Bán rau Đà Lạt qua mạng

02/11/2013 21:08

Anh Nguyễn Trần Huy Phong cung ứng bắp cải, cà rốt, khoai tây... do chính nhà vườn Đà Lạt gieo trồng qua kênh online, giá bán cao hơn thị trường cả chục nghìn đồng.

Nhiều rau củ bày bán tại các chợ có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng khó biết cách phân biệt và không dễ tìm được hàng Đà Lạt chính gốc. Đó là lý do anh Nguyễn Trần Huy Phong nảy ra ý tưởng mang nông sản chất lượng từ Đà Lạt do chính người nông dân trồng và đưa tận tay người tiêu dùng chỉ với một cú nhấp chuột. Anh sinh ra và lớn lên ở Đơn Dương (cách Đà Lạt khoảng 50 km) - vùng nguyên liệu trồng rau, củ quả cung cấp cho Sài Gòn mấy chục năm, nên mong muốn của anh có cơ sở thành hiện thực.

Năm 2009, anh lập website chuyên cung cấp thông tin liên quan đến nông nghiệp để nhiều người có thể cập nhật tình hình rau, củ quả ở Đà Lạt cũng như các tỉnh khác. Trong khoảng thời gian này, anh nhận được lời đề nghị thường xuyên từ bạn bè trong Nam ngoài Bắc nhờ gửi rau Đà Lạt về dùng cho bảo đảm an toàn. Từ nhu cầu của những người xung quanh cùng kinh nghiệm 14 năm làm việc trong ngành công nghệ thông tin, anh quyết định mở kênh mua bán rau, củ trực tuyến để tất cả mọi người đều có thể thoải mái lựa chọn những sản phẩm ưa thích.

“Rau tươi ai cũng cần nên việc thành lập website để mua bán thế này không phải canh bạc liều mà đây là xu hướng ai cũng nhìn thấy”, anh Phong nói.

Tháng 7 vừa qua, dịch vụ đặt rau, củ quả trực tuyến chính thức hoạt động. Người tiêu dùng có thể tìm thấy thông tin liên quan đến quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại rau củ quả và phản hồi từ những người đã dùng trước đó trên trang web này. Nhiều khách chụp lại các công đoạn nhận hàng và món ăn chế biến từ nguyên liệu đó mang lên Facebook cho mọi người xem và bình luận. Nhờ đó, vườn rau online của anh được biết đến nhiều hơn.

Các loại rau, củ quả sẽ được đóng thùng và gửi đến cho khách hàng.

Nhờ áp dụng công nghệ, nên nhiệm vụ của nông dân giờ là tập trung trồng trọt, không phải lo lắng nơi tiêu thụ, giao hàng. Phần mềm hệ thống quản lý bán hàng giúp anh chủ động hơn về số lượng giao, ước tính thời gian, chi phí, năng suất của một vụ, từ đó lên kế hoạch gieo trồng để phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Tiêu chí kinh doanh của anh là rau, củ phải tươi, không dùng thuốc bảo quản và đưa các sản phẩm mới thu hoạch đến người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất. Để mua hàng, người tiêu dùng có thể truy cập website, điện thoại, email hay mạng xã hội. Việc giao hàng diễn ra theo ngày nhất định. Khách ở TP HCM nhận hàng vào thứ ba và thứ sáu, khách ở Hà Nội là thứ tư và thứ bảy.

Mỗi đợt giao hàng, khu vực TP HCM, Hà Nội phải đạt tối thiểu 50 đơn hàng, trị giá một đơn hàng khoảng 150.000 đồng. Lượng đặt ít hơn anh không dám nhận vì không đủ bù đắp chi phí giao hàng. Trường hợp số đặt hàng chưa đủ như trên sẽ chuyển sang đợt tiếp theo. Sau khi hoàn tất giao dịch thanh toán qua online, hàng sẽ được giao tận nhà theo yêu cầu của người mua, khách trả thêm chi phí vận chuyển 10.000 – 30.000 đồng.

Sau khi gom đơn đặt hàng, đủ số lượng, anh chuyển rau, củ quả bằng xe, máy bay gửi đến kho tạm tại TP HCM, Hà Nội để đóng thùng.

Dịch vụ đặt rau, củ quả trực tuyến có hơn 30 danh mục và hiện có trên 300 khách hàng. Đây chủ yếu là người quen, bạn bè biết đến kiểu kinh doanh này đến ủng hộ anh và giới thiệu thêm những người khác hưởng ứng cùng. Ngoài ra, để tăng lượng tiêu thụ, tạo điều kiện gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện thu nhập cho nhà vườn, anh nghiên cứu cung ứng rau sạch cho các chợ ở TP HCM. Có như vậy, bà nội trợ nào cũng có cơ hội mua hàng ngon, đảm bảo chất lượng.

Trở ngại lớn nhất của các sản phẩm này là giá cả. Chẳng hạn cà rốt ở bên ngoài khoảng 20.000 đồng một kg, nhưng trên website của anh chào bán 34.500 đồng. Anh cho rằng, mức chênh lệch này là hợp lý vì các loại rau củ được trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đòi hỏi chi phí đầu tư cao, chất lượng kiểm soát chặt. Hàng ngày, đội ngũ nhân viên có mặt tại các vườn kiểm tra thường xuyên để xem nông dân có thực hiện đúng quy trình sản xuất, chứ không khoán hoàn toàn. Đối với những ngày mưa bão, thời tiết thay đổi đột ngột, hầu như anh liên tục cử người đến các vườn giám sát.

"Hàng chính gốc Đà Lạt, luôn tươi mới, trồng theo quy trình sạch, dịch vụ tốt là chìa khóa giúp tôi có những khách hàng trung thành, dù giá bán có đắt hơn thị trường", anh chia sẻ bí quyết thu hút một số người tiêu dùng vốn quen đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Khu vực Đơn Dương vốn có truyền thống lâu đời xuất khẩu rau củ quả nổi tiếng của cả nước, đáp ứng các yêu cầu khắc khe của thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, với mức giá cao, người mua hiện chủ yếu là người có thu nhập khá và coi trọng chất lượng sản phẩm. Để giữ chân các vị khách này, anh đặc biệt quan tâm tới khâu hậu mãi, khi khách gọi điện hay gửi email than phiền về sản phẩm nào đó, nhân viên sẽ phản hồi ngay và nhanh chóng xử trí. Ví dụ: nếu rau bị dập thì người mua được bù lại vào đợt sau mà không trả phí nào.

Cho đến thời điểm này, nguồn vốn đầu tư vào vùng nguyên liệu là tốn kém nhất, lên đến vài tỷ đồng. Số vốn này anh lấy từ hoạt động kinh doanh phần mềm do anh sở hữu để bù qua, chứ mô hình rau online chưa mang lại nguồn thu ổn định.

Trong thời gian phát triển website bán rau trực tuyến, điều băn khoăn lớn nhất của anh Phong là vùng nguyên liệu đang rải rác làm tăng chi phí đầu vào. Do vậy, mong muốn lớn nhất hiện nay của anh là có thể kêu gọi đầu tư từ bên ngoài để ổn định vùng nguyên liệu và gom cả vùng trồng trọt tập trung vào một nơi, vừa dễ quản lý đồng thời giảm bớt chi phí.

Theo.vnexpress

Mới nhất
x
Bán rau Đà Lạt qua mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO