Bảo đảm thanh toán nợ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước

08/10/2015 16:45

(Baonghean) - 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro; ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP khả quan; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tín dụng tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao... Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không thuận đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và NSNN năm 2015. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

P.V: Với điều kiện trong và ngoài nước 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng có thể cho biết tình hình thực hiện dự toán NSNN đã đạt những kết quả như thế nào?

Thứ trưởng Vũ Thị Mai
Thứ trưởng Vũ Thị Mai

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội địa đạt khá, với mức thực hiện tháng 9 ước đạt 42,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 504,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó nhiều khoản thu tiến độ đạt khá, có khoản đã hoàn thành dự toán năm. Dù cho số thu từ dầu thô 9 tháng đạt 51,78 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% dự toán, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 187,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 64 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 123,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán.

Về chi NSNN, với tổng chi lũy kế 9 tháng đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014, có thể nói tình hình chi NSNN vẫn trong tình trạng ổn định. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển được ưu tiên, với luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 127,28 nghìn tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán, tăng 7,4% cùng kỳ năm 2014. Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, đến hết tháng 9, vốn giải ngân cho các dự án ước đạt 123,5 nghìn tỷ đồng, bằng 64,8% dự toán (cùng kỳ năm 2014 đạt 63,6%). Kiên định với mục tiêu từ đầu năm, Bộ Tài chính đã giữ mức chi trả nợ và viện trợ luỹ kế thực hiện 9 tháng đạt 114,79 nghìn tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2014, bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

Ngoài ra, mức chi phát triển các sự nghiệp KT - XH, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính được đáp ứng kịp thời theo dự toán giao và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng. Theo đó, luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 574,89 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2014. Về cân đối ngân sách, bội chi NSNN tháng 9 ước 27,54 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng ước 140,97 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

P.V: Thưa Thứ trưởng, trong quý III/2015, thị trường tài chính - tiền tệ diễn biến không thuận lợi cho công tác huy động vốn cho NSNN. Vậy tình hình huy động vốn cho NSNN như thế nào, và giải pháp tiếp theo là gì?

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Tính đến ngày 30/9/2015, Kho bạc Nhà nước đã huy động trái phiếu Chính phủ đạt tổng số 2.563 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 30/9/2015, KBNN huy động được 127.473 tỷ đồng (bao gồm 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ, quy đổi 21.458 tỷ đồng), đạt 51% kế hoạch năm 2015, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường tài chính – tiền tệ gặp phải các diễn biến không thuận lợi cho công tác huy động vốn cho NSNN, nên NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 2% lên 3% và nới rộng biên độ dao động tỷ giá. Diễn biến thị trường ngoại hối đã tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, dẫn tới giảm nhu cầu mua TPCP.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm của Bộ Tài chính là phải tập trung cho công tác huy động vốn. Theo đó, phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn, phấn đấu huy động đạt kế hoạch được giao. Rà soát, đàm phán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN; thực hiện huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch.

P.V: Theo Thứ trưởng, công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm còn những vấn đề gì cần quan tâm, giải quyết, tháo gỡ?

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Về công tác điều hành thu NSNN, có thể nói là Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ quan trọng bậc nhất này. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Luật thuế mới ban hành, tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thu, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đồng thời tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tập trung xử lý nợ đọng thuế.

Kết quả đã thanh tra, kiểm tra gần 52 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014; số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng, đã nộp NSNN trên 6 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 16,2 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 24,5 nghìn tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 1.835 cuộc thanh tra sau thông quan, bằng 57% kế hoạch đề ra; xử lý truy thu vào NSNN khoảng 1.189 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Về điều hành chi NSNN, các nhiệm vụ chi ngân sách nhìn chung được bảo đảm theo dự toán và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 77 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi trên 500 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 165 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, qua đó đã phát hiện khoảng 22,6 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài chính là tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, có thể thấy, công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong đó, đối với giá cước vận tải, từ đầu năm 2015 đến nay, hầu hết các địa phương đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp với biến động của chi phí đầu vào; một số các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại nhiều tỉnh/thành phố đã kê khai giảm cước. Đối với giá sữa, tính đến hết tháng 9/2015, đã có 768 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai. Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã thiết lập mặt bằng giá tối đa, về cơ bản giá được kiểm soát. Giá bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện đã giảm khoảng từ 0,1 - 34% so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Với những kết quả đó, Bộ Tài chính cho rằng trọng tâm công tác vẫn là phải tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2015 và giao dự toán NSNN năm 2016. Tình hình thực tế diễn ra sôi động, có nhiều đột biến bất ngờ chưa lường trước được, nhưng quan trọng là những kịch bản cơ bản có thể xảy ra đều được lường trước để có đối sách phù hợp, nhanh chóng, đồng bộ. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và giảm nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.

P.V: Cảm ơn Thứ trưởng!

Sông Hồng (Thực hiện)

Mới nhất

x
Bảo đảm thanh toán nợ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO