'Bão lũ - Nỗi ám ảnh'
(Baonghean) - Là tên của một tác phẩm Mỹ thuật được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2019. Và đúng như tên gọi, tác phẩm này thực sự gợi nỗi ám ảnh về bão lũ...
ÁM ẢNH TỪ TÁC PHẨM
Với tôi, khi chạm mắt đến tác phẩm này, thì chân chẳng thể rời đi được. Tác phẩm chỉ với hai màu đen và trắng, là những màu đặc trưng của thể loại tranh khắc gỗ, cùng những cảnh, vật, con người được bố cục chặt chẽ trong một khuôn hình chữ nhật dọc, đã gom nhặt đủ đầy mọi nỗi đau nơi bão lũ đi qua.
Tác phẩm “Bão lũ - Nỗi ám ảnh”, diễn giải một cách cụ thể hơn, là tái hiện lại khung cảnh một vùng núi cao bị bão lũ tàn phá. Cảnh vật trong tranh, có núi non, có sông suối, có cây cối, có nhà cửa bản làng, có gia súc... Nhưng tất cả bị xô lệch, bị nghiêng ngả, bị đổ vỡ, bị nhấm chìm, bị cuốn trôi. Cũng trong tranh, khắc họa rất rõ những con người và các hoạt động chỉ diễn ra khi có thiên tai. Đó là những hoạt động thể hiện tình tương ái tương thân, là người lớn dắt díu, ấp ôm, che chở trẻ thơ, là hình ảnh quân dân đùm bọc... Nhưng hiển hiện lên trên từng khuôn mặt của những người già, người trẻ là sự hoảng sợ, hoặc âu lo đến thất thần. Tất cả nhằm thể hiện, thảm họa bão lũ đã trở thành nỗi ám ảnh.
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh bên tác phẩm “Bão lũ – Nỗi ám ảnh”. Ảnh: Nhật Lân |
Tôi đã nói ra những cảm nghĩ của mình về tác phẩm “Bão lũ - Nỗi ám ảnh” với bạn nghề. Anh không tin mà cho rằng, là do tôi đã ám thị với những lũ bão của năm 2018 xảy đến với đồng bào miền núi cao xứ Nghệ mà nên thế. Điều bạn nói, quả có.
Vì trong những tháng 8, tháng 9/2018, khi họa lũ bão và thủy điện xả lũ xảy đến với những huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, tôi đã đến với những Mường Ải, Mường Típ, Tà Cạ, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn; những Lượng Minh, Yên Na, Xá Lượng, Tam Quang, Tam Thái, Thạch Giám của huyện Tương Dương; rồi thì những Lạng Khê, Chi Khê, Bồng Khê của huyện Con Cuông. Những nơi này, thực sự là những vùng nước mắt. Bởi những di họa của bão lũ, là quá thảm khốc. Sau khi bão lũ đi qua, cùng với những hoang tàn, đổ nát là sự hoảng sợ, âu lo đến thất thần của muôn mọi người già, người trẻ.
Nhưng rồi bạn tôi cũng cho biết, đã phải đứng chân bên tác phẩm “Bão lũ - Nỗi ám ảnh” khi đến với triển lãm. Và anh thổ lộ: Lâu nay nghĩ, chỉ nhiếp ảnh mới khắc họa được chân thực, sống động nhất những hoạt động đang diễn ra trong cuộc sống. Không ngờ với Mỹ thuật, khi người họa sỹ quan tâm đến vấn đề thời sự thì còn làm được hơn thế. Với khả năng sáng tạo, chỉ ở một tác phẩm “Bão lũ - Nỗi ám ảnh”, người ta có thể diễn tả lại được đủ đầy và cô đọng những thảm họa bão lũ đã diễn ra trong năm 2018 với vùng cao. Tác phẩm này, lay động lòng người, và gióng lên được điều cần cảnh báo về biến đổi khi hậu, để xã hội quan tâm hơn công tác bảo vệ thiên nhiên, môi trường...
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh nhận giải thưởng tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung. Ảnh: NVCC |
TÁC GIẢ - NGƯỜI LẶNG LẼ
Người đã sáng tạo tác phẩm “Bão lũ - Nỗi ám ảnh” là họa sỹ Hồ Thiết Trinh. Với giới Mỹ thuật Nghệ An, cái tên Hồ Thiết Trinh là quen thuộc. Và việc ông được Hội đồng giám khảo xướng tên tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2019 này cũng không phải là điều gì đáng phải ngạc nhiên. Vì ông là một trong những họa sỹ ở Nghệ An luôn có sự nghiêm túc trong công tác chuyên môn, luôn dành hết tâm huyết mỗi khi sáng tác, thường có giải mỗi khi tham gia triển lãm dù là cấp tỉnh, cấp khu vực, hay cấp Trung ương.
"Đề tài sáng tác của họa sỹ Hồ Thiết Trinh gần gũi với cuộc sống đời thường nhưng rất có chiều sâu, tạo nên được nét độc đáo riêng...".
Vậy nhưng, ngoài giới hoạt động văn hóa nghệ thuật thì không mấy người biết ông. Bởi họa sỹ Hồ Thiết Trinh là một người kiệm lời, ít có những hoạt động giao lưu sôi nổi như hầu hết những người sống và làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Như chị Bùi Ngọc - Giám đốc Nhà Xuất bản Nghệ An (nơi họa sỹ Hồ Thiết Trinh gắn bó suốt 30 năm với công tác trình bày bìa sách và minh họa) đã nhận xét rằng: “Đấy là một con người hiền lành, không có vẻ ngoài “ngầu ngầu” như một số họa sỹ khác. Cách sống và phát ngôn cũng rất bình dị. Về đề tài sáng tác của chú ấy, gần gũi với cuộc sống đời thường. Nhưng rất có chiều sâu, tạo nên được nét độc đáo riêng...”.
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh và tác phẩm "Công dân mới ở Trường Sa". Ảnh: Nhật Lân |
Có lẽ cũng bởi tính cách ấy, nên dù đã sáng tác rất nhiều tác phẩm Mỹ thuật nhưng trong căn nhà của ông trên con phố nhỏ Hoàng Văn Tâm (phường Trường Thi, TP. Vinh) cũng không có một tác phẩm nào được treo. Và khu phố ấy, cũng không nhiều người biết ông là họa sỹ đã được định danh ở xứ Nghệ.
Trò chuyện cùng ông trong căn nhà ấy, tôi đã nói ra những suy nghĩ của mình về “Bão lũ - Nỗi ám ảnh”, để mong tìm được những điều gì đó còn ẩn khuất, hoặc chưa hiểu hết. Nhưng ông, hiền lành và bình dị nói đơn giản rằng do nhiều năm qua thấy người dân vùng cao xứ Nghệ thường gặp cảnh tang thương do bão lũ hoành hành. Vì bão lũ, nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, mất mát; nhiều người đã bị tai nạn, bị chết thương tâm. Thế nên ông đã xoáy sâu suy nghĩ về đề tài này, cố gắng khắc họa cho được những thảm khốc để khi nhìn vào đấy, người dân có thêm sự cảnh giác, có sự chuẩn bị mỗi khi mùa bão lũ đến. Cũng thông qua tác phẩm này, ông muốn truyền tải thông điệp đến xã hội, cần quan tâm bảo vệ thiên nhiên, môi trường, chống tệ nạn chặt phá rừng...
“Tôi có thể sử dụng được nhiều chất liệu để thể hiện tác phẩm. Nhưng suy nghĩ mãi, cuối cùng lựa chọn thể hiện tác phẩm bằng chất liệu khắc gỗ, vì đấy là sở trường cá nhân, hơn nữa, với đề tài này, chất liệu khắc gỗ rất phù hợp để chuyển tải ý tưởng mình mong muốn...”.
Tác phẩm “Đường chiến dịch” và tác phẩm “Khúc tráng ca 12 cô gái Truông Bồn”. |
"MỸ THUẬT NÊN BÁM SÁT ĐỜI SỐNG XÃ HỘI"
Trong cuộc trò chuyện cùng ông, tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề ngoài chuyện tác giả, tác phẩm. Nhưng là người cẩn trọng trong phát ngôn nên ông nói, để có thời gian suy nghĩ. Đến vài ngày sau, ông mới hồi đáp.
Góp ý về khuynh hướng, đề tài cần lựa chọn để sáng tạo tác phẩm Mỹ thuật, theo họa sỹ Hồ Thiết Trinh, Mỹ thuật cũng tương tự các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, cần bám sát đời sống xã hội. Để góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, để đấu tranh với những điều sai trái, để dự báo cảnh báo những vấn đề tiềm ẩn rủi ro... “Điều này đã hiển hiện ngay tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung. Có không ít những tác phẩm Mỹ thuật tốt. Nhưng Hội đồng giám khảo lựa chọn trong số đó ra những tác phẩm có tính thời sự để trao giải...” - ông trao đổi.
Đánh giá về Mỹ thuật Nghệ An ở thời điểm hiện tại, theo họa sỹ Hồ Thiết Trinh, đã không được nở rộ, thăng hoa như thế hệ đàn anh cách đây một vài chục năm. Nguyên do theo ông, là bởi môi trường hoạt động lĩnh vực Mỹ thuật hiện nay có những hạn chế. Trong khi những người đang hoạt động trong lĩnh vực Mỹ thuật thì bị cuộc sống đời thường chi phối quá nhiều. Bởi vậy ông cho rằng, mong muốn người trong giới, nhất là những người trẻ ý thức về nghề, yêu nghề, tôn trọng nghề.
Với những người có trách nhiệm của tỉnh, của ngành, của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh... thì lưu ý quan tâm hơn nữa đến các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung, lĩnh vực Mỹ thuật nói riêng. Từ đó, có thể tổ chức các cuộc sáng tác về các sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng. Vì hiện nay, Đô thị Vinh đang rất cần các tác phẩm Mỹ thuật ứng dụng đậm đặc nét riêng của xứ Nghệ để trang trí, để làm đẹp các tuyến phố... Hoặc tổ chức những trại sáng tác cho các họa sỹ được giao lưu, được mở mang tầm nhìn ra các vùng miền, để từ đó sáng tạo được tác phẩm tốt, phục vụ đời sống xã hội. Hoặc nghiên cứu về một Bảo tàng Mỹ thuật, một không gian Mỹ thuật để lưu giữ các tác phẩm Mỹ thuật có chất lượng cao, vừa giúp cho tỉnh có thêm một không gian văn hóa đặc sắc, vừa để lại cho thể hệ mai sau...
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Ảnh: Nhật Lân |
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh sinh năm 1955, quê quán xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An. Họa sỹ Hồ Thiết Trinh đã nhận được nhiều những giải thưởng danh giá về Mỹ thuật: Năm 1998, được Liên Hiệp hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Giải C cho tác phẩm “Ngày trắng”; năm 2000 được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao Giải C cho tác phẩm “Nghỉ chân”; năm 2004, tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc được Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam - Thủy Điển trao giải C cho tác phẩm khắc gỗ “Đường chiến dịch”... Năm 2019 này, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung, tác phẩm “Bão lũ - Nỗi ám ảnh” được trao Giải B.