Bảo vệ tài nguyên nước - trách nhiệm của toàn xã hội

18/03/2015 07:43

(Baonghean.vn) - LTS: Nước là nguồn tài nguyên quý báu, có quan hệ thiết yếu đối với mọi sự sống trên Trái đất. Bởi vậy, việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước luôn được quan tâm đúng mức. Nhân dịp hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2015, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở TN&MT, giúp độc giả rõ hơn thực trạng và những việc cần làm để bảo vệ, giữ gìn nguồn nước...

(Baonghean.vn) - LTS: Nước là nguồn tài nguyên quý báu, có quan hệ thiết yếu đối với mọi sự sống trên Trái đất. Bởi vậy, việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước luôn được quan tâm đúng mức. Nhân dịp hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2015, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở TN&MT, giúp độc giả rõ hơn thực trạng và những việc cần làm để bảo vệ, giữ gìn nguồn nước...

Học sinh Trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương) bên bể chứa nước sạch trong khu nội trú.   Ảnh: Trần Hải
Học sinh Trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương) bên bể chứa nước sạch trong khu nội trú. Ảnh: Trần Hải

P.V: Thưa đồng chí Võ Văn Ngọc, được biết năm nay tỉnh ta sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2015 với chủ đề "Nước và Phát triển bền vững". Vậy đồng chí có thể cho biết, mục đích và ý nghĩa của các hoạt động này?

Đồng chí Võ Văn Ngọc: Đã từ lâu, vào ngày 22/3 hàng năm, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Nước thế giới, nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước ngọt. Ngày Nước thế giới năm 2015 có chủ đề "Nước và phát triển bền vững", với mục đích kêu gọi bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông đang bị khai thác quá mức trước những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội và đang ngày càng suy thoái cả về chất và lượng. Có thể nói, vấn đề phát triển bền vững đang ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi mang tính chiến lược toàn cầu, trong đó tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời...

Khai thác quặng làm ảnh hưởng đến môi trường nước.Ảnh: N.L
Khai thác quặng làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Ảnh: N.L

P.V: Chủ đề "Nước và phát triển bền vững" và mục đích, ý nghĩa của kỷ niệm ngày Nước Thế giới năm 2015 đã đặc biệt nhấn mạnh vấn đề suy thoái về chất và lượng của nguồn nước. Vậy đồng chí có đánh giá như thế nào về thực trạng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay?

Đồng chí Võ Văn Ngọc: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nông nghiệp là lĩnh vực khai thác, sử dụng nước nhiều nhất với khoảng 78,7% trong tổng lượng nước khai thác của các ngành kinh tế, tiếp đến là nước sinh hoạt với 10,8%, chăn nuôi 5,8%, nuôi trồng thủy sản khoảng 3,3%, ngành công nghiệp khai thác với tỷ lệ khoảng 1,2%...

Về trữ lượng, xét tổng thể về tổng lượng nước cả năm bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7.581 m3/người/năm (thấp hơn bình quân cả nước 9.856 m3/người/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới 4.000m3/người/năm) và được xếp vào loại không căng thẳng về nguồn nước.

Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất vẫn thường xảy ra do sự phân bố dòng chảy không đều về cả không gian và thời gian. Các nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trên là do tác động của biến đổi khí hậu làm biến đổi lượng dòng chảy giữa các mùa, tăng về mùa mưa và giảm về mùa khô; hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội như tập quán đốt rừng làm nương rẫy, thay đổi mục đích sử dụng đất rừng cho các hoạt động khai thác khoáng sản, xây dựng hệ thống hồ chứa phục vụ sản xuất điện năng làm suy giảm thảm phủ thực vật đầu nguồn đã tác động đến dòng chảy; điều tiết dòng chảy trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đảm bảo quy trình quy định.

Đốt rừng làm rẫy làm ảnh hưởng đến nguồn nước
Đốt rừng làm rẫy làm ảnh hưởng đến nguồn nước

Về chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo kết quả quan trắc hàng năm, mặc dù vẫn đảm bảo cho các mục đích sử dụng, tuy nhiên có sự suy giảm chất lượng nguồn nước, trong đó tập trung vào những vùng có hoạt động sản xuất công nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng suy giảm chất lượng nước là do sự rửa trôi đất đá từ vùng thượng nguồn, khu vực có hoạt động canh tác nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản ở vùng đầu nguồn, trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương,...; trong đó đáng lưu ý là khai thác, chế biến quặng, vàng sa khoáng, cát sỏi lòng sông và đá ốp lát. Các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý đạt chất lượng trước khi xả vào nguồn tiếp nhận, phổ biến là các loại hình phát sinh lượng nước thải lớn như sản xuất bia, trang trại chăn nuôi gia súc, chế biến thuỷ - hải sản tập trung ở địa bàn các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thành phố Vinh,...

Chất thải phát sinh từ sinh hoạt, sản xuất chưa được thu gom triệt để về khu xử lý, vẫn còn tình trạng vứt rác thải vào nguồn nước hoặc xung quanh nguồn nước gây ô nhiễm, đặc biệt đối với những nguồn nước sử dụng cho mục đích sản xuất nước sinh hoạt; tình trạng này có ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Nguồn nước dưới đất dễ bị ô nhiễm do người dân khoan giếng khai thác không thực hiện trám lấp giếng không sử dụng đúng quy định, dẫn đến chất bẩn xâm nhập vào nguồn nước; hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong sông do mực nước biển dâng vào mùa cạn ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nguồn nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Thực tế cho thấy, các hoạt động của con người trong phát triển kinh tế - xã hội đều ít nhiều có tác động đến chất và lượng nguồn tài nguyên nước. Vì vậy, nguy cơ suy giảm về trữ lượng và chất lượng là điều tất yếu nếu như chúng ta không có biện pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên này.

P.V: Từ năm 1998, nước ta đã có Luật Tài nguyên nước; năm 2012, Quốc hội tiếp tục có sự điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Luật Tài nguyên nước 1998. Điều đó khẳng định ở nước ta tài nguyên nước rất được coi trọng. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, rõ ràng việc chấp hành các quy định của Luật Tài nguyên nước vẫn chưa được như mong muốn. Để tạo sự chuyển biến tích cực, cần phải làm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Văn Ngọc: Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về: điều tra cơ bản; lập chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; điều hoà, phân phối và phòng chống tác hại do nước gây ra; trách nhiệm quản lý, thanh tra về tài nguyên nước; chính sách về tài nguyên nước, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động liên quan đến nguồn nước. Tất cả các quy định của luật đều nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước và các tổ chức, cá nhân đều phải có nhận thức đúng và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Khai thác vàng làm ảnh hưởng đến nguồn nước
Khai thác vàng làm ảnh hưởng đến nguồn nước

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như các trang trại chăn nuôi lợn, sản xuất tinh bột sắn, sản xuất bia,...; xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông trái phép gây cản trở dòng chảy, sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến nguồn nước; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, công nghiệp như hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò và hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Bắc Vinh,...

Bên cạnh đó, với chức năng là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, Sở TN&MT đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước; tổ chức nhiều đợt tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của UBND cấp huyện, xã, các sở, ngành liên quan, người dân và doanh nghiệp; các hoạt động hưởng ứng ngày nước thế giới (22/3) bằng các hình thức tọa đàm, treo băng rôn, biểu ngữ trên các trục đường chính, trụ sở cơ quan và nơi tập trung đông dân cư, phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng các chuyên đề, phóng sự về tài nguyên nước... đã trở thành những hoạt động thường niên.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên (từ năm 2004 đến nay đã thực hiện kiểm tra 490 tổ chức, cá nhân); tiếp nhận, thẩm định, tham mưu cấp 438 giấy phép hoạt động tài nguyên nước, trong đó còn thời hạn là 328 giấy phép; tham mưu UBND tỉnh và tổ chức thực hiện công tác điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước tại 11 trên tổng số 21 huyện, thành phố, thị xã; điều tra các giếng không sử dụng trên địa bàn tỉnh; điều tra và lập quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An... Qua đó, đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật vệ tài nguyên nước của toàn thể nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Dù vậy, cũng phải nhận thấy rằng ở tỉnh ta vẫn có không ít những tổ chức, cá nhân còn thiếu ý thức bảo vệ tài nguyên nước.

Để tạo sự chuyển biến tích cực, qua đó bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, giải pháp thực hiện trong thời gian tới là cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đến các tập thể, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân; kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Nhân cuộc trao đổi này, chúng tôi cũng xin nhắn nhủ rằng, nước là cội nguồn của sự sống, nhưng không phải là tài nguyên vô tận. Tiết kiệm tài nguyên nước là tiết kiệm cho tương lai. Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi người dân chúng ta cần chung sức bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho tương lai.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Nhật Lân (thực hiện)

Mới nhất

x
Bảo vệ tài nguyên nước - trách nhiệm của toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO