Báo cáo in SGK lỗ, lãnh đạo NXB Giáo dục vẫn nhận lương khủng
Trong 3 năm qua, quỹ lương cán bộ cũng như quản lý Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam liên tục tăng, có năm tăng 33% và 37%. 13 cán bộ lãnh đạo NXB này nhận lương trung bình 523 triệu đồng/năm.
Lương lãnh đạo hơn nửa tỷ đồng/năm
Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất (2015, 2016 và 2017) mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) công bố cho thấy, quỹ lương của đơn vị liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, tổng quỹ lương đã thực hiện chi trả năm 2015 là 59,3 tỷ đồng cho 292 lao động, mỗi lao động nhận trung bình 16,9 triệu đồng/tháng. Năm 2016, tổng quỹ lương của NXBGD tăng lên 71,8 tỷ đồng. Quỹ lương tăng mạnh nhưng số lao động lại giảm còn 285 người. Do đó, trung bình mỗi lao động tại đây nhận 21 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, tổng quỹ lương tăng lên 78 tỷ đồng, lao động tiếp tục giảm còn 257 người, trung bình mỗi lao động nhận 25,3 triệu đồng. Mức lương này cao hơn gấp nhiều lần thu nhập trung bình của nhân viên các đơn vị sự nghiệp công lập, thậm chí còn hơn cả thu nhập trung bình nhân viên một số ngành “hot” hiện nay như ngân hàng. Tương tự, lương lãnh đạo của NXBGD cũng liên tục tăng và ở mức cao. Đơn cử năm 2015, quỹ lương dành cho các chức danh quản lý chỉ 4,5 tỷ đồng thì năm 2016 tăng mạnh lên 6,2 tỷ đồng và 2017 tăng lên 6,8 tỷ đồng. Với 5 thành viên HĐTV, 6 người ban Tổng giám đốc, 1 kế toán trưởng và 1 kiểm soát viên, tổng số lãnh đạo của NXBGD là 13 người. Chỉ tính riêng năm 2017, mỗi thành viên trong ban quản lý nhận trung bình hơn 523 triệu đồng/năm, tương đương 43,6 triệu đồng/tháng. Để trả được lương cao như trên, trong 3 năm qua, hầu hết các chỉ số kết quả kinh doanh của NXBGD đều rất “đẹp” với tổng doanh thu liên tục tăng từ 1.041 tỷ đồng năm 2015 lên 1.147 tỷ đồng 2016 và 1.203 tỷ đồng năm 2017. Dù sản lượng sản xuất sách giáo khoa có năm trồi, năm sụt (2016 tăng rất mạnh, năm 2017 lại giảm nhẹ) song doanh thu vẫn tăng đều, tăng chắc qua các năm. Đáng chú ý nhất là chỉ tiêu lợi nhuận. Nếu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của NXBGD mới 32 tỷ đồng thì năm 2016 đã tăng mạnh hơn 2 lần lên 72,1 tỷ đồng và năm 2017 tiếp tục tăng hơn hai lần nữa lên 150,8 tỷ đồng. Trong số các công ty NXBGD đầu tư thì chỉ có 2 đơn vị lỗ năm 2014. Đến năm 2017 tất cả các công ty ngành Giáo dục này đều có lãi, lãi lớn nhất là Công ty CP Sách và thiết bị trường học TPHCM với 13,8 tỷ đồng lợi nhuận. Hàng năm, NXBGD đều nhận tiền cổ tức từ các công ty này từ 10-20%. Riêng Công ty CP In - phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Trị 4 năm liên tiếp có báo cáo thì đều chia cổ tức 0% dù năm 2016 và 2017 đã kinh doanh có lãi.
Dù mảng kinh doanh chính là sách giáo khoa gây lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhưng thu nhập của lãnh đạo, CBCNV NXB Giáo dục Việt Nam vẫn tăng đều (Trong ảnh: Gian hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hội sách mùa thu 2018) |
Lợi nhuận từ đâu đến?
Ngành nghề kinh doanh của NXBGD gồm in ấn, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, xuất bản các loại xuất bản phẩm như SGK, giáo trình, sách, tài liệu... Theo Báo cáo Công bố Thông tin gửi Bộ GD&ĐT, năm 2016 NXBGD xuất bản hơn 101 triệu bản, năm 2016 gần 109 triệu, 2017 hơn 107 triệu và 2018 là 110 triệu bản. SGK chiếm 60% doanh thu và gây lỗ hàng chục tỷ đồng/ năm do nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, tiền in ấn, vận chuyển đều tăng. Cụ thể, năm 2015 mảng này lỗ 43,8 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng và năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng.
Lỗ ở mảng kinh doanh chính song lợi nhuận vẫn tăng mạnh và tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng của doanh thu.
Lý giải về “thắng lợi” này, lãnh đạo NXBGD cho biết: Đơn vị này “ngoài thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn thì nhờ hoạt động thoái vốn đầu tư đem lại lợi nhuận cao đột biến. Theo báo cáo của NXBGD, lợi nhuận năm 2017 đến từ hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ 240,9 tỷ đồng, từ doanh thu thuần hơn 1.111 tỷ đồng. Những khoản mang lại doanh thu và lợi nhuận bao gồm sách bài tập, sách tham khảo, giáo trình, từ điển...
Đáng chú ý, theo Đề án tái cơ cấu NXBGD giai đoạn 2014-2016, định hướng tới 2020 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, năm 2015 NXBGD đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại một công ty thu về 1,1 tỷ đồng.
Tiếp đó, năm 2016, NXBGD tiếp tục thoái toàn bộ vốn đầu tư tại 2 công ty, thu về 14,97 tỷ đồng. Năm 2017, NXBGD tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty nữa, thu về 32,18 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2018, NXBGD tiếp tục thoái vốn tại các công ty cổ phần khi Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2018 - 2023 được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tính đến 20/6/2018, NXBGD có 10 công ty con còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và đầu tư vào 11 công ty khác với số vốn chiếm hơn 50% vốn điều lệ.