Báo động nạn trẻ em đuối nước

(Baonghean) - Dù năm nào các cơ quan chức năng cũng đưa ra lời cảnh báo về tình trạng trẻ bị đuối nước vào dịp nghỉ hè, thế nhưng tỷ lệ trẻ bị đuối nước chưa giảm. Ngoài nguyên nhân chủ quan của các bậc cha mẹ thì một nguyên nhân cơ bản là trẻ em không được trang bị kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống dưới nước. Chương trình học bơi đã triển khai nhưng trẻ chỉ được tập bơi… trên cạn.

Những câu chuyện thương tâm
Chiều 24/5, 2 em Lê Viết Kiên (8 tuổi, học sinh lớp 2) và Lê Viết Sáng (5 tuổi) là 2 anh em họ, trú ở thôn 3, xã Lạng Sơn (Anh Sơn) rủ nhau ra bến sông Lam chảy qua thôn để tắm. Trong lúc tắm, 2 em không may sảy chân vào hố sâu do việc khai thác cát, sạn trước đây để lại nên bị nước cuốn trôi. Đến chiều tối 24/5, người thân và lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy thi thể 2 em. Trước đó, ngày 22/5, tại xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu), 2 anh em họ Phạm Văn Mạnh (16 tuổi) và Phạm Thị Oanh (13 tuổi) trong khi cùng nhau chơi đùa tại mép bờ ao của một gia đình trong xóm thì rơi xuống ao, do không biết bơi nên hai anh em bị đuối nước. Ngày 16/5, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 5 học sinh ở huyện Quỳnh Lưu và Thành phố Vinh tử vong… 
Các em nhỏ ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) tắm sông.	Ảnh: P.V
Các em nhỏ ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) tắm sông. Ảnh: P.V
Những thông tin như vậy cứ nối dài vào dịp đầu hè, làm cho chúng ta càng lo lắng. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Nhiều nhất là các huyện Quỳnh Lưu (8 em), TP. Vinh (3 em), Thanh Chương (2 em), Anh Sơn (2 em), Diễn Châu (2 em), còn lại là ở các huyện Nghi Lộc, Yên Thành (mỗi huyện 1 em). Năm 2014, toàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ đuối nước, làm 76 trẻ em tử vong, đa số ở độ tuổi học sinh tiểu học và THCS. Trong đó, nhiều nhất là huyện Quỳnh Lưu (21 em), TX Hoàng Mai (8 em), huyện Yên Thành (7 em), Nghi Lộc (6 em)... 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đuối nước ở trẻ em trong huyện là sự chủ quan của phụ huynh. Hầu hết các em đều tự ý ra sông, biển tắm khi nghỉ học và bị nước cuốn trôi. Một số phụ huynh cho con em mình ở nhà với ông bà già yếu, không thể trông cháu và chỉ trong một phút chốc lơ là, họ vĩnh viễn mất con… Tại xã Quỳnh Hồng, những ngày gần đây, mọi người đều xót thương cho em Hồ Hữu Tạo (4 tuổi) bị tử vong do sảy chân xuống ao trong khi ở nhà với ông.
Trước đó, năm 2014, trên địa bàn xã 2 anh em ruột Nguyễn Anh Tấn (SN 2006) và Nguyễn Đức Phát (SN 2008) cũng bị ngã xuống ao, tử vong khi theo bà ra đồng… “Các vụ trẻ tử vong do đuối nước xảy ra khi bố mẹ các em đi vắng. Rồi rất nhiều gia đình có ao hồ trong nhà nhưng không có rào chắn, chỉ cần người lớn lơ là, các cháu nhỏ rất dễ xảy ra đuối nước. Dịp hè hàng năm, xã tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến…”- Ông Nguyễn Phúc Lợi, cán bộ chính sách xã Quỳnh Hồng chia sẻ. 
Trẻ tập bơi trên... cạn
Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra vào dịp hè. Đây là khoảng thời gian học sinh có nhiều thời gian vui chơi hoặc phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra sông, suối để tắm hoặc mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… Mặt khác, nhiều gia đình lơ là sự quản lý, để con em tự ý đi chơi gần các ao, hồ, sông, suối hoặc tắm mà không có người lớn đi cùng, trong khi đó có nhiều vùng nước nguy hiểm. Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi các em gặp nguy hiểm không có sự trợ giúp kịp thời của người lớn. 
Bên cạnh sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh thì nguyên nhân khác khiến tình trạng trẻ bị đuối nước là do các em không biết bơi. Ông Đặng Minh Hoài, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu thừa nhận, toàn huyện hiện chỉ có 1 hồ bơi ở xã Quỳnh Đôi, trong khi huyện có dân số đông, số lượng trẻ em trên địa bàn huyện khá lớn.
Mặc dù trong những năm gần đây, phòng có phối hợp với Trung tâm TDTT huyện tổ chức dạy bơi cho các em vào dịp hè, nhưng mỗi năm cũng chỉ dạy được chưa đầy 100 em. Trong khi đó, chị Phạm Thị Nhung mẹ của 2 anh em bị đuối nước ở xã Quỳnh Hồng cách đây 1 năm cho rằng: “Do bận bịu chuyện đồng áng, đi làm thuê nên 2 vợ chồng không thường xuyên nhắc nhở 2 cháu về các nguy cơ đuối nước, cũng không hề nghĩ đến chuyện cho các cháu đi học bơi…”. 
Một lớp học bơi cho trẻ em do Đoàn xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) tổ chức (1)
Một lớp học bơi cho trẻ em do Đoàn xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) tổ chức 
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh có số trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất cả nước, và tỷ lệ trẻ em biết bơi của tỉnh chỉ vào khoảng 10%. Mặc dù từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV về “Triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015”, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chủ động cử các giáo viên có chuyên môn về bơi lội tham gia các lớp tập huấn chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn thương tích và chỉ đạo các trường chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện để đưa môn bơi vào dạy học trong các tiết giáo dục thể chất. 
Thực tế, đã có một số địa phương trong tỉnh tổ chức dạy bơi cho học sinh như Anh Sơn, Nam Đàn nhưng chỉ được 1, 2 năm và hiệu quả chưa cao. Hiện nay, việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện được. Nếu có thì một số trường cũng chỉ dạy chay cho trẻ học bơi nắm lý thuyết “trên cạn”. Toàn tỉnh chưa có trường học nào có bể bơi để đảm bảo cho việc dạy học bơi lội nên việc đưa môn bội lội vào dạy ngoại khóa cho học sinh còn khó, chưa nói đến học chính khóa. Các trường cũng không mặn mà trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như tổ chức các khóa học bơi cho học sinh, do phần lớn thời gian năm học diễn ra trong thời tiết lạnh, không thích hợp cho việc học bơi… Chính vì thế, cơ hội học bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học, THCS còn bỏ ngỏ.
Minh Quân

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.