Báo động nạn đuối nước trẻ em

Tiến Hùng 06/07/2019 14:00

(Baonghean.vn) - Thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trung bình hàng năm giai đoạn từ năm 2010 - 2015 có khoảng 3.000 trẻ em ở Việt Nam bị chết đuối. Đến năm 2016, số trẻ em tử vong do chết đuối là 2.110 trường hợp.

Chuyên đề đuối nước:

Báo động nạn đuối nước trẻ em

Thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trung bình hàng năm giai đoạn từ năm 2010 - 2015 có khoảng 3.000 trẻ em ở Việt Nam bị chết đuối. Đến năm 2016, số trẻ em tử vong do chết đuối là 2.110 trường hợp và từ năm 2017 đến nay tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương chưa đầy đủ thì con số này khoảng 2.000. Tỷ lệ này được cho là cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Ở Nghệ An, số trẻ em chết đuối luôn nằm trong tốp đầu của cả nước, đặt biệt là trong những tháng gần đây. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến thực trạng này?.

Bài 1: Những cái chết thương tâm

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất toàn quốc (16,490 km2), địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kéo dài. Có bờ biển dài 82 km với 6 cửa lạch nối ra biển; hệ thống sông ngòi, đập nước, ao hồ nhiều (tuyến đường thủy nội địa có 13 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Dân số có trên 3,1 triệu người, trong đó, số trẻ em từ 0 - 16 tuổi trên 800.000 em, chiếm 26,5% dân số.

Thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành hàng loạt văn bản, kế hoạch phòng tránh, nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn ở mức báo động. Theo thống kê của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 40 vụ đuối nước xảy ra, cướp đi sinh mạng của hơn 50 trẻ. Đặc biệt là những tháng gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tập thể đau lòng.

Cụ thể, ngày 30/5, một nhóm học sinh lớp 8 ở huyện Yên Thành đã thiệt mạng vì đuối nước trong quá trình đi liên hoan ngày cuối năm học. Trước đó, ở thị xã Thái Hòa, chiều 29/4, 3 chị em họ tuổi từ 9 - 13 cũng bị chết đuối trên sông Hiếu đoạn chảy qua phường Long Sơn. Mới đây nhất, ngày 23/6, 3 học sinh ra sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương tắm thì bất ngờ gặp nạn. Điều đau lòng là 2 trong số 3 nạn nhân chỉ còn 1 ngày nữa là thi THPT Quốc gia...

Đùa giỡn với “tử thần”

Buổi chiều cuối tháng Sáu, cũng như thường lệ, em Lô Ngọc Vui (12 tuổi), tức tốc chạy ra đập Phà Lài để nô đùa cùng đám bạn ngay sau khi phụ mẹ lên rẫy về. Nhóm trẻ mải mê đùa giỡn với “tử thần”, chạy băng băng trên thân đập trơn trượt, phía dưới là dòng nước sâu hoắm, chảy xiết. Thấy phóng viên ghi hình, Vui cùng nhóm trẻ hiếu động lại càng phấn khích, thi nhau thể hiện những động tác mạo hiểm như nhảy từ đỉnh đập cao gần 10 mét xuống dưới, hay lộn người lặn xuống những dòng nước chảy xiết...

Cách đó không xa là tấm biển cảnh báo nguy hiểm mà chính quyền lắp đặt. Dường như nó chẳng khiến một đứa trẻ nào ở đây quan tâm. Xung quanh đó, chẳng thấy một người lớn nào canh chừng, còn các dụng cụ bảo hộ tối thiếu như phao thì nhóm trẻ này nói “chả cần thiết”. Mẹ Vui, bà Vi Thị Lan (42 tuổi), nói rằng, biết con trai ra đó bơi lội nguy hiểm nhưng cũng chẳng cấm được. “Đang nghỉ hè, ở đây còn có chỗ nào để chúng nó chơi đùa đâu”, bà Lan nói.

Nhiều phụ huynh khác ở xã Môn Sơn (Con Cuông), cũng trả lời câu tương tự khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này. Ra sông, hồ, đập để nô đùa, bơi lội dường như là lựa chọn duy nhất đối với trẻ em vùng này. Bất chấp ở đó đã có không ít trường hợp đuối nước đau lòng xảy ra.

Mới nhất
x
Báo động nạn đuối nước trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO