Bán ve chai nuôi con học đại học
(Baonghean) Chị Ngô Thị Xuân tiếp chúng tôi tại căn lều được người em trai dựng tạm để canh cá tại cánh đồng trũng ở xóm 1 Mỹ Giang, xã Hưng Mỹ huyện Hưng Nguyên. Trong căn lều vẻn vẹn 20m2, mẹ con chị đã có những tháng ngày hạnh phúc trong sự yêu thương, đùm bọc của anh em, bà con lối xóm. Gần 20 năm nay, một thân một mình buôn bán ve chai kiếm ngày vài ba chục ngàn để nuôi sống mình, nuôi con ăn học cho tận ngày cháu được vào đại học.
(Baonghean) Chị Ngô Thị Xuân tiếp chúng tôi tại căn lều được người em trai dựng tạm để canh cá tại cánh đồng trũng ở xóm 1 Mỹ Giang, xã Hưng Mỹ huyện Hưng Nguyên. Trong căn lều vẻn vẹn 20m2, mẹ con chị đã có những tháng ngày hạnh phúc trong sự yêu thương, đùm bọc của anh em, bà con lối xóm. Gần 20 năm nay, một thân một mình buôn bán ve chai kiếm ngày vài ba chục ngàn để nuôi sống mình, nuôi con ăn học cho tận ngày cháu được vào đại học.
Chị Xuân sinh năm 1955 trong một gia đình nghèo làm nông tại xóm 1 xã Hưng Mỹ. Năm 1990, chị gặp và kết hôn vội vã với một người đàn ông ở TP. Vinh, làm nghề thợ xây, có nhà, cửa đàng hoàng. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, đứa con trai kháu khỉnh vừa lên 2 tuổi thì anh tiết lộ mình đã có gia đình và không thể gắn bó với mẹ con chị nữa.
Tay trắng không một chút tài sản, chị gửi con cho người thân rồi xuống TP. Vinh làm người giúp việc. Thương con sống thiếu thốn tình cảm, chị lại quyết định quay về thuê một mái nhà tạm. Nghề nhặt, mua và bán ve chai, giấy vụn, phế liệu của chị bắt đầu từ đó. Sáng sáng, gửi con nhà hàng xóm, chị lọc cọc đạp xe từ xóm này qua xóm khác thu mua phế liệu, chiều chiều lại một mình xuống Vinh nhập rồi quay về khi trời đã nhá nhem tối. Có ngày, chị phải đạp xe ra tận ngoài thị trấn, đi sang cả những xã ở xa để thu mua phế liệu. Nhiều người thấy chị hiền lành, chất phác, thật thà còn thương tình cho chị ăn uống, cho không phế liệu để về bán kiếm thêm tiền.
Những ngày mưa gió trở trời, toàn thân chị đau nhức mệt mỏi lại thêm căn bệnh đau dạ dày, co thắt đại tràng hành hạ, nhưng nghĩ đến hạnh phúc của con, chị vẫn không nỡ ngơi nghỉ lấy một ngày. Cảnh sống vất vả nhưng mẹ con rau cháo, sớm tối có nhau, con trai chị ngoan ngoãn, hết mực thương mẹ, chăm ngoan học giỏi. Tất cả như thúc giục, động viên chị vượt qua muôn vàn khó khăn, chắt lót từng đồng để nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Giữa năm 2011, con trai chị thi đỗ vào Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Mình chị sớm tối đi về căn lều tạm tuềnh toàng, ọp ẹp, kèo cột bằng cây mét mối mọt ăn sắp sập, dồn tâm sức cho con học tập. Mỗi tháng, chị phải gửi ra cho con trai 2 - 3 triệu đồng ăn ở, học hành. "Trời cho sống khỏe mạnh đến lúc nào thì mình lo cho con tới lúc đó chứ biết mần răng dừ chú. Cũng may là có tiền cho vay sinh viên, cộng với tui chắt lót vay mượn nên cũng tạm ổn. Mình đã thất học rồi, con cái phải hơn mình để sau về xây nhà, phụng dưỡng mẹ chứ" - chị Xuân tâm sự. Hy vọng con trai chị sẽ nỗ lực học tập, thành đạt trong cuộc sống, mang lại niềm hạnh phúc cho người mẹ tần tảo.
Võ văn Dũng