Bao giờ mới hoàn thành?
(Baonghean) - Năm 2010, thực hiện Chương trình "Kiên cố hóa trường học", Trường tiểu học Dũng Hợp, xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ) được ngành Giáo dục chọn để đầu tư xây mới. Những tưởng năm học 2010 - 2011 học sinh sẽ được về trường mới, thế nhưng gần 2 năm qua giấc mơ về một ngôi trường khang trang của phụ huynh và học sinh nơi đây vẫn còn quá xa vời...
Giữa năm 2010, sau khi có chủ trương xây lại trường theo Chương trình "Kiên cố hóa trường học",Trường Tiểu học Dũng Hợp phải phá để xây dãy nhà mới trên nền đất cũ. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên trường chỉ làm được phần móng và phần thô rồi để dở dang từ năm 2011 đến nay.
Học sinh khối lớp 2 đang phải học tạm trong nhà văn hóa xóm Thuận Yên
Do không có phòng nên xã phải chuyển học sinh về nhà văn hóa xóm để học. Để đến thăm học sinh ở ba khối 1,2,3 chúng tôi đã phải đi qua ba địa điểm, trong đó học sinh khối 2 và 3 học ở nhà văn hóa xóm. Riêng học sinh khối 1 vì còn nhỏ tuổi nên được ưu tiên ở trường cũ,đó là một gian nhà cũ kỹ vốn là nhà ban giám hiệu trước kia, nay cũng xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn cảnh những em nhỏ đến trường phải học trong hoàn cảnh thiếu thốn, ánh sáng phòng học hạn chế, phòng học lại vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, những người làm cha, làm mẹ không khỏi chạnh lòng.
Gần 2 năm phải học "tạm" trong nhà văn hóa, cô giáo Lương Thị Mạo thấm thía nhiều nỗi vất vả bởi đường vào điểm lẻ phần lớn là đường đất, vào mùa mưa đường thường xuyên lầy lội, bùn đất nên đi lại hết sức khó khăn. Nhà văn hóa lại là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động của xóm, bản nên không ít lần lớp học phải chuyển sang ngày cuối tuần vì phải trả lại phòng học cho xóm hoạt động. Bản thân các vị phụ huynh có con phải học ở nhà đây cũng không yên tâm, bởi lứa tuổi tiểu học các em hiếu động và ưa khám phá trong khi đó khuôn viên của nhà văn hóa quá nhỏ không đủ để các emvui chơi, sinh hoạt các hoạt động ngoại khóa.
Đối với các cô giáo, thầy giáo dạy các bộ môn như Âm nhạc, tiếng Anh, Hội họa thì hết sức vất vả, bởi để có thể "chạy sô" 4 điểm trường từ đầu xã đến cuối xã, có những buổi cả đi, về giáo viên phải đi gần 20 cây số. Chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi phần giáo cụ, thực hành thường tập trung tại điểm trung tâm, nay chỉ riêng điểm lẻ Thuận Yên đã có tới 4 địa điểm học nên thầy cô giáo khó có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, giáo án giảng dạy...
Là một trong những xã nghèo của huyện Tân Kỳ, xã Nghĩa Dũng kéo dàitrên 10 km. Do địa bàn rộng, người dân lại sống riêng lẻ, trong đó có đến ba xóm là xóm của dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Thanh. Những năm trước, dù điều kiện trường lớp còn có nhiều hạn chế, nhưng ở hai điểm lẻ điểm trường Thuận Yên và điểm trường Nghĩa Hợp vẫn có phòng học tập trung cho 10 lớp học sinh khối cấp 1. Khi thực hiện sửa sang lại trường lớp theo Chương trình "Kiên cố hóa trường học", do trong quá trình khảo sát đơn vị thiết kế chọn xây dựng trường mới trên nền của ngôi trường cũ nên các lớp học và nhà sinh hoạt đều phải phá bỏ.
Theo kế hoạch ban đầu, trường học khởi công từ tháng 8/2010 và đến khoảng tháng 5/2011 sẽ thi công xong. Tuy nhiên, công trình xây dựng này đang thi công giở dang thì gặp kế hoạch cắt giảm chi tiêu công theo Nghị quyết11 của Chính phủ. Gần 3 tháng thi công chưa thanh toán được đồng nào, nhà thầu lại phải bỏ toàn bộ số vốn nên buộc phải "bỏ của chạy lấy người". Công trình chưa hoàn thành, sau gần một năm nằm giữa mưa nắng bắt đầu lên rêu xanh, cỏ mọc um tùm.
Giải quyết tình trạng này như thế nào đang là băn khoăn của huyện Tân Kỳ vì với tổng số vốn xây dựng hai ngôi trường gần 3 tỷ đồng, huyện không có khả năng thanh toán vì cắt giảm đầu tư công. Bản thân UBND xã Nghĩa Dũng cũng không thể xoay xở kịp, vì chỉ riêng góp 270 triệu đồng vốn đối ứng xã cũng đã phải cố gắng rất nhiều, việc huy động xã hội hóa giáo dục ở một xã nghèo là thiếu tính khả thi.
Liên tục hai năm học liền học sinh phải học ở điểm trường tạm, dư luận và phụ huynh trong vùng đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Trước thực tế này, bước sang học kì hai năm nay, Phòng GD & ĐT huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo Ban giám hiệu trường trung học cơ sở Dũng Hợp, điểm trường 2 nhường các phòng học của học sinh khối 8 và khối 9 để học sinh tiểu học, điểm trường Thuận Yên về học tập cùng với học sinh khối lớp 6,7. Bài toán về phòng học cho học sinh tiểu học ở Trường tiểu học Dũng Hợp bước đầu về cơ bản đã giải quyết xong, nhưng theo Hiệu trưởng Hoàng Văn Hiến "đó vẫn chỉ là tạm thời". Về lâu dài, trường và ngành Giáo dục Đào tạo huyện Tân Kỳ đang rất cần sự vào cuộc, giúp đỡ của tỉnh, của Sở Giáo dục & Đào tạo cũng như của chính quyền địa phương.
Đạm Phương - Mỹ Hà