Bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán
(Baonghean.vn) - Để tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu ngành ngân hàng phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Đổi tiền mới, tiền lẻ tràn lan chợ mạng
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang tới rất gần, và vẫn như thường lệ, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới mệnh giá nhỏ phục vụ nhu cầu mừng tuổi, tâm linh... cũng đang nóng lên từng ngày.
Càng gần cuối năm, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì, đi lễ chùa lại râm ran trên các trang mạng. Theo lời quảng cáo, khách hàng muốn loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, phục vụ giao hàng tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa với các hình thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản, thẻ cào… Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận đổ sỉ tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu.
Trên các trang mạng, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ được rao công khai, tràn lan. Ảnh: Thu Huyền |
Tài khoản Bé H. đăng tin: Em nhận đổi tiền mới các mệnh giá 1.000; 2.000; 5.000; 10.000, 20.000, 50.000; 100.000; 200.000. Có sẵn loại: Tiền mới không nguyên seri phí đổi 1 triệu là 50.000 đồng tất cả mệnh giá; Tiền thường đã lựa 1 triệu là 40.000 đồng tất cả mệnh giá; Tiền mới nguyên tệp, nguyên cọc, nguyên seri, mới 100% mệnh giá 10.000, 50.000, 100.000, 200.000 với 1 triệu là 60.000 đồng; mệnh giá 20.000 với 1 triệu là 70.000 đồng.
Phí đổi trung bình dao động từ 10 - 15% và tiền mệnh giá càng nhỏ phí đổi càng cao. Nhiều tài khoản còn cho rằng càng gần tết phí càng tăng: “Ai muốn đổi phí rẻ nên đổi bây giờ luôn mọi người nhé. Nhận đặt cọc từ giờ. Càng gần ngày thì giá càng cao, mọi người cân nhắc nhé!”. Các tài khoản Facebook công khai rao dịch vụ đổi tiền kèm số điện thoại giao dịch.
Khi gọi điện tới một số điện thoại được công khai trên mạng, chúng tôi được một nam thanh niên đon đả chào mời: Chị cần đổi bao nhiêu, bên em đổi bao nhiêu cũng có, mệnh giá càng nhỏ, tiền mới phí cao hơn tiền mệnh giá lớn... và hẹn địa điểm nhận tiền.
Được biết, tiền lẻ đa phần đến từ ở các đền, miếu, đình, chùa, sau đó ngược ra thị trường. Còn tiền mới chủ yếu đến từ các ngân hàng và những mối quan hệ quen biết.
Trước đó, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dừng phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán, giúp tiết kiệm cho ngân sách; cùng với đó, cam kết vẫn cung cấp tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước Tết Nguyên đán.
Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu ngành ngân hàng phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp. Ảnh: Thu Huyền |
Chính phủ cũng thường xuyên có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Cao Song Điệp - Trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, việc đổi tiền lẻ, tiền mới không những vi phạm pháp luật mà người dân còn có nguy cơ gặp phải tiền giả. Để tránh tiền mất, tật mang, người dân cần thận trọng, tránh bị lừa như đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, thậm chí là tiền giả,… Người dân có tài khoản ở ngân hàng nào thì nên đến đổi tiền mới ở ngân hàng đó để không tốn phí, số tiền đổi được phụ thuộc vào từng ngân hàng.
Xử lý nghiêm hoạt động đổi tiền vi phạm pháp luật
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 26/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp tình hình thị trường, diễn biến vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm an toàn hệ thống.
Hoạt động kiểm ngân tại 1 ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền |
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm và đầu năm; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ thanh toán của Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có biện pháp bảo đảm thanh khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn; chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM tăng cao trước và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tăng cường giám sát an ninh mạng và triển khai các biện pháp kỹ thuật, bố trí nhân sự cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của các hệ thống thanh toán và các hệ thống liên quan.
Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN, ngoài các đơn vị như các chi nhánh thuộc Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, mọi hành vi thu đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác là bất hợp pháp và bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật. Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng theo khoản 5 điều 30 mục 8 chương 2 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.