Báo Đức: Phương Tây ủng hộ Ukraine nhưng không muốn Nga thất bại
(Baonghean.vn) - Tờ Die Welt (Đức) cho hay, bất chấp những tuyên bố rầm rộ ủng hộ Ukraine, tập thể phương Tây lại không muốn Nga bị đánh bại. Các chính trị gia phương Tây lo ngại một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga, nên muốn điều tiết lượng vũ khí cho Kiev.
Theo hãng tin RT ngày 26/1, tờ Die Welt cho biết, các tuyên bố của giới lãnh đạo phương Tây, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về việc sẵn sàng giúp đỡ Ukraine đang thể hiện sự trái ngược với hành động. Trên thực tế, họ cung cấp một lượng vũ khí hạn chế. Điều này nhằm đảm bảo Nga không bị đánh bại.
Theo Die Welt, các chuyên gia và một số chính trị gia phương Tây như Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen đều thừa nhận rằng, sự hỗ trợ của phương Tây là chưa đủ. Viện Kinh tế thế giới Kiel cho biết, nguồn cung vũ khí của phương Tây cho Kiev đã giảm đáng kể, từ mùa Thu năm 2023. Do đó, Ukraine sẽ chỉ nhận được 300-400 nghìn quả đạn pháo, thay vì hàng triệu như đã cam kết. Trên thực tế, điều này có nghĩa là mỗi ngày Ukraine bắn đi một lượng pháo, ít hơn 5 lần so với Nga.
Die Welt lưu ý rằng, tình hình ngày càng trở nên trầm trọng hơn do hình ảnh một Ukraine hùng mạnh được các chính trị gia phương Tây quảng bá trong các bài phát biểu của họ. Thay vì công khai thừa nhận thất bại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại tiếp tục ca ngợi sức mạnh của quân đội nước này, và nhấn mạnh điểm yếu của Nga. Tuy nhiên, cách tiếp cận này tạo ra nhận thức sai lệch trong dư luận về bức tranh xung đột, và không góp phần hỗ trợ kêu gọi nguồn cung vũ khí cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius vào tuần trước đã tuyên bố: "Chúng tôi đang cung cấp nhiều nhất có thể". Tờ Die Welt nhận định, đây là một mưu đồ chính trị, bởi vì phương Tây đang cung cấp chính xác số lượng vũ khí mà họ muốn Kiev nhận, để "Ukraine có thể giữ vững chiến tuyến và không bị Nga đè bẹp".
Theo Die Welt, nếu các chính trị gia phương Tây quan tâm đến chiến thắng của Ukraine, Berlin sẽ cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn 500 km. Trên thực tế, sự trợ giúp của phương Tây chỉ giới hạn ở 40 tên lửa ATACMS đã lỗi thời trong số hơn 2.000 tên lửa được cất giữ trong kho vũ khí của Mỹ. Ngoài ra, Washington chỉ đồng ý điều này, sau nhiều lần Kiev thuyết phục.
Die Welt tin rằng, những quyết định như vậy dường như là một tính toán chiến lược "tinh xảo" của các chính trị gia phương Tây, và rõ ràng là không có lợi cho Ukraine.
Phương Tây lo ngại xung đột leo thang với Nga, quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân lớn. Vậy nên, phương Tây muốn duy trì hiện trạng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ./.