Báo động mất an toàn an ninh trường học

05/12/2017 15:40

(Baonghean)- Thời gian gần đây, những vụ việc liên quan đến an ninh trường học xảy ra đang trở thành mối lo chung của cả cộng đồng.

Nỗi lo mất an toàn trường học

Một trong những nỗi lo hàng đầu đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là bạo lực học đường. Câu chuyện này không mới nhưng luôn là vấn đề nóng, khi mà thực tế cho thấy các vụ việc diễn ra trong thời gian gần đây có mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Không chỉ học sinh đánh nhau mà thậm chí ngay cả phụ huynh cũng dùng vũ lực ngay trong trường học.

Em tài học sinh THPT
Em Tài học sinh THPT Lê Lợi ( Tân Kỳ) bị một nhóm đối tượng đi xe máy đánh. Tư liệu

Điển hình như ngày 19/10/2017, một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) đã đến trường đánh hiệu trưởng và bạn của con phải nhập viện.

Sau đó không lâu, ngày 13/11/2017 dư luận lại một lần nữa bức xúc khi một nhóm đối tượng đi xe máy vào Trường THPT Lê Lợi (huyện Tân Kỳ), rú ga ầm ĩ sau đó đánh một học sinh và thầy giáo là bí thư đoàn trường phải nhập viện cấp cứu.

Rồi hàng loạt các vụ việc nữ sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng xã hội Facebook ở Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ...

Tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh tại Diễn Châu. Ảnh: Phương Thảo
Tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh tại Diễn Châu. Ảnh: Phương Thảo

Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, trên toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ bạo lực học đường. Bên cạnh đó là tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự ATGT (không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, dàn hàng ngang, đánh võng trên đường vào các giờ tan tầm..) và một số vấn đề khác ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị địa phương.

Như việc một số đối tượng cực đoan lợi dụng sơ hở, thiếu sót của ngành giáo dục, nhất là vấn đề thu, chi, xã hội hóa giáo dục để kích động phụ huynh, học sinh tham gia các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Một số trung tâm, cơ sở giáo dục hoạt động chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, cấp phép, không đăng ký tạm trú cho giáo viên người nước ngoài theo quy định. Tất cả những vấn đề nêu trên đang khiến cho cả xã hội lo lắng về công tác an ninh trường học - nơi đáng lẽ phải được coi là an toàn, lành mạnh nhất cho con em ở độ tuổi đến trường.

Những bất cập trong quản lý

Để kiểm soát chặt chẽ vấn đề an ninh trường học, các ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh. Thứ nhất là việc quan tâm chưa đúng mức từ phía nhà trường.

Đơn cử như vụ việc một số trường học tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn bất chấp quy định cho phép một số người vào tiếp thị bán các mặt hàng gia dụng cho giáo viên mà không gặp bất cứ sự phản đối nào.

Trong tháng 10/2017, các đối tượng này đã bán được kha khá số lượng hàng hóa cho các giáo viên tại các trường tiểu học Hùng Tiến, Vân Diên 1 (huyện Nam Đàn) và một số trường học trên địa bàn huyện Thanh Chương. Sau khi các đối tượng đi khỏi địa bàn, các giáo viên mới nhận ra chất lượng hàng hóa không đảm bảo, và quan trọng hơn là đã quá chủ quan, lơ là, bất cẩn trong việc kiểm soát an ninh trong trường học.

Trường Tiểu học Đỉnh Sơn (Anh Sơn) - nơi xảy ra sự việc phụ huynh đánh học sinh và thầy hiệu trưởng. Ảnh tư liệu
Trường Tiểu học Đỉnh Sơn (Anh Sơn) - nơi xảy ra sự việc phụ huynh đánh học sinh và thầy hiệu trưởng. Ảnh tư liệu

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, qua các cuộc kiểm tra tại một số trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều trường không đưa nội dung an ninh trường học vào kế hoạch công tác năm.

“Không đưa nội dung này vào kế hoạch thì làm sao triển khai thực hiện và giành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này? Chúng tôi đã ghi nhận một số trường hợp tại cơ sở giáo dục của huyện Tương Dương”, ông Hoàn nói.

Thứ hai, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình với các ban, ngành liên quan ở địa phương chưa được thường xuyên và kịp thời. Phụ huynh giao phó trách nhiệm cho thầy, cô giáo trong khi giáo viên lại chưa nắm bắt được diễn biến tư tưởng của học sinh để kịp thời động viên, uốn nắn, còn chính quyền địa phương thì chỉ vào cuộc khi sự việc đã ở mức độ nghiêm trọng.

Như vậy vô hình trung khiến sợi dây ràng buộc giữa gia đình, nhà trường và xã hội trở nên lỏng lẻo, các em có biểu hiện thờ ơ, vô cảm trước những hành động bạo lực học đường hoặc không có sự trang bị đầy đủ để bảo vệ bản thân trước những hành vi vi phạm pháp luật.

Không những vậy, một số trường cơ sở vật chất trang bị cho các hoạt động giáo dục còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu để đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự trong nhà trường.

Một thực tế dễ nhận thấy, là mặc dù trường nào cũng có ít nhất một bảo vệ trường học, nhưng đội ngũ này lại hoàn toàn không đảm bảo các yếu tố cần thiết về sức khỏe, kỹ năng để kịp thời ngăn chặn các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Cần sự chung tay

Theo thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 6 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, 538 trường mầm non, 542 trường tiểu học, 412 trường THCS, 90 trường THPT, 21 Trung tâm giáo dục thường xuyên… với khoảng 1.500.000 HSSV; đội ngũ giảng viên, giáo viên có khoảng gần 8.000 người.

Trước số lượng các trường học và học sinh, giáo viên lớn, phân bố rộng khắp ở địa bàn rộng, phức tạp, công tác ổn định trật tự an ninh trường học là một trong những nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.

Tuyên truyền phổ biến giáo dục về bạo lực học đường tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Phương Thảo
Tuyên truyền phổ biến giáo dục về bạo lực học đường tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Phương Thảo

Thời gian qua, ngành giáo dục và công an đã thực hiện quy chế đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện cho thấy đã kiểm soát tốt hơn, ngăn ngừa nhiều vụ việc phức tạp có nguy cơ xảy ra.

Hiện nay, việc phối hợp này đang được tích cực đẩy mạnh, định kỳ 6 tháng 1 lần, 2 ngành tổ chức Hội nghị giao ban an ninh trường học khối phổ thông và khối các trường chuyên nghiệp nhằm trao đổi thông tin, phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý Nhà nước và công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Hằng năm, các nhà trường và ngành chức năng đều tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ngăn ngừa tội phạm cho học sinh, sinh viên (trong năm 2017 đã tổ chức được 41 buổi tuyên truyền cho hơn 50.000 lượt HSSV).

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp đang được ngành công an thắt chặt trong thời gian tới là kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy định hoạt động kinh doanh của các dịch vụ, hàng quán gần cổng trường; khoanh vùng các đối tượng có biểu hiện xấu lai vãng quanh khu vực trường học… phòng ngừa nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, để đảm bảo công tác an ninh trường học cần sự quan tâm đúng mức từ cả cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, không thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc trước thực trạng cấp bách này.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 1.640 học sinh vi phạm pháp luật, trong đó có 1.570 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, 9 trường hợp vi phạm TNXH, 10 trường hợp trộm cắp tài sản, 3 trường hợp cố ý gây thương tích, 22 trường hợp bạo lực học đường,…


Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Báo động mất an toàn an ninh trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO