Báo Nghệ An trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Sau ngày thành lập (10/11/1961), Báo Nghệ An tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách và phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1964).

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, ngày 10/10/1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp đề ra nhiệm vụ cấp thiết về phòng chống địch phá hoại, bảo vệ sản xuất, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là ở vùng biên giới, hải đảo.

Ngày 20/3/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị khẩn cấp về công tác phòng không nhân dân; chống thủ đoạn biệt kích, tập kích của địch; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ; xây dựng công sự; chuẩn bị phương án tổ chức sơ tán cơ quan, kho tàng, nhà máy, chuyển dân ra khỏi khu vực trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ.

Báo Nghệ An tổ chức cho cán bộ, nhân viên, biên tập viên, phóng viên tiếp thu chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng không nhân dân, phân công người phụ trách từng phần việc cụ thể như: Chuẩn bị điểm sơ tán cơ quan, liên hệ nhà in, thống nhất lịch giao ma-két báo khi có chiến sự xảy ra, bảo vệ tài liệu, phương tiện làm việc, thành lập tổ cứu thương, tổ phát hành báo và liên lạc với Ban chỉ huy phòng không của tỉnh, của Thị xã Vinh, của Tỉnh đội, của Quân khu 4.

Báo Nghệ An đã đăng nhiều tin, bài phản ánh khí thế thi đua của quân dân trong tỉnh hưởng ứng những chủ trương do “Hội nghị chính trị đặc biệt” họp ngày 27/3/1964 tại Hà Nội đề ra, trích đăng lời kêu gọi quân dân miền Bắc phấn đấu: “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”, của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt.

Ở Nghệ An, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 5/8/1964, với chiến dịch “mũi tên xuyên”, đế quốc Mỹ sử dụng nhiều tốp máy bay cường kích AD6 ném bom xuống thị xã Vinh, kho xăng dầu Hưng Hòa, cảng Bến Thủy, cảng Cửa Hội (Nghi Hải – Nghi Lộc).

Phản ánh kịp thời những tấm gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân thị xã Vinh, các “phóng viên chiến sự” Nguyễn Thanh Phong, Phan Duy Hương (Dương Huy), Lê Quý Kỳ đã vượt qua bom đạn, xông xáo có mặt ngay tại các trận địa phòng không, nơi vừa bị ném bom như: Nhà máy xay, cảng Bến Thủy, kho xăng dầu Hưng Hòa. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm tiêu biểu: Tiểu đội trưởng pháo phòng không, trung đoàn 280 Phan Đăng Cát; nữ công nhân kho xăng dầu Nguyễn Thị Đông; thiếu úy công an Trần Đình Lư, phân đội Hải quân, tàu 187; tiểu đội dân quân nữ Hưng Dũng; tự vệ Nhà máy xay Vinh, Đồn Công an Vũ trang Cửa Hội; tự vệ cảng Bến Thủy đã được nêu đậm trên số báo đặc biệt ra ngày 6/8/1964. Các đồng chí trực biên tập đã làm việc suốt đêm 5/8 để sáng hôm sau có số báo phát hành ngay với chủ đề “Mừng quân dân tỉnh ta nêu cao cảnh giác, đánh thắng trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ghi sâu tội ác của đế quốc Mỹ và hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh làm tốt hơn nữa công tác phòng tránh, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng của nhân dân”.

Cùng với thành tích chung của cả tỉnh, cả miền Bắc, tập thể cán bộ, nhân viên trong Tòa soạn báo đóng góp xứng đáng vào chiến thắng trận đầu 5/8/1964. Sáu nhà báo: Nguyễn Hường, Nguyễn Thanh Phong, Dương Huy, Nguyễn Cảnh Tường, Lê Quý Kỳ, Nguyễn Duy Liêu đã được tặng “ Huy hiệu 5/8” vì có đóng góp xuất sắc tuyên truyền, cổ vũ kịp thời chiến công của quân và dân tỉnh nhà đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu.

Dân quân và nhân dân T.P Vinh vận chuyển đạn cho các trận địa pháo phòng không.
Dân quân và nhân dân T.P Vinh vận chuyển đạn cho các trận địa pháo phòng không.

Từ năm 1965 đến năm 1968, để cứu vãn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ thất bại hoàn toàn trước sức mạnh tiến công của quân và dân miền Nam, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định tăng ngân sách quân sự, đưa lính Mỹ, lính chư hầu, phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, thay thế lực lượng ngụy quân chốt giữ, đánh chiếm ở những địa bàn chiến thuật, chiến lược quan trọng. Tổng thống Giôn-xơn cũng thực hiện chiến lược “leo thang” bắn phá miền Bắc với mức độ, tính chất, phạm vi ngày một ác liệt, tàn bạo, thâm độc hơn, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam.

Đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đề ra cho giai đoạn (1965 – 1967), chuyển hướng xây dựng kinh tế phù hợp với tình hình thời chiến, đặc biệt là nội dung Chỉ thị số 05 ngày 27/2/1965 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác tư tưởng và tổ chức, ra sức chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống”, Chi ủy, Ban Biên tập Báo Nghệ An đã lãnh đạo cơ quan nhanh chóng thực hiện đề án tổ chức bộ máy hoạt động xuất bản trong hoàn cảnh đất nước và tỉnh có chiến tranh.

Chấp hành chủ trương sơ tán của Tỉnh ủy theo Thông báo ngày 10/5/1965, cơ quan Báo Nghệ An lần lượt chuyển từ thị xã Vinh lên xã Hưng Thái (Hưng Nguyên), Nam Tiến (Nam Đàn) và năm 1968 đóng tại xóm Toàn Thắng, Quang Sơn (Đô Lương), và cuối năm 1968 lên xã Tân Sơn (Đô Lương). Sơ tán ở địa phương nào, Báo Nghệ An cũng nhận được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền cơ sở và tấm lòng cưu mang, san sẻ nơi ăn, chốn ở của nhân dân. Cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nghệ An cũng làm tốt công tác dân vận, giúp nông dân làm thủy lợi, thu hoạch lúa, đắp hầm, đào hào phòng tránh bom đạn, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế thời chiến, về phòng gian, bảo mật, về nghĩa vụ quân sự, giao nộp lương thực, thực phẩm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Một số vật dụng của phóng viên Báo Nghệ An trong những năm chống Mỹ (Ảnh trái: Hộp đèn viết báo).
Một số vật dụng của phóng viên Báo Nghệ An trong những năm chống Mỹ (Ảnh trái: Hộp đèn viết báo).

Đội ngũ phóng viên của báo giai đoạn này chỉ có 8 đồng chí, số lượng biên tập viên còn ít hơn. Nhà in báo sơ tán tận huyện Tân Kỳ cách Tòa soạn 40 km, phương tiện làm việc nghèo nàn, lạc hậu. Cả Tòa soạn được sử dụng một máy điện thoại quay tay, một máy chữ thời Pháp, một máy ảnh của cá nhân nhà báo Duy Liêu, một máy thu thanh Ôriôntong (Hung-ga-ri) dùng ghi tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam. Phương tiện đi xa của phóng viên là xe đạp và cũng mới chỉ có phóng viên quân sự, thời sự mới được trang bị xe đạp, số đông phải đi bộ hoặc nhờ phương tiện của cơ quan bạn.

Ban Biên tập đã đề xuất và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý cho thu nhỏ khổ Báo Nghệ An từ 39cm x 54cm xuống khổ 27,3cm x 39cm, phù hợp với tính chất phát hành, sử dụng báo trong thời chiến. Kỳ báo xuất bản từ thứ tư, thứ bảy hàng tuần, đổi lại vào thứ ba, thứ sáu để tăng tính thời sự và bảo đảm quy trình in báo, khắc phục trở ngại nhà in ở quá xa tòa soạn. Do hoàn cảnh thời chiến, cán bộ làm mo-rát phải trực tiếp mang ma-két đến nhà in, cùng nhà in tham gia sửa lỗi, sắp đặt kiểu chữ, kiểm tra ảnh kẽm, bản khắc gỗ và chịu trách nhiệm trước tổng biên tập ký vào bản phông (bản đúc chữ hoàn chỉnh từng trang báo) trước khi in chính thức. Các đồng chí phóng viên đều lần lượt được giao trách nhiệm làm mo-rát và chuyển báo phát hành tới bưu điện.

Coi trọng công tác phát hành, sử dụng Báo Nghệ An đến tận cơ sở, Ban Biên tập cử đồng chí Phan Đình Sung, một nhà báo có kinh nghiệm vận động, trực tiếp phụ trách. Đồng chí Phan Đình Sung đã nhiều lần mang Báo Nghệ An xuống hợp tác xã, đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, nhà máy, trường học và đến cả những cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh để phát hành báo. Vào thời kỳ địch đánh phá ác liệt năm 1965, 1966, Báo Nghệ An đã nâng số lượng phát hành lên 3.000 tờ/kỳ (tăng gấp đôi số lượng phát hành so với những năm 1962, 1963).

Do hạn chế về kỹ thuật in nên các số báo xuất bản thường kỳ đều mới in được hai màu (hoặc là đỏ và đen, hoặc là đen và xanh) nhưng rất rõ ràng, ít lỗi. Riêng ảnh đen trắng, vì chất lượng tơ-ram kém hơn so với trước đây nên không đạt yêu cầu về nội dung thông tin và mỹ thuật. Để tăng thêm tính hấp dẫn của mặt báo, Ban Biên tập đã yêu cầu nhà in khắc gỗ tranh minh hoạ, tranh cổ động và thay đổi kiểu chữ, “tít” bài. Làm báo trong điều kiện lạc hậu về phương tiện kỹ thuật nhưng các số báo đặc biệt như: Ngày Quốc khánh 2/9, Tết cổ truyền, ngày thành lập Đảng, sinh nhật Bác Hồ, sinh nhật Lê-nin, ngày quân, dân Nghệ An bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 300, thứ 500 trên miền Bắc và lễ đón nhận Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bác Hồ tặng đã được cả Tòa soạn tập trung trí tuệ, tâm huyết để phát hành đúng kỳ, đẹp, sinh động, hấp dẫn.

Sau trận đầu đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (5/8/1964), Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, huyện và thị xã Vinh chuyển hướng hoạt động sang thời chiến, thực hiện phương hướng: “Phát động cao trào quần chúng rộng rãi, nâng cao tinh thần phấn khởi cách mạng tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, đẩy mạnh xây dựng các ngành kinh tế quốc dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp với nhịp độ nhanh, mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đáp ứng nhu cầu bức thiết trước mắt”.

Tỉnh ủy cũng chỉ đạo thực hiện chủ trương xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đánh thắng địch, bảo vệ tính mạng nhân dân, bảo vệ an toàn các công trình kinh tế trọng điểm, then chốt.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra cho Báo Nghệ An và công tác thông tin, tuyên truyền là phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng, lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Chi ủy, Ban Biên tập đã lần lượt mở các đợt sinh hoạt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân viên, nhằm củng cố niềm tin, chống tư tưởng hoang mang, trốn tránh nhiệm vụ, xây dựng ý chí “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trên lĩnh vực tư tưởng”.

Bảo đảm hiệu quả thông tin nhanh về chiến sự, thời sự, tình hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong thời chiến, Ban Biên tập đã thiết lập “đường dây liên lạc nhanh trong suốt 24 giờ” với Tỉnh đội, Quân khu 4, Ty Giao thông vận tải, Liên hiệp Công đoàn, Tổng đội Thanh niên xung phong, Ty Công nghiệp, Ty Nông nghiệp.

Từ yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy về tổng kết, rút bài học, chỉ đạo nhân rộng điển hình trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, Ban Biên tập Báo Nghệ An giao cho đội ngũ phóng viên khi đến cơ sở phải quan tâm khai thác, phát hiện nhân tố mới của phong trào, đầu tư trí tuệ để nội dung bài viết có giá trị, tác dụng phổ biến ở phạm vi toàn tỉnh. Để giúp phóng viên có thời gian, điều kiện đi xa, đi sâu nắm bắt những nhân tố mới, từ cuối năm 1967, Ban Biên tập thực hiện chế độ phân công “phóng viên thường trú, phóng viên chuyên đề”. Thời điểm này, máy bay Mỹ tập trung đánh phá ác liệt vào các mục tiêu giao thông vận tải, cơ sở sản xuất công nghiệp nên phóng viên chiến sự phải kiêm thêm trách nhiệm theo dõi công nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp; biên tập viên ngoài nhiệm vụ chính là tổ chức mặt báo còn được giao viết bài về ngành giáo dục, văn hóa, y tế.

Nhờ chỉ đạo chặt chẽ về chủ đề tư tưởng và hình thức thể hiện, trong hai năm 1967 – 1968, Ban Biên tập đã tập hợp được năng lực sáng tạo của Tòa soạn, làm nổi bật trên mặt báo những nội dung thông tin có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ và đặc biệt là góp phần tổ chức nhân rộng điển hình phong trào “chiến đấu giỏi”, “sản xuất giỏi” trong các ngành kinh tế, lực lượng vũ trang, y tế, văn hóa, giáo dục.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu “Ném bom hạn chế” từ vĩ tuyến 20 trở vào và sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá ác liệt trên địa bàn Khu 4 (giai đoạn từ 31/ 3/1968 đến tháng 12/1972), Báo Nghệ An tập trung nhiều hơn cho chủ đề tuyên truyền “Bảo đảm giao thông vận tải là nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn dân”.

Để đảm bảo an toàn trụ sở làm việc và gần gũi cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, Báo Nghệ An chuyển vị trí từ xã Quang Sơn lên xã Tân Sơn, Đô Lương (tháng 11/1969). Đây là lần thứ 4, Báo chuyển vị trí làm việc.

Trên mặt trận Giao thông – Vận tải những năm đó, tỉnh ta huy động 496.741 lượt người tham gia mở đường, san lấp hố bom, đạn, vận chuyển hàng hoá. Riêng lực lượng vận tải thô sơ có tới 4.926 người tham gia. Toàn tỉnh đóng góp 4.273.600 ngày công phục vụ giao thông vận tải; đào đắp hơn 15 vạn m3 đất đá; sửa chữa, làm mới hàng trăm km đường xế, đường tránh; giải tỏa 135.954 tấn hàng hóa. Quân và dân Nghệ An đã góp phần cùng miền Bắc và cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ hậu phương vững chắc, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đập tan chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ cùng bọn ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn. Tất cả chiến công của nhân dân Nghệ An trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đều được Báo Nghệ An phản ánh kịp thời, sắc bén và thôi thúc người đọc.

2 trong những bản kẽm để in báo Nghệ An trong những năm 1968 - 1969 tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương.
2 trong những bản kẽm để in báo Nghệ An trong những năm 1968 - 1969 tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương.

Trong điều kiện, hoàn cảnh hoạt động cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, thậm chí có thể hy sinh tính mạng nhưng tập thể Ban Biên tập, Chi ủy, Công đoàn Báo Nghệ An đã động viên cán bộ, phóng viên, nhân viên vượt qua mọi thử thách, gian khổ, đùm bọc, thương yêu nhau, tạo nên sức mạnh và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Qua rèn luyện và thử thách trong giai đoạn chiến tranh phá hoại ác liệt, đội ngũ biên tập viên, phóng viên trưởng thành về bản lĩnh chính trị, dày dạn kinh nghiệm làm báo chiến sự và đặc biệt là nghiệp vụ làm báo ngày một nâng cao. Các thể loại điều tra dài kỳ, đề cập những vấn đề có tầm chỉ đạo rộng lớn, ảnh hưởng sâu sắc đã được nhiều phóng viên quan tâm, say mê thể hiện thành công.

Với đội ngũ phóng viên chủ lực được tôi luyện và trưởng thành trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Báo Nghệ An bảo đảm lực lượng hạt nhân bước vào thời kỳ hoạt động xuất bản báo phục vụ nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu