Bao giờ thực hiện?

25/11/2013 18:26

(Baonghean) - Năm 1930-1931, Xứ uỷ Trung Kỳ chọn nhà ông Hoàng Viện (Hưng Châu, Hưng nguyên) làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng. Năm 1991, nơi đây được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTT& DL) công nhận là di tích cấp Quốc gia. Do không được trùng tu kịp thời, không được tu bổ thường xuyên nên đến nay di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng…

Chứng tích lịch sử

Nhà ông Hoàng Viện ở làng Phúc Mỹ, nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên. Làng Phúc Mỹ nằm giữa xã Hưng Châu, phía Tây Bắc là núi Nhón, phía Nam là sông Lam. Từ làng Phúc Mỹ ra sông Lam có thể xuôi về Bến Thủy, TP Vinh hay ra ga Yên Xuân đi tàu hỏa vào Nam ra Bắc. Với vị trí như vậy, năm 1930 - 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ đã chọn nơi đây làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn.

Các kỷ vật lịch sử liên quan đến hoạt động của Xứ ủy Trung kỳ bị hư hỏng do không được bảo quản tốt.
Các kỷ vật lịch sử liên quan đến hoạt động của Xứ ủy Trung kỳ bị hư hỏng do không được bảo quản tốt.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi Đảng ra đời, tháng 4 năm 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ cử phái viên về bắt liên lạc với nhóm cộng sản có bí danh là Trúc – Lam - Giang để phát triển cơ sở đảng các làng dọc theo sông Lam. Khi phong trào đấu tranh đạt đến đỉnh cao, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Thanh Chương, Can Lộc, Đức Thọ... chính quyền Xô Viết ra đời. Sau một thời gian ngắn, địch tập trung lực lượng đàn áp cách mạng bằng một cuộc khủng bố đẫm máu, nhiều cán bộ đảng viên bị tù đày, cơ sở đảng tan vỡ. Trước tình hình đó, Xứ uỷ quyết định chuyển cơ quan từ Hưng Dũng, Lộc Đa lên Phúc Mỹ để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhà ông Hoàng Viện trở thành trụ sở chính của Xứ uỷ Trung Kỳ.

Ông Hoàng Viện có hai ngôi nhà. Nhà trên được ngăn thành hai phòng, phòng trong có gác xép làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn. Sau nhà ông Hoàng Viện được đào thêm 2 căn hầm thông sâu vào núi Nhón. Hầm sâu 2m, rộng 1,5m, phía trên lát gỗ đắp đất kín đáo, xung quanh cây cối rậm rạp che khuất làm nơi in ấn cất dấu tài liệu và ẩn nấp. Khi có động, cán bộ xuống hầm ra sau núi để thoát. Tại đây, báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cho quần chúng nhân dân. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Xứ uỷ, Đội tự vệ Hưng Châu được thành lập với 60 đội viên ngày đêm canh gác tuần tra. Một số đồng chí đảng viên như Hoàng Viện, Hoàng Nhị, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa tích cực vận động quyên góp kinh phí cho Xứ uỷ hoạt động.

Từ ngày cơ quan Xứ uỷ về làm việc tại Hưng Châu, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 500 nông dân đòi hào lý trả lại 500 quan tiền và một số ruộng đất chia cho dân cày nghèo; cuộc biểu tình ở cây đa Nhật Tân vạch mặt Tôn Thất Đàn nhũng nhiễu nhân dân đã thu hút rất đông bà con ở Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Phúc... tham gia. Sau cuộc đấu tranh này, chính quyền Xô Viết ở làng Phúc Mỹ được thành lập.

Tháng 10 năm 1939, các đồng chí Bùi San, Trần Quì, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang, cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ về Hưng Châu hoạt động. Tại đây, Xứ uỷ chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng phát triển lực lượng, tập hợp phong trào, chuẩn bị mọi mặt cho một giai đoạn cách mạng mới. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện, cơ quan Xứ uỷ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ uỷ chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Năm 1991, di tích đã được Bộ Văn hoá - Thông tin nay là Bộ VHTT& DL công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Bao giờ được trùng tu?

Theo con đường nhỏ đến ngôi nhà Xứ ủy Trung Kỳ nằm lặng lẽ khuất trong làng. Lách qua cánh cổng bằng sắt hoen rỉ khép hờ vào ngôi nhà cấp 4 bằng gỗ mốc xám, đã bị mối xông nham nhở. Ngôi nhà gần như bị bỏ hoang, vắng lặng. Một bà lão 86 tuổi còng lưng cố sức đưa từng nhát chổi thu gom những chiếc lá khô đang chất đống ở sân, bà buồn rầu cho biết: “Tui tên Lê Thị Tý, 86 tuổi, lấy chồng nhà kế bên nhà ông Hoàng Viện. Từ thời trẻ tui đã chứng kiến nhà ông Hoàng Viện là nơi nuôi giấu cán bộ tham gia hoạt động cách mạng. Bây dừ ngôi nhà trở thành nhà hoang, hiếm người ngó ngàng đến. Con cháu ông Hoàng Viện, đều làm nông, do nhà được giao cho nhà nước bảo quản, nên thỉnh thoảng mới đến thu dọn, thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất”.

Những bức ảnh đen trắng về các chiến sĩ cách mạng Xứ ủy Trung Kỳ trong nhà ông Hoàng Viện đã phai, hoen ố. Các kỷ vật nằm trong tủ kính bụi phủ dày. Phía trong, mối mọt đục rỗng ăn dần từ cột, kèo, cửa vào đến vách bên trong có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Bà Tý chua xót: “Tui thấy xót xa lắm, không được giao nhiệm vụ trông nom, nhưng thỉnh thoảng tui sang quét thu gom rác, đi lại cho có hơi người. Không biết thế hệ sau có ai còn biết nhà ông Hoàng Viện một thời nuôi giấu cán bộ, cơ quan đầu não của Xứ ủy Trung Kỳ, không biết khi mô tui đi theo tổ tiên rồi có ai còn sang quét ngôi nhà ni...?”

Được biết, Bộ VHTT& DL đã có Văn bản số 2041/BVHTT& DL-DSVH gửi UBND tỉnh Nghệ An ngày 8/7/2011 cho ý kiến về thỏa thuận lập Dự án tu bổ, nâng cấp nhà ông Hoàng Viện – Cơ sở của Xứ ủy Trung kỳ năm 1930-1931. Trước đó, Bộ VHTT&DL đã nhận được Công văn số 8056/UBND ngày 17/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thỏa thuận Dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, nâng cấp nhà ông Hoàng Viện - Cơ sở của Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930 – 1931. Bộ VHTT&DL đã thỏa thuận cho thực hiện dự án và giao cho Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và nhân dân địa phương để thống nhất phương án, tạo sự đồng thuận trước khi triển khai. Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý những vấn đề trên đây để hoàn thiện hồ sơ và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Do nhiều năm không được trùng tu tôn tạo, hiện nay di tích xuống cấp nghiêm trọng, huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng sớm thực hiện dự án tu bổ, nâng cấp Di tích lịch sử nhà ông Hoàng Viện. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện”.

Bài, ảnh: Phạm Ngân

Mới nhất
x
Bao giờ thực hiện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO