Bất cập bữa ăn bán trú trong các trường học

08/10/2013 01:14

(Baonghean.vn) - Giá cả lương thực, thực phẩm tăng mạnh trong khi mức thu không đổi khiến chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú ngày càng giảm.

Qua kết quả khảo sát của ngành giáo dục và y tế về chế độ ăn bán trú của học sinh tại địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo dinh dưỡng còn nhiều bất cập.

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 513 trường mầm non tổ chức 741 bếp ăn bán trú. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 391 bếp ăn được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở bậc tiểu học có 63 trường tổ chức bếp ăn bán trú, trong đó có 40% bếp ăn bán trú không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Con số trên cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú bậc học mầm non và tiểu học ở Nghệ An chưa được sự quan tâm thỏa đáng. Ở các trường tiểu học mới chỉ chú trọng đến chất lượng dạy và học, còn bữa ăn bán trú của các cháu, nhà trường vẫn nấu theo định tính và sự đóng góp của phụ huynh. Với mức tiền ăn từ 12.000 – 15.000 đồng tùy từng trường và khu vực dân cư cho một suất ăn bán trú, trong khi giá cả thực phẩm ngày càng đắt đỏ, để đảm bảo duy trì bữa ăn bán trú, đương nhiên chỉ còn cách duy nhất là cắt giảm khẩu phần ăn của các cháu. Tuy nhiên, theo một giáo viên phụ trách bán trú, mức phí trên thực tế phải gánh đủ thứ chi phí, vì vậy bữa ăn các cháu cũng thường bất ổn theo thị trường.

Bảng công khai chế độ ăn của học sinh bán trú trường Tiểu học Vinh Tân
Bảng công khai chế độ ăn của học sinh bán trú trường Tiểu học Vinh Tân

Một phụ huynh có con học ở trường Tiểu học Lê Mao – TP Vinh cho biết: Nhiều lần có việc phải đón cháu về vào buổi trưa đúng lúc các cháu đang ăn cơm tôi thấy khẩu phần ăn của các cháu rất sơ sài, lúc thì chỉ hai, ba miếng thịt, một ít canh bí nấu suông, một ít cơm và 1 quả chuối; lúc thì một miếng cá nhỏ, một ít canh rau cải nấu thịt (rau và thịt rất ít, nước canh nhạt nhẽo) và một ít cơm… tôi thấy xót xa vô cùng.

Chất lượng bữa ăn học sinh không được cải thiện mà còn giảm dần cả về chất và lượng, nguy cơ thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm cũng nhãn tiền, vì chẳng ai đứng ra kiểm soát được nguồn thực phẩm. Qua khảo sát tại một số trường học của cơ quan y tế, tình trạng rối loạn dinh dưỡng ở học sinh đang ở mức báo động, đi kèm là những hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Một số bệnh gia tăng như: còi xương, suy dinh dưỡng, cận thị hoặc các bệnh về mắt mà một trong những nguyên nhân chính là từ chế độ dinh dưỡng không đảm bảo.

Năm học 2013 – 2014, Trường Tiểu học Vinh Tân có 612 học sinh, trong đó có hơn 400 học sinh bán trú. Do địa bàn rộng, một số xóm nằm xa trường học, nên nhu cầu ăn bán trú của các học sinh luôn ở mức cao. Đặc biệt, trong trường có hơn 10 học sinh xóm vạn chài, vì vậy, bữa ăn bán trú tại trường đối với các em vô cùng quan trọng. Trường là một trong những đơn vị được Phòng GD thành phố đánh giá cao về công tác vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, việc ăn uống của học sinh bán trú tại trường vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.

Theo quy định, số lượng thực phẩm cũng như chế độ ăn của học sinh phải được công khai trên bảng hàng ngày. Thế nhưng, trong buổi làm việc với chúng tôi vào một ngày cuối tháng 9, trên bảng công khai chế độ ăn của học sinh vẫn còn ghi rõ thực đơn của ngày 5/2/2013 (nghĩa là thực đơn của năm học cũ) bao gồm: thịt lợn, canh dưa + cà rốt, xu hào xào và 3kg sườn lợn (dành cho giáo viên trực trưa). Trong khi đó, quan sát tại bếp ăn của nhà trường, các nhân viên nấu bếp đang chia khẩu phần ăn ra từng xoong nhỏ cho các lớp học gồm có: đậu phụ, thịt lợn kho và canh rau ngót. Bếp ăn của nhà trường nhỏ, chật hẹp, nhân viên nấu bếp phải đặt xoong ở dưới nền gạch để chia thức ăn, nguy cơ mất ATVSTP là điều khó tránh khỏi.

Chia khẩu phần ăn cho các lớp ở trường Tiểu học Vinh Tân
Chia khẩu phần ăn cho các lớp ở trường Tiểu học Vinh Tân

Một thực tế khác cũng đáng lo ngại là đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe học đường đang quá thiếu. Theo Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định người nấu ăn ở các trường học không thuộc biên chế Nhà nước mà do nhà trường tự hợp đồng thuê khoán bên ngoài. Tiền công trả cho nhân viên đầu bếp, lao công, phục vụ trưa cho các cháu tiểu học được thu theo Quy định số 70/2009/QĐ-UB của UBND tỉnh Nghệ An với mức thu 34.000 đồng/học sinh/tháng chia bình quân 22 buổi/tháng, như vậy mỗi buổi trưa trông trẻ, cho trẻ ăn, các cô nuôi nhận mức thù lao 1.500 đồng/học sinh. Với mức thu lao quá thấp này, hiện nay các trường rất khó tuyển nhân sự phục vụ hoạt động bán trú, bởi công việc cực nhọc và lương thấp, nên khó giữ chân lao động và không thu hút được lao động mới.

Chị Hồ Thị An – Phó trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho rằng: Với quy định người nấu ăn, phục vụ trưa không thuộc định biên nhà nước mà nhà trường phải thuê khoán bên ngoài đã tạo ra một kẽ hở trong việc quản lý chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Với tâm lý chỉ là nhân viên hợp đồng, tiền công thấp, một số nhân viên nấu bếp đã không làm tròn trách nhiệm, chế biến thực phẩm một cách cẩu thả, không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Không chỉ lo ngại về chất lượng, chế độ dinh dưỡng bữa ăn bán trú, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra phân vân về nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn bán trú. Trước thực trạng các hóa chất kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản thực phẩm được sử dụng tràn lan như hiện nay, một số trường học đã lựa chọn biện pháp thu mua thực phẩm an toàn bằng cách ký hợp đồng với các nhà sản xuất, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, ở các trường học vùng nông thôn, miền núi, do điều kiện còn khó khăn, nguồn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn chưa được nhà trường chú trọng, nhân viên nấu bếp chưa qua trường lớp đào tạo, bếp nấu cũng như đồ dùng nấu bếp chưa được quan tâm đầu tư mua sắm nên phần lớn bếp ăn bán trú các trường học vùng nông thôn, miền núi chưa chưa đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, còi xương ở các vùng này ở mức cao.

Bữa ăn bán trú được coi là vô cùng quan trọng nhằm cung cấp năng lượng cho học sinh tiếp tục buổi học thứ hai ở trường. Vì vậy, để trẻ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực, các trường học cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng thực phẩm cũng như chế độ dinh dưỡng, vấn đề vệ sinh ATTP cho từng bữa ăn.

Võ Huyền

Mới nhất
x
Bất cập bữa ăn bán trú trong các trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO