Bảo vệ cội nguồn sự sống

08/06/2017 08:33

(Baonghean.vn) - Biển và Đại dương là kho dự trữ vĩ đại của những khoáng sản có ích, tài nguyên sinh học, năng lượng cũng như những nguyên liệu dùng trong công nghiệp hóa học và dược phẩm, có thể cung cấp những chất thay thế những tài nguyên ngày càng bị cạn kiệt trên đất liền.

Vai trò của biển và Đại dương

Biển và đại dương được các nhà khoa học công nhận là cội nguồn của sự sống trên Trái đất.
Biển và đại dương được các nhà khoa học công nhận là cội nguồn của sự sống trên Trái đất. Ảnh minh họa.

- Biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của các nước có biển nói riêng và của thế giới nói chung. Một số nước và vùng lãnh thổ đã lợi dụng thế mạnh về biển đạt trình độ phát triển kinh tế rất cao.

- Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là ‘‘Thế kỷ của đại dương‘‘, bởi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền, sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, các nước có biển, nhất là các nước lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển.

- Biển và đại dương là những kho nước vô tận, cung cấp cho các lục địa một lượng hơi nước rất lớn, sinh ra mây mưa để duy trì cuộc sống của con người, sinh vật trên Trái Đất và có tác dụng điều hoà khí hậu.

- Biển và đại dương còn là những kho tài nguyên, thực phẩm vô cùng quý giá.

1. Tài nguyên sinh vật biển

Tài nguyên sinh vật biển. Ảnh minh họa.
Tài nguyên sinh vật biển. Ảnh minh họa.

Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng trăm ngàn loài động vật, thực vật và vi sinh vật. Đây là kho thực phẩm vô cùng quý giá, đặc biệt là ở các vùng thềm lục địa. Bên cạnh các loài hải sản quen thuộc dùng làm thực phẩm như cá, tôm, cua, mực...; ở các biển và đại dương vùng cực, còn có các loài động vật lớn như cá voi, cá mập, báo biển, gấu biển.... là nguồn cung cấp thịt, mỡ, da và lông quý cho công nghiệp. Thực vật ở biển và đại dương có các loài rong và tảo đủ màu sắc, là nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hoá chất.

Sản lượng khai thác thủy sản từ biển và đại dương toàn thế giới liên tục gia tăng trong thời gian qua. Theo đánh giá của FAO, lượng thủy sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn.

2. Tài nguyên khoáng sản

Khai thác khoáng sản (dầu) từ biển. Ảnh minh họa.
Khai thác khoáng sản (dầu) từ biển. Ảnh minh họa.

Biển và đại dương là nguồn vô tận muối ăn và muối dùng trong công nghiệp hoá chất. Tổng lượng muối tan chứa trong biển khoảng 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, I ốt và 60 nguyên tố hóa học khác. Dưới đáy các biển và đại dương có nhiều khoáng sản và mỏ quặng lớn như dầu khí, quặng sắt, mangan, quặng sa khoáng....Nguồn năng lượng sạch từ biển và đại dương như năng lượng thuỷ triều (than xanh), năng lượng sóng...hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người.

3. Mặt biển và đại dương là những đường giao thông thủy

Đường giao thông thủy. Ảnh minh họa.
Giao thông thủy. Ảnh minh họa.

Vận tải đường biển ra đời khá sớm so với các phương thức vận tải khác. Ngay từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, con người đã biết lợi dụng biển và đại dương làm các tuyến đường giao thông để giao lưu các vùng các miền, các quốc gia với nhau trên thế giới. Cho đến nay vận tải biển được phát triển mạnh và trở thành ngành vận tải hiện đại trong hệ thống vận tải quốc tế.

Các tuyến đường vận tải trên biển hầu hết là những tuyến đường giao thông tự nhiên.Vận tải đường biển có thể phục vụ chuyên chở tất cả các loại hàng hoá trong buôn bán quốc tế, do đó vận tải đường biển đã thúc đẩy buôn bán quốc tế phát triển.

Trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, nếu thương mại được cho là nhựa sống của kinh tế thế giới thì vận tải biển được coi là mạch máu lưu thông những dòng nhựa đó.

Các tuyến đường biển là các tuyến đường nối hai hay nhiều cảng với nhau trên đó tàu biển hoạt động chở khách hoặc hàng hoá. Cảng biển là nơi ra vào neo đậu của tàu biển và là đầu mối giao thông quan trọng của một quốc gia có biển.

Đường biển là nhịp cầu nối liền giữa các lục địa; biển và đại dương cũng sẽ là địa bàn mới cho con người mở rộng phạm vi sinh sống của mình. Ngoài ra, đây còn là điều kiện cho phát triển nhiều ngành sản xuất mới như công nghiệp biển, nông nghiệp biển.

4. Biển và đại dương là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch

Các bãi cát rộng, dài; các phong cảnh đẹp tạo thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.

Những yếu tố chủ yếu gây ô nhiễm môi trường biển

Ảnh minh họa.
Nhựa là một trong những chất liệu tiện dụng nhất mà con người từng phát minh. Tuy nhiên, nó đang là mối đe dọa với cuộc sống chúng ta, khi những rác thải nhựa bị vứt bỏ bừa bãi xuống biển đang từng ngày, từng giờ. Ảnh minh họa.

- Từ lục địa mang ra: Các hoạt động phát triển trên đất liền, đặc biệt trên các lưu vực sông như đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản nước lợ, các khu dân cư, khai khoáng,... Các chất thải không qua xử lý đổ ra sông suối và cuối cùng "trăm sông đều đổ về biển cả". Lượng thải từ đất liền ra biển ở nước ta chiếm khoảng 50-60%.

- Từ trên biển: Các hoạt động trên biển như hàng hải, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác khoáng sản biển (chủ yếu dầu, khí), nhận chìm tàu và các sự cố môi trường biển khác (tràn dầu, thải dầu, đổ dầu cặn bất hợp pháp, đổ thải phóng xạ, hóa chất độc hại,...).

- Từ không khí đưa xuống: Các hoạt động tương tác biển - khí cũng kéo theo hiện tượng lắng các chất gây ô nhiễm xuống biển. Loại này khó theo dõi và quản lý vì thường phát tán trên diện rộng.

- Từ đáy biển đưa lên: Chủ yếu ở những khu vực có hoặc chịu ảnh hưởng của các hoạt động địa động lực mạnh như động đất, núi lửa, sóng thần,...

Biện pháp bảo vệ môi trường biển

Bảo vệ môi trường biển là bảo vệ sự sống trên Trái đất. Ảnh minh họa.
Bảo vệ môi trường biển là bảo vệ sự sống trên Trái đất. Ảnh minh họa.

- Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người, và cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như không xả rác bừa bãi.

- Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên: Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái (ecosystem-based economy) của đất nước. Cho nên, có thể nói sự "trường tồn của biển cả" sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển.

- Quan trắc - cảnh báo môi trường: Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, gần đây Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển bằng Rada tích hợp (18 trạm dọc biển, đảo)…

Biển đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với các quốc gia có biển. Kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong Chiến lược biển Việt Nam từ nay đến năm 2020. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bảo vệ cội nguồn sự sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO