Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo triển khai đặt lại tên khối, xóm, bản, tổ dân phố trùng tên
Một trong những nội dung quan trọng tại Kết luận số 578-KL/TU ngày 10/7/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An là chỉ đạo triển khai việc đặt lại tên các khối, xóm, bản, tổ dân phố bị trùng tên sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 1678/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Nghệ An đã hoàn tất việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 412 xuống còn 130 xã, phường.
Việc sáp nhập này đã góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, xã) nhưng đồng thời cũng phát sinh một số bất cập, trong đó nổi bật là tình trạng trùng lặp tên gọi ở khối, xóm, bản, tổ dân phố.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 3.797 khối, xóm, bản, tổ dân phố trực thuộc 130 xã, phường. Sau quá trình sáp nhập, trên cùng một địa bàn hành chính cấp xã mới đã xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị dân cư cơ sở trùng tên nhau.
Thực trạng này không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính, xác định địa chỉ cư trú, mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cả các hoạt động giao dịch, buôn bán hàng ngày của người dân.
Tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh vừa qua, nhiều đại biểu đã phản ánh thực trạng trùng tên này, đồng thời đề nghị tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất để các xã tiến hành rà soát, sắp xếp lại các đơn vị dân cư và bố trí đội ngũ người hoạt động không chuyên trách phù hợp với mô hình mới.
Để kịp thời khắc phục bất cập nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai việc đặt lại tên các khối, xóm, bản, tổ dân phố bị trùng tên tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sáp nhập.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên khối, xóm, bản, tổ dân phố thuộc về HĐND cấp xã.
Quá trình triển khai cần bảo đảm tính dân chủ, công khai, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đồng thời phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, truyền thống của từng địa phương.