Pháp luật

Bản Mồng - khi nỗi lo không còn là dự cảm

Nhật Lân 30/09/2024 15:01

Trước ồn ã có một số diện tích đất rừng giao cho dân năm 2013 chồng lấn quy hoạch dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, đầu tháng 9 này chúng tôi đã ngược lên xã Châu Bình. Với những gì được nghe được thấy, dự cảm có từ năm 2022 đã hiển hiện, vùng đất vốn dĩ lắm khó khăn vì đại dự án có thời gian “treo” kỷ lục đã bắt đầu có những phức tạp…

psbanmong-cover.png

Nhật Lân • 30/9/2024

psbanmong-tit1.png

Lần lên Châu Bình hồi tháng 10/2022, căn nguyên những tồn tại ở đại Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, và những cay cực của nhiều cảnh sống trong vùng quy hoạch “treo lâu, treo dài” đã được Báo Nghệ An chuyển tải qua các bài viết “Bản Mồng, lắm tiếng thở dài”, “Bản Mồng, dự cảm một nỗi lo…”; “Bản Mồng, đại dự án chưa hẹn ngày về đích”.

Bìa một số bài viết về tồn tại ở Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng năm 2022 trên Báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân
Bìa một số bài viết về tồn tại ở Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng năm 2022 trên báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân

Quả thực, thời kỳ đó ở những Đồng Phầu, Bình Quang, Quỳnh 2… đầy ăm ắp những muộn phiền, âu lo của người dân; những trăn trở băn khoăn của cấp ủy, chính quyền xã Châu Bình cùng cán bộ xóm, bản. Hiện hữu ở đó, một bộ phận người dân sau khi nhận các khoản bồi thường, hỗ trợ thì chưa được tái định cư, phải chấp nhận kiếp sống tạm trong chờ đợi đến mỏi mòn việc Nhà nước sắp xếp, bố trí nơi ở mới. Một bộ phận khá đông người dân khác, khi đất bị thu hồi đã nhận bồi thường, hỗ trợ nhưng trở lại nơi ở cũ duy trì nếp sinh hoạt, sản xuất; thậm chí, có không ít hộ còn xây dựng mới những căn nhà tạm, bất chấp chính quyền nhắc nhở, lập biên bản vi phạm. Những tồn tại, bất cập này lồ lộ, cán bộ từ cơ sở đến huyện đều biết, nhưng chẳng thể làm gì để giúp dân, ngoại trừ tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm pháp luật, hoặc lập biên bản ghi nhớ một số hành vi vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất đã được thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Viết Chung (bản Đồng Phầu) là một ví dụ cho tình trạng mỏi mòn chờ đợi đất tái định cư. Gia đình ông Chung bị thu hồi đất từ cuối tháng 12/2021; toàn bộ tài sản đất đai, nhà cửa, vườn tược… đổi lấy số tiền bồi thường, hỗ trợ tròn 1 tỷ đồng.

Ngôi nhà tạm gia đình ông Nguyễn Xuân Chung đang sống chờ ngày được tái định cư (ảnh chụp năm 2022). Ảnh: Nhật Lân
Ngôi nhà tạm gia đình ông Nguyễn Xuân Chung đang sống chờ ngày được tái định cư. (Ảnh chụp năm 2022). Ảnh: Nhật Lân

Trước khi lập hồ sơ bồi thường, Hội đồng Bồi thường hứa với ông Chung rằng, sẽ sớm giao đất tái định cư. Thế nhưng, đất tái định cư không có “sớm” như lời cán bộ, để rồi sau đó nơi ở của gia đình ông luôn bị dịch chuyển, đời sống, việc làm bị đảo lộn. Từ nhà cũ, gia đình ông Chung nhờ tá túc ở nhà anh em; ít thời gian sau, chấp nhận cuộc sống tạm bợ trong gian nhà sập nát của một hộ dân cũng bị thu hồi đất nhưng đã dời đi nơi khác… Bởi cảnh khổ kéo dài, ông Chung đã than thở: “Miệng ăn núi lở. Nếu cứ kéo dài tình trạng chờ đất tái định cư, tiền đền bù bị xâm tiêu rồi cũng hết…”.

Khu vực “nổi cộm” tình trạng xây dựng mới các công trình tạm, tái trồng cây lâu năm trên vùng tích nước Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, phải kể đến bản Bình Quang. Tháng 10/2022, trên diện tích đất Nhà nước đã thu hồi đất ngút ngàn cây keo dân tái trồng. Có những khu vực, cây keo đã 2 - 3 năm tuổi, chu vi gốc đã được khoảng 7 - 8cm; có những khu vực, keo mới trồng dăm tháng đến 1 năm, cao 30 - 50 cm, những tán lá keo đủ sắc xanh nối dài hàng km. Xen trong những rừng keo, vườn keo, có không ít những ngôi nhà, chuồng trại sử dụng vật liệu rẻ tiền, xây dựng vội vàng, tạm bợ. Có nhà có người ở; nhưng có không ít nhà bỏ hoang cỏ tranh, cây bụi vây bọc phải rẽ lối mới có thể vào...

20240918_112620-5da975538a033a9cbbcce5508e3f8341.jpg
Vùng lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng bạt ngàn những rừng keo. Ảnh: Nhật Lân

Bởi lắm những tồn tại, vùng thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng xã Châu Bình như bức tranh không có gam màu sáng, nên cán bộ huyện Quỳ Châu cũng đầy ắp nỗi lo. Như Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thời kỳ đó là ông Lô Thanh Sơn đã thổ lộ: “Do nguồn vốn dự án không có, dẫn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều tồn tại, khó khăn mà huyện không thể xử lý dứt điểm…”. Hay như Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu Vương Quang Minh (nay là Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh) cũng đã nói: “Đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri huyện Quỳ Châu. Lần nào huyện cũng đề xuất, kiến nghị về vấn đề này lên các đại biểu Quốc hội. Phải nói thẳng là dự án kéo dài hơn 10 năm trời nên cán bộ và nhân dân Quỳ Châu đã quá mệt mỏi…”.

Lần nào huyện cũng đề xuất, kiến nghị về vấn đề này lên các đại biểu Quốc hội. Phải nói thẳng là dự án kéo dài hơn 10 năm trời nên cán bộ và nhân dân Quỳ Châu đã quá mệt mỏi…”.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu Vương Quang Minh

van truong mmw
Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh tư liệu: Thành Duy
psbanmong-tit2.png

Cuối tháng 8 này, có một vài ồn ã trên mạng xã hội khiến chúng tôi nhớ lại dự cảm không hay sẽ đến ở Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng ở năm 2022. Đó là việc một vài người dân xã Châu Bình đưa lên facebook câu chuyện đất rừng được giao bị chồng lấn quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi khi huyện lập phương án thu hồi đất.

Kết nối với lãnh đạo xã Châu Bình, được xác nhận. Chủ tịch UBND xã Châu Bình, ông Lê Văn Toan vắn tắt: “Ở năm 2013, UBND tỉnh thu hồi đất lâm nghiệp của Lâm trường Cô Ba giao về cho huyện Quỳ Châu để giao cho những hộ dân chưa có đất sản xuất. Trong số này có hơn 47 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, nhưng đơn vị tư vấn và xã không nắm được, đã giao cho người dân ngay từ đợt đầu. Nay thực hiện thu hồi đất, theo quy định thì không được đền bù, huyện đã có phương án giao bù đất tương đương nhưng người dân chưa đồng tình, có vài người vì vậy đưa lên mạng xã hội…”.

...Nay thực hiện thu hồi đất, theo quy định thì không được đền bù, huyện đã có phương án giao bù đất tương đương nhưng người dân chưa đồng tình, có vài người vì vậy đưa lên mạng xã hội…”.

Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lê Văn Toan

20240919_083138.jpg
Chủ tịch UBND xã Châu Bình trao đổi với người dân về phương án đổi đất. Ảnh: Nhật Lân

Tiếp cận báo cáo của UBND xã Châu Bình ít ngày sau đó, rành rẽ hơn nội dung này. Khởi nguồn từ năm 2013, thời điểm UBND tỉnh thu hồi hơn 1.100 ha đất lâm nghiệp thuộc Lâm trường Cô Ba giao cho UBND huyện Quỳ Châu quản lý. Cùng với UBND huyện, xã Châu Bình đã nhận bàn giao đất tại thực địa từ Lâm trường Cô Ba. Từ chỉ đạo của cấp trên, xã Châu Bình lập kế hoạch giao đất cho các xóm, bản tổ chức họp bình xét chọn các hộ đủ điều kiện; sau đó, cũng trong năm 2013 phối hợp cùng tư vấn kịp thời giao đất rừng cho nhân dân. Đến năm 2019, khi thực hiện các bước thu hồi đất giải phóng mặt bằng lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, mới phát hiện 47 ha đất lâm nghiệp giao cho 149 hộ bị chồng lấn quy hoạch. Sự việc này được báo cáo lên các cấp, sở, ngành liên quan, và rồi hướng giải quyết được đưa ra là cấp đổi lại đất và chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Và để thực hiện phương án này, UBND huyện Quỳ Châu giao Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng UBND xã Châu Bình trong các ngày 23/8 và 28/8, tổ chức họp xin ý kiến các hộ dân.

20240919_102119-33f4612ee779fd9ddb53b55e04247882.jpg
Người dân bản Quỳnh 1 trình bày nguyện vọng của mình. Ảnh: Nhật Lân

Tuy nhiên tại 2 cuộc họp, người dân kiến nghị được chuyển đổi đất rừng tự nhiên bị thu hồi sang đất được trồng rừng nguyên liệu để phát triển kinh tế, chứ không nhận đất rừng tự nhiên. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND xã đã giải thích để người dân chia sẻ. Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa đáp ứng được nguyện vọng nên sau cuộc họp có một số người đã đưa các thông tin liên các trang mạng xã hội, gây dư luận không hay. UBND xã Châu Bình vì vậy đã tìm gặp trao đổi để họ dừng việc thông tin, chờ chính quyền các cấp giải quyết...

Ngày 19/9, biết UBND huyện Quỳ Châu tiếp tục tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân, chúng tôi đã ngược lên xã Châu Bình để được tham dự 2 cuộc họp dân bản 34 và Quỳnh 1. Tại 2 cuộc họp, được nghe các ông Trần Bảo Linh - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, Lê Văn Toan - Chủ tịch UBND xã Châu Bình… nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng lấn quy hoạch, thay mặt những cán bộ đã giao đất 10 năm trước nhận lỗi với người dân, và trình bày phương án đổi đất cụ thể đối với từng hộ gia đình.

20240919_083255.jpg
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu Trần Bảo Linh nói về căn nguyên dẫn đến việc chồng lấn trong quá trình giao đất năm 2013, và trình bày phương án đổi đất. Ảnh: Nhật Lân

Được nghe người dân nêu thực trạng sử dụng vùng rừng tự nhiên chồng lấn quy hoạch, giãi bày về cảnh khó và trình bày nguyện vọng. Nghe thì thật xót xa. Bởi như ông Trần Bảo Linh nói “đất tỉnh thu hồi giao về địa phương được giao hết cho nhân dân, cán bộ huyện xã không nhận một tấc; việc giao đất lâm nghiệp trong bối cảnh Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng nhiều năm không thực hiện, mốc giới không rõ ràng, việc quản lý quy hoạch chưa được quan tâm nên dẫn đến có tình trạng chồng lấn một số diện tích”, là sự thật. Và bởi nguyện vọng của người dân mong đất cấp đổi được trồng cây cũng hoàn toàn chính đáng. Vì đất lâm nghiệp giao cho dân, vốn dĩ nhằm mục đích trở thành tư liệu sản xuất của dân. Thế nhưng, đất lâm nghiệp được giao có rừng tự nhiên nên trong 10 năm trời ròng rã chủ sử dụng đất chỉ gánh thêm trách nhiệm bảo vệ rừng, mãi đến năm 2023 thì được nhận số tiền ít ỏi 400 nghìn đồng/ha cho công bảo vệ rừng!

20240919_090127-327e176bfbde1c85f30f13f800c9d81d.jpg
Người dân xã Châu Bình đồng thuận phương án đổi đất, ký xác nhận hồ sơ. Ảnh: Nhật Lân

Nhưng kết lại là ở 2 cuộc họp đã có sự thấu hiểu, chia sẻ. Sau khi được rõ nguyên nhân, cụ thể về phương án đổi đất, dù chưa như ý nhưng số đông người dân 2 bản 34, Quỳnh 1 đã thuận. Tổng hợp sau đó của Phòng Tài nguyên Môi trường và UBND xã Châu Bình cho thấy, sau khi rà soát kỹ thì số liệu có sự thay đổi. Diện tích đất lâm nghiệp giao cho dân năm 2013 bị chồng lấn quy hoạch là 29,3 ha; liên quan 94 hộ dân 7 bản, gồm: Kẻ Nậm, Bình 2, Kẻ Khoang, Quỳnh 1, Quỳnh 2, bản 32, bản 34. Ở các cuộc họp ngày 19 - 20/9, có tất cả 71 hộ dân dự họp, trong đó, 51 hộ đồng ý với phương án của huyện, 20 hộ chưa đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Cừ - Trưởng bản Quỳnh 1, xã Châu Bình nhận xét về phương án đổi đất lâm nghiệp do huyện Quỳ Châu đang triển khai đối với một số hộ dân trên địa bàn. Clip: Nhật Lân
psbanmong-tit3.png

Thời gian hạn hẹp tại xã Châu Bình, chúng tôi đã trở lại vùng bản Bình Quang, nơi một bộ phận khá đông người dân đã nhận bồi thường, bàn giao đất cho Nhà nước nhưng trở lại nơi ở cũ. Trên vùng đất sẽ trở thành lòng hồ Bản Mồng tương lai, những cánh rừng keo vẫn trải dài tít tắp, xen trong đó những ngôi nhà tạm. Ông Nguyễn Văn Mạnh - một công dân bản Bình Quang không trong diện di dời, đã nhìn nhận những hộ dân trở lại tái trồng cây đang trong “canh bạc” lớn. Nếu dự án tiếp tục chậm thêm vài năm, họ sẽ thắng, còn nếu dự án được thực hiện thì sẽ mất tất cả.

Tôi cũng được gợi ý cho trồng trên đất của một hộ đã dời đi nhưng không dám. Sống trong vùng không điện lưới, không sóng điện thoại, cũng không biết giao tiếp với ai như thế này buồn lắm. Nhưng lo nhất là khi dự án tích nước lòng hồ thì nguy cơ mất luôn cả đường đi, tương lai không biết ra sao…”.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - người dân bản Bình Quang

20240918_112345-79cbe734aac6be0d78506be61afb7763.jpg
Ông Nguyễn Văn Mạnh (ngồi giữa), công dân bản Bình Quang trao đổi về thực trạng vùng lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng. Ảnh: Nhật Lân

Thêm những thông tin từ xã Châu Bình, vùng tích nước lòng hồ còn nhiều những tồn tại, vướng mắc. Mà nổi lên trong đó là việc có 443 ngôi mộ tại Nghĩa trang bản Kẻ Khoang chưa thể thực hiện bồi thường, di dời do chưa bố trí được nghĩa trang mới. “Vấn đề này được quan tâm sớm, cụ thể là đã thống nhất với Lâm trường Cô Ba lựa chọn khu đất để xây dựng nghĩa trang mới. Huyện cũng đã lập xong hồ sơ bồi thường các ngôi mộ, đang niêm yết công khai, lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh phương án, tiến tới phê duyệt và chi trả kinh phí cho nhân dân. Tuy nhiên, quy trình giao đất cho địa phương thì vẫn phải chờ; trong khi đó, do chưa có nghĩa trang mới nên khi có người thân qua đời thì nhân dân vẫn phải đặt tại nghĩa trang cũ. Đây là điều cấp ủy, chính quyền xã rất lo vì theo văn hóa truyền thống, việc cất bốc phải cần thời gian, sẽ ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng khi dự án được tiếp tục…”.

20240918_113015.jpg
Trong bạt ngàn keo vùng lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, có không ít công trình tạm. Ảnh: Nhật Lân

Ở xã Châu Bình chúng tôi đã kết nối để biết huyện Quỳ Châu nắm vững tình hình vùng tích nước Hồ thủy lợi Bản Mồng, đã có kế hoạch chi tiết xử lý rốt ráo từng vấn đề cụ thể. Đồng thời, đã kết nối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những thông tin đầu nguồn về các bước tiếp theo sẽ thực hiện ở Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, cùng những chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Qua đó biết, tiến độ hoàn thành các công trình đầu mối Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng (giai đoạn 1) được xác định ở cuối năm 2025. Như vậy, quỹ thời gian đã rất hẹp, trong khi nội dung công việc thực sự bề bộn, khó khăn. Nghĩ để hoàn thành đúng tiến độ, khi vấn đề kinh phí đã được khơi thông thì cần sự chung sức đồng lòng. Không chỉ sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành…,mà rất quan trọng, là sự chung sức đồng lòng của nhân dân vùng ảnh hưởng!

Mới nhất
x
Bản Mồng - khi nỗi lo không còn là dự cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO