Báo Trung Quốc bình luận quả đấm thép T-62 Việt Nam
Trước khi tiếp nhận những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK hiện đại thì T-62 vẫn là nắm đấm thép mạnh nhất của Binh chủng Tăng thiết giáp Việt Nam.
Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh về hoạt động huấn luyện tác chiến của Quân đội Việt Nam với xe tăng chiến đấu chủ lực T-62.
Tờ báo Trung Quốc thông tin rằng công việc phát triển T-62 được bắt đầu ở Liên Xô vào cuối thập niên 1950, chính thức đi vào sản xuất trong năm 1964, dây chuyền lắp ráp ngừng hoạt động trong năm 1975 với tổng số hơn 400.000 xe xuất xưởng.
Trong vòng vài thập kỷ qua, xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 vẫn là "nắm đấm thép" mạnh nhất của Lục quân Việt Nam.
Nhờ hiệu suất hoạt động đáng tin cậy mà nó thường được sử dụng cho hoạt động huấn luyện cũng như trực chiến.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 của Việt Nam |
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 có trọng lượng chiến đấu 37 tấn, được điều khiển bởi kíp lái 4 người, sử dụng một khẩu pháo nòng trơn cỡ 115 mm mạnh mẽ và tân tiến hơn nhiều so với khẩu 100 mm nòng xoắn trên người tiền nhiệm T-54/55.
Ngay lần đầu tiên xuất hiện trên Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh vào năm 1965, T-62 đã thu hút sự chú ý lớn từ báo giới phương Tây.
Nhưng xét chi tiết thì giải pháp kỹ thuật của T-62 không thực sự có nhiều đột phá khi đặt cạnh T-54/55, số T-62 của Việt Nam ước tính không lớn, có lẽ chúng được Liên Xô viện trợ vào giai đoạn những năm 1980.
Giới thiệu tính năng của xe tăng T-62 tới các cán bộ tham gia tập huấn kỹ thuật |
Xe tăng T-62 vẫn mang những đặc điểm thường thấy của chiến xa Liên Xô đó là chiều cao thấp, góc hạ nòng pháo nhỏ, nó được lắp đặt 5 hàng bánh chịu lực kép mỗi bên với bánh thứ 3, thứ 4 và thứ 5 cách xa nhau (ở T-54/55 thì ngược lại).
Nhấn mạnh vào hiệu suất tác chiến cho nên không gian thao tác của kíp xe khá chật hẹp, vỏ giáp của T-62 không thực sự cung cấp sự bảo vệ an toàn trước các loại đạn xuyên giáp hiện đại, dễ bị tổn thương vì chưa có giáp phản ứng nổ đi kèm.
Theo báo Trung Quốc, T-62 đã có các phiên bản hiện đại hóa như T-62M vào giữa thập niên 1970, chúng vẫn đang phát huy tác dụng tại chiến trường Syria, đây có lẽ là phương án mà Việt Nam sẽ cân nhắc áp dụng cho số T-62 của mình.
Trang Sina còn cung cấp thêm thông tin về việc Trung Quốc đã thu giữ được 1 chiếc T-62M của Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh biên giới giữa hai nước, thiết kế của chiếc MBT này đã gây ảnh hưởng lớn đến họ để cho ra đời các thế hệ xe tăng như Type 69 sau này.