 của Chính phủ.
Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực trao đổi, hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành thì việc áp dụng hướng dẫn nêu trên cơ bản là thuận lợi.
Bộ Tư pháp chưa nhận được khiếu nại gì của người dân hoặc doanh nghiệp. Và quan trọng hơn cả là qua thảo luận về kinh tế xã hội hai ngày qua tại Quốc hội, chúng ta thấy trật tự quản lý hành chính kinh tế xã hội của đất nước trong 10 tháng qua cũng như 4 tháng gần đây cơ bản vẫn được giữ vững, ổn định, có chiều hướng tốt hơn.
PV: Vậy Bộ trưởng có thể cho biết tiến độ ban hành với 19 nghị định còn lại như thế nào?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính phủ quyết tâm đến ngày 15/11/2013 sẽ có 18 nghị định xử phạt vi phạm hành chính còn lại phải được ban hành.
Tôi được biết, hiện nay tất cả các dự thảo Nghị định này đều đang hoặc đã hoàn tất thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ, đang được gấp rút tiếp thu, giải trình, thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
Riêng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chậm lại, chờ sau khi Quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi) mới soạn thảo.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo VOV