Bán vé online, ngẫm mà chạnh lòng

An Thanh 29/11/2018 15:02

(Baonghean.vn) - Mặc dù, trang chủ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo mở bán vé từ 10h ngày 28/11 đến 12h ngày 29/11 hoặc đến khi hết vé nhưng rốt cuộc, chỉ 5 phút sau khi mở bán, các trang bán vé của VFF đều thông báo đã "hết hàng". Không bán mà hết vé, điều đó khiến người hâm mộ chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm??!

Việt Nam xứng đáng là quốc gia cuồng nhiệt bóng đá nhất khu vực Đông Nam Á.Vé trận bán kết lượt về ở sân Mỹ Đình thuộc dạng đắt nhất tại các quốc gia dự AFF Cup 2018, có 4 mệnh giá là 200.000 đồng, 300.000 đồng, 400.000 đồng và 500.000 đồng/vé nhưng vẫn hàng triệu người chờ đợi mua vé online.

Ngon, bổ, rẻ

1.Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, người hâm mộ vẫn không sao mua được tấm vé qua mạng (ảnh TA)
Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, người hâm mộ vẫn không sao mua được tấm vé qua mạng. Ảnh: TA

Vé trận bán kết Philippines - Việt Nam, đã được LĐBĐ Philippines mở bán từ 27/11 với mức giá rất “mềm”. Theo đó, với các vị trí đẹp nhất là khán đài VIP, khán đài B, D và E có mức giá là 400 peso Philippines (tương đương gần 180.000 đồng Việt Nam). Philippines cung cấp vé tới người hâm mộ cũng bằng hình thức bán vé online. Vé xem trận đấu này sẽ được bán online trên trang SM Tickets từ trưa ngày thứ 4, 28/11/2018.

Sau đó, trước khi diễn ra trận đấu, người hâm mộ phải đến quầy vé để đổi lấy vé giấy mới được vào sân. Khá nhiều khán giả nghiền bóng đá không có vé xem lượt về đã bay sang Philippines xem trận lượt đi.

Trên ViaGoGo, một trang web chuyên bán vé các sự kiện thể thao, ca nhạc đang rao bán vé lượt về trận Thái Lan - Malaysia sau khi bán sạch vé lượt đi. Các thông tin yêu cầu mua vé khá đơn giản, trang web liệt kê khá rõ ràng quy mô sân vận động, các hạng vé còn lại cũng như mô tả vị trí của từng hạng vé.

Các bước từ chọn vé, mua đến thanh toán đều rõ ràng, dễ hiểu. Vé đặt xong sẽ được chuyển trực tiếp đến địa chỉ của người mua. Tất nhiên, chi phí để chuyển vé về Việt Nam không hề rẻ. Giá vé đẹp chỉ là 36 USD, nhưng phí chuyển về Việt Nam lên tới 40 USD. Tuy nhiên, xét về quy trình, tốc độ và trải nghiệm mua vé, trang này hơn hẳn website của VFF.

Tương tự từ ngày 26/11, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) bắt đầu mở bán một nửa số lượng vé xem trận bán kết lượt đi AFF Cup với đội tuyển Thái Lan - tương đương 40.000 vé - qua hình thức trực tuyến.Trong vòng 48 tiếng đồng hồ, 40.000 vé này đã được bán hết veo trên hệ thống mua vé online tickethotline.com.my. Vé xem trận bán kết lượt đi tại Malaysia được chia ra làm 3 loại: ghế có mái che giá 40 ringgit (khoảng 220.000 đồng), ghế thường có giá 30 ringgit (170.000 đồng) và ghế cho trẻ em 5 ringgit (30.000 đồng).

Thượng đế chào thua

Việc bán 25.000 vé online của VFF trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lại đang làm dậy sóng người hâm mộ. Hàng nghìn người chầu chực bên máy tính để mua được cặp vé bán kết đã lắc đầu chào thua các trang bán vé trực tuyến của VFF quá chậm và bị sập ngay trước giờ mở bán. Khá đông khán giả trong đó có các thương binh đã bao vây trụ sở VFF mua vé. Trong khi đó, vé chợ đen được rao bán tràn lan trên mạng với các giá không hề rẻ, khán đài A phải 5 triệu đồng/cặp.

2.Không ai tin VFF lại không lường trước tình trạng nghẽn mạng (ảnh màn hình)
Không ai tin VFF lại không lường trước tình trạng nghẽn mạng. Ảnh màn hình
Hành trình mua được tấm vé online chả khác gì khai báo vào các cơ sở bảo vệ đặc biệt. Bạn phải không dưới 20 lần trải qua bước kiểm tra xem người hay robot với ít nhất 50 lần trả lời câu hỏi xem cái ảnh ấy là gì (xe bus, xe đạp, đèn đường, cứu hỏa...) và bằng tiếng Anh. Lọt vào vòng trong rồi, chọn được mệnh giá, chọn số vé mua, khai báo đủ các thứ, đến phần thanh toán,…màn hình quay tít thò lò đến 3 phút sau trả lời không kết nối được với máy chủ. Đến khi làm lại thủ tục mua vé thì báo tên này, số điện thoại này, email này đã có người mua, và đề nghị email liên hệ...

Đến nỗi, chuyên gia CNTT Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT sau trải nghiệm mua vé VFF đã chua chát: "phần mềm tệ nhất trong tất cả phần mềm đã sử dụng 34 năm qua". Vị chuyên gia phần mềm này thẳng tưng cho rằng: “Đến sinh viên năm 3 cũng không làm ra cái phần mềm tệ đến thế". Dân trong nghề thì thừa hiểu, mấy web mà VFF đang dùng là sản phẩm hàng chợ, giá tối đa khoảng 20 triệu đồng, bao gồm cả chi phí tên miền, hosting.

Về lý thuyết nếu băng thông của website quá yếu nên nhanh chóng gây ra hiện tượng nghẽn. Khi nghẽn, yêu cầu của người truy cập thường bị hỏng do đó không thể đặt vé. Nhưng dù được giải thích, không ai tin VFF lại không lường trước tình trạng nghẽn mạng, khi chứng kiến cảnh xếp hàng mua vé trận Myanmar chen chúc như thế nào. Trước đó, VFF tự hào công bố đối tác phát hành vé là GMO-Z.com Runsystem - thành viên của Tập đoàn GMO Internet. Theo VFF, GMO Internet là tập đoàn công nghệ mạng số một Nhật Bản.

Tuy nhiên, trước tình trạng sập mạng chỉ sau 5 phút, người ta nghi ngờ VFF đã bán hết vé trận Việt Nam - Philippines và đóng server ngay từ đầu bởi VFF không công khai minh bạch số lượng vé bán, thống kê truy xuất lại kết quả đặt vé thành công qua các website.

Cuộc cách mạng CNTT 4.0 của VFF xem ra “chưa đốt đã xịt”. Tưởng cải tiến thế nào, chứ thế thà cứ xếp hàng cho vui, còn kiểm đếm được bao nhiêu người mua được vé gốc.

Mới nhất
x
Bán vé online, ngẫm mà chạnh lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO