Báo Ukraine: Nghịch lý phương Tây với vỏ bọc 'gã khổng lồ' công nghiệp quân sự

Mỹ Nga 15/11/2023 12:57

(Baonghean.vn) - Tờ Strana (Ukraine), ở nước này, dư luận cho rằng, thật nghịch lý khi phương Tây luôn tạo ra hình ảnh về một “gã khổng lồ” công nghiệp, nhưng lại không thể sản xuất vũ khí với số lượng cần thiết.

lính ukraine nhập lựu đạn ảnh afp
Lính Ukraine nạp đạn cho lựu pháo M777 trên chiến trường miền Đông Ukraine hồi tháng 11/2022. Ảnh: AFP

Theo Strana, gần đây, một trong những vấn đề chính trong sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine là khả năng hạn chế của lực lượng dự bị quân sự của các nước NATO, và liên minh không có khả năng thúc đẩy tăng sản lượng vũ khí.

Một ví dụ gần đây là sự gián đoạn trong kế hoạch sản xuất 1 triệu quả đạn pháo của EU cho Ukraine. Vấn đề này đã được cả Ngoại trưởng Dmitry Kuleba và Bộ trưởng Quốc phòng Đức thừa nhận.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Ukraine, tình trạng này có vẻ nghịch lý. Mỹ và EU được xem là những siêu cường công nghiệp. Về mặt lý thuyết, có thể dễ dàng sản xuất, không chỉ hàng triệu, mà là hàng tỷ quả đạn pháo. Và dường như, không có câu hỏi khó nào trong vấn đề tài chính. Ngoài ra, việc mở rộng sản xuất quân sự đồng nghĩa với việc tạo ra việc làm mới, và tăng trưởng kinh tế.

Strana đặt ra câu hỏi, vậy vấn đề đối với phương Tây, khi tăng cường sản xuất quân sự là gì? 40 năm trước, sẽ không có gì có thể làm khó đối với tổ hợp công nghiệp quân sự của các nước NATO để đảm bảo số lượng vũ khí cần thiết cho một cuộc xung đột. Nhưng kể từ thời điểm đó, nền kinh tế phương Tây đã thay đổi rất nhiều.

Thứ nhất, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô, sản lượng quân sự ở các nước NATO giảm mạnh. Quan điểm là sẽ không còn những cuộc chiến tranh như Thế chiến II nữa. Vì vậy, chỉ tập trung phát triển vào vũ khí chính xác và các lực lượng vũ trang có tính chuyên nghiệp cao, đủ để tham gia vào các cuộc xung đột như ở Kosovo, Iraq, Afghanistan hoặc Syria.

Thứ hai, trong những thập kỷ gần đây, quá trình phi công nghiệp hóa đã đạt được động lực ở phương Tây. Người ta tin rằng, các nước EU và Mỹ đang chuyển sang trình độ phát triển hậu công nghiệp cao hơn. Trên cơ sở đó, các kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển kinh tế nói chung đã được thiết lập.

Do vậy, vào năm 2022, thúc đẩy sản xuất vũ khí trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với phương Tây.

Đồng thời, sản xuất vũ khí đòi hỏi hàng nghìn tỷ Đô la và Euro của chính phủ, trong khi đó, đây không phải là hàng hóa thông thường. Phần lớn trong số đó sẽ không được bán trên thị trường tự do, mà sẽ được chuyển miễn phí cho Ukraine và các đồng minh phương Tây khác. Một phần khác sẽ được bổ sung vào kho hàng của quân đội của họ. Trên thực tế, đây sẽ là một “đợt xả tiền” khổng lồ, có thể phá hủy nỗ lực nhằm ổn định khu vực tài chính.

Strana cho rằng, đây là vấn đề chính của các nước phương Tây, vốn đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: lạm phát tăng cao, và mối đe dọa quân sự. Phương Tây dường như không biết phải làm gì trong tình huống như vậy. Do đó, khởi động sản xuất quân sự hết công suất, bất kể hậu quả kinh tế vĩ mô. Hoặc cố gắng đóng băng xung đột ở Ukraine trong giai đoạn này, ngăn chặn leo thang xung đột ở Israel, và bắt đầu giải quyết các vấn đề với tổ hợp công nghiệp-quân sự.

Theo Strana, khó khăn trong việc lựa chọn giữa các phương án này là trở ngại chính cho việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Điều gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào quyết định chiến lược của phương Tây về vũ khí./.

Theo Theo Inosmi, Strana
Copy Link

Mới nhất

x
Báo Ukraine: Nghịch lý phương Tây với vỏ bọc 'gã khổng lồ' công nghiệp quân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO