Báo động tình trạng trẻ em miền núi bỏ học đi lao động tại các khu công nghiệp

28/05/2012 14:52

(Baonghean) - Chưa đủ tuổi lao động nhưng nhiều trẻ em miền núi đã bỏ học, gia nhập đội quân làm thuê. Nơi họ tìm đến là những công trình xây dựng, những khu công nghiệp ở Bình Dương hay khu công nghiệp Trại Gà (Từ Liêm - Hà Nội)...

Chưa bao giờ cái bản nhỏ Nam Đình (Chi Khê - Con Cuông) lại có nhiều người đi vào các khu công nghiệp ở Bình Dương tìm việc nhiều như sau tết Nhâm Thìn 2012. Ở bản nhỏ 100% người Thái này, trẻ em 11, 12 tuổi đã phải đỡ đần cha mẹ những việc đồng áng, 14, 15 tuổi đã biết cầm máy cưa đi đốn cây keo thuê. Từ nhiều năm nay, rừng đã cạn gỗ nên đội quân "lao động trẻ em" không phải lên rừng đốn gỗ nữa. Cũng chính vì lâm sản cạn kiệt nên cuộc sống vốn quen dựa vào rừng của bà con dân bản lại thêm phần lao đao. Nhiều bậc cha mẹ lấy làm mừng khi hàng tháng lại được ra bưu điện nhận những đồng tiền con cái đi làm ăn xa gửi về mà quên mất rằng, con mình còn đang dưới độ tuổi lao động.


Mới 15 tuổi nhưng Lô Thị Na và Lương Thị Hiền (thôn Nam Đình) đều đã lao động tại các công ty sản xuất hàng công nghiệp tại Bình Dương. Lô Thị Huyền Trang sinh năm 1995 nhưng đã vào miền Nam lao động hơn 2 năm. Khi đi xin việc, những thiếu nữ này đều chưa đủ 16 tuổi. Các bậc cha mẹ của họ cho biết: "Bọn nó muốn đi làm, cha mẹ không ngăn được"...


Ở bản Mọi, xã Lục Dạ - Con Cuông hiện có 18 trẻ vị thành niên từ 13 - 15 tuổi đã bỏ học. Trong số đó có 11 em đã đi khỏi địa phương. Thông tin từ gia đình các em và công an viên bản Mọi - ông Lộc Văn Phương, thì cả 11 em nhỏ này đều đang đi làm ở tỉnh Quảng Ninh (không rõ là huyện nào). Công việc của họ là đốn và vận chuyển cây keo. Ông Thương cho biết, cách đây vài năm có một nhóm gồm người lớn và trẻ em theo một người trong bản ra Quảng Ninh, sau đó có thêm nhiều em nhỏ kéo nhau đi kiếm việc.


Vi Văn Sáng sinh năm 1998 (bản Mọi) cho biết: "Em ra Quảng Ninh đã hơn nửa năm rồi, nhưng đã 3 tháng nay không được trả tiền công. Nhà chủ nói chưa bán keo nên không có tiền". Một số em nhỏ vừa trở về từ Quảng Ninh cũng cho biết, trước khi đi những "cai thầu" hứa sẽ trả cho mỗi người 120.000 đồng/ngày tiền công, không phải lo tiền tàu xe và ăn uống, tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa hão.


Ông Lộc Văn Phương chia sẻ: "Trẻ con bản Mọi lao động sớm một phần là vì cái nghèo. Cả bản có 153 hộ thì có đến 148 hộ nghèo và đói." Ông Phương bảo, chỉ mong sao trong bản có được một người vào đại học hay chí ít là một trường cao đẳng. Vì ít học nên cái nghèo sẽ còn mãi đeo đẳng cuộc sống của bà con dân bản và số trẻ em vào đời sớm sẽ ngày một nhiều hơn.


Qua tìm hiểu, dễ nhận thấy trẻ lao động sớm tập trung vào những bản khó khăn về kinh tế. Tại huyện Con Cuông chủ yếu là các cộng đồng người Đan Lai và những bản người Thái ở Bình Chuẩn, Đôn Phục thường có tỷ lệ hộ đói và nghèo cao. Ở những cộng đồng này, trẻ lao động sớm đã thành "truyền thống" đã trải qua nhiều thế hệ.


Theo ông Lương Thế Trung - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Con Cuông, phụ trách công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ngoài những nguyên nhân muôn thuở về cái nghèo, còn có nguyên nhân là các cấp ủy chính quyền cơ sở chưa chú trọng công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, mà còn phó mặc cho nhà trường.


Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đã có hiệu lực từ năm 2004, tuy nhiên, ở nhiều nơi công tác tuyên truyền, phổ biến để đưa những điều luật này vào cuộc sống chỉ mới dừng lại ở các tấm băng rôn trên đường cái lớn, nơi trung tâm huyện lị. Những cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền trẻ em còn quá hiếm hoi.


Hữu Vi

Mới nhất
x
Báo động tình trạng trẻ em miền núi bỏ học đi lao động tại các khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO