Băng rừng, đội mưa xây 73 ngôi nhà cho người Đan Lai trước ngày 15/8
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến mùa mưa lũ cao điểm, một cuộc "chạy đua" với thời gian đang diễn ra tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Các lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương và đơn vị thi công đang nỗ lực vượt mọi khó khăn về địa hình, thời tiết để hoàn thành 73 ngôi nhà kiên cố, giúp bà con Đan Lai kịp có nơi ở an toàn, ổn định.
Giấc mơ an cư giữa đại ngàn

Tại hai bản Cò Phạt và Búng của xã biên giới Môn Sơn, giấc mơ về một ngôi nhà vững chãi đã cháy bỏng trong lòng người dân Đan Lai suốt hàng chục năm qua. Họ đã quá quen với cảnh sống trong những căn lều tạm bợ, hổng trước trống sau, nơi cái rét và sự dột nát là nỗi ám ảnh thường trực.
Như căn nhà tạm của ông Lê Văn Nam ở bản Cò Phạt thực ra là căn lều được lợp ít phên tranh để che nắng, chắn mưa, và không có bất kỳ vật dụng nào có giá trị. Ông Nam đã 64 tuổi, từ năm 1997 đến nay chỉ sống thui thủi một mình, nên tin vui những ngày này đến với ông như một phép màu. "Vợ con không có, bệnh tật liên miên, ăn uống thì thiếu trước hụt sau, nên khi được xã chọn để hỗ trợ làm nhà mới, nói thật tui vui mà quên ngủ. Thế là mơ ước có cái nhà kiên cố để ở khi về già đã thành hiện thực rồi”, ông Nam nói.

Còn với những người mẹ như chị Lê Thị Hoa (sinh năm 1994, hiện sống ở bản Búng cùng 4 người con), niềm hạnh phúc ấy không thể nói thành lời. Khi được bộ đội biên phòng báo tin, chị chỉ biết nghẹn ngào: “Nhà em khổ lắm. Nay được Nhà nước quan tâm đến chỗ ở, em với các con mừng lắm”.
Là hàng xóm gần đó, anh La Văn Kim - 31 tuổi, có 3 đứa con nhỏ cũng bày tỏ: “Xưa nay cả nhà ở trong căn nhà tranh, vách ván nên nắng mưa dột hết. Rét cũng phải chịu thôi, nghèo quá mà. Ít ngày nữa có nhà mới, con cái đỡ khổ, đỡ lạnh”.
Thế nhưng, để biến giấc mơ giản dị ấy thành hiện thực, các lực lượng đang phải đối mặt với một hành trình gian nan gấp bội.
Trở ngại lớn nhất là con đường độc đạo dài hơn chục cây số vào bản, vốn đã cách trở nay lại càng thêm trắc trở vì những cơn mưa rừng bất chợt. Anh Kha Văn Thái, người trực tiếp lái máy múc mở đường, kể: “Buổi chiều cứ thấy đám mây đen từ xa là mưa đổ xuống. Mưa không dài nhưng rất to, đất đá từ ta luy dương trôi xuống lấp hết mặt đường. Con đường lúc nào cũng trong tình trạng sống trâu, đầy vũng nước và bùn lầy".
Trung tá Hồ Đăng Thảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Môn Sơn, khẳng định: “Nếu mưa to vài chục phút là đường bị cắt luôn. Muốn đẩy nhanh tiến độ, việc đầu tiên là phải khắc phục được giao thông để tập kết vật liệu xây dựng".

Khó khăn không chỉ đến từ thiên nhiên. Do nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, dự án vướng nhiều thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, việc vận động bà con cũng không dễ dàng. Thiếu tá Phan Văn Thắm (Đồn Biên phòng Môn Sơn) cho biết, không ít người còn băn khoăn khi phải dỡ đi căn nhà tranh quen thuộc. “Để bà con hiểu, bộ đội phải bám bản, bám dân tuyên truyền nhiều ngày liền, làm cho bà con thấy, từ đó mới có sự đồng thuận", anh cho biết.
Chạy đua không đơn độc
Trước những thách thức chồng chất, một ý chí chung đã được hình thành. Tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng phê duyệt cơ chế đặc thù, hỗ trợ kinh phí 90 triệu đồng cho mỗi nhà xây mới và 45 triệu đồng cho nhà sửa chữa, gỡ nút thắt lớn nhất về thủ tục.
Trên thực địa, một chiến dịch tổng lực được triển khai. Ông Lưu Trung Kiên - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, khẳng định: “Giúp dân xóa nhà tạm chính là nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần giảm áp lực lên rừng”.
.jpg)
Để đảm bảo tiến độ, kế hoạch xây dựng được chia làm 4 đợt theo hình thức cuốn chiếu. Ông Lương Văn Minh, đại diện đơn vị thi công, cam kết: “Nếu thời tiết thuận lợi, có đủ vật liệu, đúng 2 ngày chúng tôi thi công xong một nhà để bàn giao”.
Lực lượng bộ đội biên phòng đóng vai trò nòng cốt, vừa vận động người dân, vừa trực tiếp giúp tháo dỡ nhà tạm, bàn giao mặt bằng. Trung tá Nguyễn Lương Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn, cho biết: “Dù mưa gió thất thường, nhưng với quyết tâm bám bản, bám việc, nhiều căn nhà mới kiên cố đã dần được dựng lên trong niềm vui trông ngóng của người dân.”
Ngay sau khi vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, UBND xã Môn Sơn đã triển khai ngay kế hoạch đợt 2 về việc tháo dỡ 20 nhà tranh tre, nứa lá cho các hộ nghèo Đan Lai ở 2 bản Cò Phạt và bản Búng. Và theo yêu cầu tiến độ đặt ra, việc thi công sẽ được thực hiện nhanh, nhưng chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu.
Do địa bàn cách trở, giao thông đi lại khó khăn, mưa nhiều về chiều, chính vì vậy chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công tăng cường phương tiện, tập trung vận chuyển vật liệu vào sớm nhất. Cùng với việc vận chuyển vật liệu, một bộ phận cũng được yêu cầu bám sát tuyến đường để kịp gia cố những nơi bùn lầy, điểm sụt trượt. Mục tiêu của xã Môn Sơn đưa ra là phải hoàn thành toàn bộ 73 nhà cho người dân Đan Lai ở 2 bản Cò Phạt, bản Búng đúng tiến độ đề ra là trước ngày 15/8.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và niềm mong mỏi của người dân, những ngôi nhà nghĩa tình đang dần thành hình, viết tiếp giấc mơ an cư nơi vùng biên xứ Nghệ.