Bảo vệ chủ quyền, biển đảo Tổ quốc: Bài 1 - Hướng về Trường Sa
(Baonghean) - Những ngày cuối tháng 4, đoàn công tác của Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng, cán bộ và nhân dân các tỉnh trong cả nước đã có chuyến hải trình ra Trường Sa. Chuyến đi nhằm mục đích nắm tình hình thực tế đời sống cũng như động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và là dịp để những đại biểu trong đoàn công tác có những đề xuất mang tính đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường kháng lực, nâng cao sức mạnh phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc Việt Nam.
Mùa biển lặng. Sóng nhấp nhô, tung bọt trắng vào cầu tàu. Từ Quân cảng Cam Ranh, con tàu quân y HQ 561 chở theo đoàn đại biểu của Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng và những phóng viên, nhà báo dũng mãnh băng băng thẳng tiến hướng Trường Sa. Từ trên boong tàu, hướng về quân cảng Cam Ranh, tận mắt được chiêm ngưỡng những con tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến, tàu ngầm của Hải quân nhân dân Việt Nam kiêu hãnh nằm bên các cầu tàu cùng những lá cờ tổ quốc bay phần phật giữa nắng, gió biển như khẳng định một điều rằng, lực lượng hải quân Việt Nam đang được hiện đại hóa từng ngày và luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển, đảo và bầu trời Việt Nam. Khi rời xa quân cảng, tàu HQ 561 lao nhanh hơn, chốc chốc, gặp luồng cá lao tanh tách giữa những bọt sóng. Những đàn cá chuồn bay vun vút sát mặt nước khiến những người có mặt trên boong tàu thích thú.
Các chiến sỹ hải quân chuẩn bị nhu yếu phẩm trước khi ra Trường Sa. |
Quân cảng Cam Ranh nhìn từ tàu HQ 561. |
Trước vẻ tò mò của đoàn khách trên chuyến hải trình ra Trường Sa, đại tá Phạm Văn Quang, Trưởng phòng Tuyên huấn (Bộ Tư lệnh Hải quân) cho biết, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta là một ngư trường với rất nhiều loài hải sản quý hiếm như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển,...; Cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ có giá trị kinh tế cao. Với vị trí ở giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực; đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.
Trong một vài thập kỷ tới, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua biển Đông sẽ tăng gấp hai, gấp ba lần hiện nay, khi đó, biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng sẽ có vai trò lớn trong thương mại quốc tế và vùng biển Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, khi Thái Lan xây dựng xong kênh biển KRA, lượng tàu thuyền quốc tế qua khu vực biển Đông sẽ tăng lên nhiều lần, là điều kiện để Việt Nam có thêm thị phần vận tải biển quốc tế. Đại tá Quang cho biết, với vị trí đắc địa đó, sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài.
Cũng chính vì vị thế quan trọng như vậy nên từ xa xưa, các thế hệ người Việt đã sớm đánh dấu mốc chủ quyền quốc gia dân tộc ở các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và, đối với mỗi người dân Việt Nam, tất cả những gì liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đều rất đỗi gần gũi, thiêng liêng và tự hào. Đại úy Nguyễn Văn Cường, Thuyền trưởng tàu quân y HQ 561 tự hào giới thiệu rằng, đây là con tàu bệnh viện duy nhất của Đông Nam Á hiện nay, được hạ thủy vào tháng 4/2012 tại nhà máy đóng tàu 198 (Hải Phòng) và được bàn giao cho Vùng 4 – Quân chủng Hải quân vào cuối năm đó. Tàu có chiều dài 71 mét, chiều rộng 13,5 mét, có công suất 5.000 mã lực, được bố trí 32 phòng với 157 hành khách.
Giữa tháng 3/2014, tàu được lắp đặt hệ thống vây giảm lắc, giảm được 2 cấp sóng gió. Từ ngày 28/3 – 6/4 vừa qua, tàu HQ 561 tham gia diễn tập Komodo – phối hợp giữa hải quân các nước ASEAN và các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương. Tại đợt diễn tập này, tàu HQ 561 đã thực hiện nhiệm vụ quân y dân sự ở các đảo thuộc Quần đảo Indonexia, các y, bác sĩ trên tàu đã tham gia khám, chữa bệnh cho 200 người dân địa phương. Tiến hành phẫu thuật, cấp thuốc miễn phí cho người dân trên quần đảo. Lực lượng công binh trên tàu cũng đã giúp người dân ở Indonesia hoàn thiện hơn 200 mét đường bê tông trên đảo,… Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, ngoài nhiệm vụ của một tàu bệnh viện, HQ 561 còn làm công việc đưa các đoàn khách và cán bộ, chiến sĩ ra thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1, góp phần đưa quần đảo thiêng liêng của tổ quốc gần hơn với đất liền.
Đang say sưa nghe kể về con tàu quân y cũng như những thành tựu nổi bật trên bước đường hiện đại hóa của hải quân Việt Nam, chúng tôi được nghe thủ trưởng đoàn công tác thông báo về hành trình của chuyến đi với những điểm đến như Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Tây, Trường Sa lớn, Cô Lin, Đá Lát,… Mỗi cái tên, mỗi điểm đảo trên quần đảo của tổ quốc đều rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Trong hành trình hướng về Trường Sa hôm nay, mỗi người đều mang trong mình sự háo hức xen lẫn niềm tự hào và xúc động. Chính trên cung đường lịch sử này, cách đây 39 năm, cũng vào khoảng thời gian cuối tháng 4, khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang trên bước đường toàn thắng, hải quân Việt Nam đã bí mật, bất ngờ, táo bạo cử các đơn vị đặc công và tàu chiến phối hợp với lực lượng bộ đội Quân khu 5 vượt sóng gió, tiến ra Trường Sa, giải phóng các hòn đảo từ tay của ngụy quân.
Trong đoàn khách đến với Trường Sa lần này, có những phóng viên đã 5 lần đặt chân đến Trường Sa, có người chưa một lần được đi tàu ra biển nhưng ai cũng cảm thấy mình là người may mắn vì thêm một lần được trải nghiệm, được đến với vùng đất thiêng liêng của tổ quốc giữa trùng khơi. Trong hành trang xuống tàu, hầu hết mỗi người đều cố gắng mang thật nhiều những tình cảm của quê hương, của đất liền đến với chiến sĩ Trường Sa. Nếu như anh Nguyễn Văn Thực, Trưởng phòng tuyên truyền, đại biểu của Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An mang theo món quà của tỉnh Nghệ An cùng những chiếc thẻ điện thoại để tặng các chiến sĩ Trường Sa thì đồng chí Nguyễn Viết Trường, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh lại mang hơn 20 kg đặc sản cu đơ Hà Tĩnh với mong muốn “Góp phần rất nhỏ giúp các chiến sĩ cảm nhận được hơi ấm quê hương”; các diễn viên trong đội văn nghệ xung kích của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang lại cố gắng mang thật nhiều đạo cụ, dụng cụ biểu diễn và tập suốt ngày đêm trên tàu để đưa tiếng hát của mình đến với các chiến sĩ ở những đảo nổi, đảo chìm,...
Đồng chí Hoàng Ngọc Hà, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo TƯ khẳng định rằng, mỗi đại biểu trong đoàn công tác ra Trường Sa đều mang theo những tình cảm từ quê hương, từ đất liền để động viên những người con đất Việt ở Trường Sa yên tâm công tác, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, chuyến đi này cũng là dịp để những đại biểu trong đoàn công tác có những đề xuất mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường kháng lực, nâng cao sức mạnh phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc Việt Nam.
Nguyên Khoa