Bảo tồn giá trị đa bản sắc văn hóa ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean) - Miền Tây - nơi sinh sống của gần nửa triệu đồng bào dân tộc thiểu số được ví như một bức tranh văn hóa đa sắc của tỉnh Nghệ An. Việc giữ được hồn cốt, bản sắc văn hóa các dân tộc ở đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Bảo tồn có chọn lọc

Là huyện vùng cao biên giới, với nhiều dân tộc cùng chung sống gồm: Thái (70,3%), Kinh (24,5%), Nùng (0,25%), Hoa (0,14%), Khơ Mú (0,05%) và tộc người Đan Lai (4,7%), mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, nên trong nhiều năm qua, Con Cuông luôn chú trọng triển khai nghiêm túc việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. 

Địa phương này đã lựa chọn một số làng Thái cổ để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các nét đặc trưng vốn có nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nhân dân từ chỗ trước đây có một số hộ tự ý bán nhà sàn làm nhà xây, thậm chí còn được ví như hiện tượng “chảy máu nhà sàn”, thì nay đã dần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị truyền thống, quay lại làm nhà sàn phù hợp với phong tục tập quán và nét sinh hoạt cộng đồng.

Hay như với trang phục dân tộc, Con Cuông cũng rất lưu tâm bảo tồn tốt, khuyến khích các làng bản dệt thổ cẩm, động viên người dân thường xuyên sử dụng trang phục của dân tộc mình trong những dịp lễ tết, cưới hỏi,…

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại thị tứ Khe Choăng, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Thu Giang
Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại thị tứ Khe Choăng, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Thu Giang

Không những thế, UBND huyện Con Cuông còn chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo vận động các trường tiểu học, trung học cơ sở khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống trong các ngày thứ 2 đầu tuần, tạo thói quen cũng như lòng tự tôn dân tộc cho các em ngay từ tấm bé, được phụ huynh và học sinh nhiệt tình hưởng ứng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. 

Ấy nhưng, vẫn còn không ít hạn chế được phát hiện trong quá trình triển khai tìm hiểu và lưu giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc thiểu số tại huyện Con Cuông.

Huyện Quế Phong đã chú trọng thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ dân ca dân vũ trên địa bàn. Ảnh: Thu Giang
Huyện Quế Phong đã chú trọng thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ dân ca dân vũ trên địa bàn. Ảnh: Thu Giang

Gắn xu thế phát triển chung

Cũng như nhiều địa phương khác, Quế Phong - huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh cũng dành nhiều nỗ lực để làm tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn, thậm chí còn đặt nó vào guồng quay chung, xác địnhlà động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh chung của toàn huyện.

Mới đây nhất, huyện đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 9/5/2016 về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoạn 2016 - 2020 có tính những năm tiếp theo”. 

Cán bộ tỉnh và huyện Quế Phong trò chuyện cùng đồng bào Thái ở bản Na Xai, xã Hạnh Dịch. Ảnh: Thu Giang
Cán bộ tỉnh và huyện Quế Phong trò chuyện cùng đồng bào Thái ở bản Na Xai, xã Hạnh Dịch. Ảnh: Thu Giang

Trong quá trình từ năm 2011 đến nay, huyện Quế Phong đã nghiêm túc rà soát, thống kê nghệ nhân là người dân tộc thiểu số theo từng lĩnh vực, chú trọng sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và lưu giữ các kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, truyền dạy các sản phẩm văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày cho thanh thiếu niên… Bên cạnh đó, huyện cũng chăm lo bảo tồn và phát triển thủ công truyền thống trong đồng bào các dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế phong - bà Trương Thị Tuyết Mai, cho biết: “Sau khảo sát năm 2013, toàn huyện có 48 nghệ nhân biết nghề thủ công truyền thống. UBND huyện đã cho chủ trương và xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương qua đó thúc đẩy các ngành nghề phát triển. Các sản phẩm đan lát, dệt, rèn,... đã có mặt ở khá nhiều nơi và dần dần khẳng định thương hiệu hàng thủ công truyền thống của địa phương. Những mặt hàng như: mâm, ghế mây; khăn, chăn, váy thổ cẩm; dao, nông cụ ... ngày càng được du khách thập phương ưa thích và lựa chọn khi đến với huyện Quế Phong”.

Trẻ em Con Cuông được khuyến khích mặc trang phục dân tộc truyền thống để tạo thói quen, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc. Ảnh: Thu Giang
Trẻ em Con Cuông được khuyến khích mặc trang phục dân tộc truyền thống để tạo thói quen, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc. Ảnh: Thu Giang

Có thể nói, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại Quế Phong cũng như các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã từng bước được quan tâm, phát huy trong đời sống, đóng góp tích cực vào việc giới thiệu, quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người miền Tây xứ Nghệ, tạo điểm tham quan hấp dẫn cho du khách khám phá du lịch văn hóa lễ hội cộng đồng. 

Tuy vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ, nhưng nhìn chung những chính sách từ Trung ương đến địa phương được triển khai trong thời gian qua đã chứng minh tính hiệu quả. Xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số không chỉ gói gọn là gìn giữ, tôn vinh văn hóa dân tộc mà còn tạo không khí vui tươi, thi đua, phấn khởi, đoàn kết cho nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng của các địa phương, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.

Tỉnh Nghệ An hiện có 5 dân tộc thiểu số chính quần cư sinh sống, gồm Thái, Thổ, Mông, Khơ-mú và Ơ Đu với khoảng 466.137 người (chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh) cư trú ở 11 huyện, thị: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa.

Thu Giang

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.