Bất cập trong giao đất lâm nghiệp cho dân

11/07/2017 18:29

(Baonghean.vn) - Với mục tiêu tạo tư liệu sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã thực hiện thu hồi hàng chục ngàn ha đất lâm nghiệp của các nông, lâm trường, Công ty lâm nghiệp để bàn giao cho các địa phương, sau đó giao cho các hộ dân. Dù công tác này đã đạt được những kết quả, tuy nhiên, vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Nhức nhối Yên Hợp

Xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp là địa phương có nhiều những vụ việc phức tạp, nổi cộm liên quan đến đất lâm nghiệp. Ở nơi đây, từ năm 2012 - 2014, UBND tỉnh đã thu hồi đất của các nông, lâm trường trên địa bàn để chính quyền huyện xã giao lại cho dân với diện tích lên đến 1.612 ha.

Tuy nhiên cho đến nay, UBND xã Yên Hợp mới chỉ giao được cho người dân gần 700 ha, còn khoảng hơn 900 ha đất vẫn đang chưa thể giao cho người dân để ổn định sản xuất; nhiều hộ dân ở các xóm Trọng Cánh, Cồng, Thái Lão, Hợp Thành, Mới, Thơ vẫn chưa có đất lâm nghiệp để canh tác.

Nguyên nhân chính là trong quá trình thực hiện đã nảy sinh rất nhiều bất cập, vướng mắc khiến cho UBND xã Yên Hợp đang rối như tơ vò.

Lãnh đạo UBND xã Yên Hợp (Qùy Hợp) chia sẻ những vướng mắc, bất cập trong công tác giao đất lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: Lân Bằng
Lãnh đạo UBND xã Yên Hợp (Qùy Hợp) chia sẻ những vướng mắc, bất cập trong công tác giao đất lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: Nhật Lân

Không giấu được sự lo lắng, ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Yên Hợp cho biết, non nửa diện tích trong tổng số hơn 1.600 ha đất UBND tỉnh thu hồi và bàn giao mà xã đã giao được đến tận hộ là đất mà người dân lấn chiếm canh tác trước đó, nay chỉ thống nhất giao theo hiện trạng sử dụng. Đối với diện tích chưa giao được, chủ yếu thuộc địa bàn xóm Tạt. Mặc dù xã đã lên phương án chia đất cho người dân ở các bản chưa có đất nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, sau khi nhận đất từ lâm trường, UBND xã Yên Hợp đã triển khai phương án và chia 200 ha đất trong tổng số 1048 ha thuộc địa bàn xóm Tạt cho 8 xóm phía ngoài gồm: xóm Cồng, Trọng Cánh, Na Phê, Đồng Mồng, Xạt, Bọc, Thái Lão và Hợp Thành. Tuy nhiên, có đến 150ha đã bị các hộ dân xóm Tạt lấn chiếm và sử dụng nhiều năm nay. Các hộ dân xóm Tạt không đồng ý chia đất cho các xóm khác và tiếp tục trồng keo lứa này qua lứa khác.

Bên cạnh đó, có khoảng 452 ha rừng sản xuất, UBND xã lên kế hoạch cho 98 hộ dân xóm Tạt nhưng trong thời gian thực hiện kế hoạch, số diện tích này đã bị một số hộ dân khác trong chính xóm Tạt lấn chiếm trồng cây. Sau khi xảy ra tranh chấp, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp dân nhằm tuyên truyền, giải thích và vận động bà con ngừng ngay việc chiếm đất trái phép nhưng không hiệu quả.

Không chỉ loay hoay trong bài toán giải quyết tranh chấp đất đai, UBND xã Yên Hợp cũng hết sức lo lắng vì hiện có khoảng hơn 450 ha đất rừng tự nhiên không biết nên giao như thế nào để phát huy hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất. Đặc điểm của diện tích này là đất rừng nguyên sinh, đất núi đá, có độ dốc lớn, khó khăn canh tác nên sau khi nhận đất, UBND xã Yên Hợp đang tạm giao cho cộng đồng của các xóm quản lý.

Khu vực núi Pù Đông thuộc xóm Bọ là rừng tự nhiên, núi đá đang được UBND xã Yên Hợp giao cho cộng đồng xóm Bọ quản lý. Ảnh: Nhật Lân
Khu vực núi Pù Đông thuộc xóm Bọ là rừng tự nhiên, núi đá đang được UBND xã Yên Hợp giao cho cộng đồng xóm Bọ quản lý. Ảnh: Nhật Lân

Ông Lô Văn Thế - xóm trưởng xóm Tạt cho biết rằng, số diện tích rừng tự nhiên ở các khu vực Pù Cọ, Khe Mát, Pù Cáp, Pù Tháp... là đồi núi cao, đá vôi, độ dốc lớn, đường sá đi lại khó khăn nên người dân không muốn nhận. Không thể chia cho dân, xã và xóm thống nhất giao cho cộng đồng xóm quản lý.

Ông Đinh Văn Dương, xóm trưởng xóm Bọ phân bua, người dân trong xóm muốn để lại hơn 13ha đất rừng tự nhiên, đất núi đá để khoanh nuôi bảo vệ mà không giao cho hộ dân cụ thể nào vì khi cần cây mét, cây nứa thì dễ lấy hơn ?.

Khó khăn chung

Tính từ năm 2008 đến nay, huyện Qùy Hợp được UBND tỉnh giao hơn 5.300 ha đất lâm nghiệp để chia cho người dân. Sau khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh, UBND huyện Quỳ Hợp đã xây dựng kế hoạch và giao đất cụ thể cho từng xã trên địa bàn kịp thời.

Song, khi xuống dưới các xã, nhiều vấn đề đã nảy sinh khiến công tác giao đất chậm đi rất nhiều. Một điều lo lắng chung là trong diện tích được UBND tỉnh giao cho Qùy Hợp có một phần lớn là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Tại xã Châu Thái, trong 691 ha đất lâm nghiệp được giao có hơn 92 ha đất rừng phòng hộ nằm xen lẫn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Hay ở xã Châu Thành, trong 1.569 ha đất lâm nghiệp được giao có gần 500 ha đất rừng tự nhiên.

Theo ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp, đa phần những diện tích mà các nông, lâm trường trả về cho huyện trước đó quản lý không hiệu quả. Ông Tường băn khoăn, số diện tích đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có nên giao cho người dân hay không?.

Ở huyện Qùy Châu, trong 2.341ha đất lâm nghiệp UBND tỉnh bàn giao, còn khoảng 220 ha đất rừng tự nhiên, núi đá tại tiểu khu 193 thuộc xã Châu Bình chưa thể giao cho người dân. Theo lãnh đạo UBND huyện Qùy Châu, số diện tích đã có các quyết định của UBND tỉnh thu hồi chủ yếu là các khu vực xa khu dân cư, có địa hình hiểm trở.

Trong đó, phần lớn là rừng tự nhiên nên theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì không giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân. UBND huyện đang kiến nghị tỉnh cho triển khai phương án căn cứ vào kết quả thực địa để lập hồ sơ để giao khoán khoanh nuôi bảo vệ theo quy định.

Mặc dù ở nhiều địa phương đã tiến hành giao đất ngoài thực địa cho các hộ dân nhưng việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu đất vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện các địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp đã lập thiết kế kỹ thuật - dự toán và triển khai công tác giao đất, trích đo chỉnh lý lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân nhưng đang gặp khó về kinh phí chi trả cho các đơn vị tư vấn.

Tại huyện Quế Phong, đối với 572,9 ha đất lâm nghiệp và chưa sử dụng của 2 xã Mường Nọc và Quế Sơn, UBND xã đã cho các hộ nhận đất ngoài thực địa nhưng chưa có kinh phí đo đạc bản đồ để lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp. Từ đây dẫn đến hiện tượng tranh chấp, xâm lấn đất lâm nghiệp khiến công tác quản lý gặp khó khăn.

Xóm trưởng xóm Bọ (xã Yên Hợp), ông Đinh Văn Dương (thư 2 từ phải qua) cho rằng, việc giao đất lâm nghiệp cho người dân trong xóm chưa hợp lý vì một phần đất được giao là rừng tự nhiên, độ dốc cao, khó canh tác. Ảnh: Lân Bằng
Xóm trưởng xóm Bọ (xã Yên Hợp), ông Đinh Văn Dương (thứ 2 từ phải qua) cho rằng, việc giao đất lâm nghiệp cho người dân trong xóm chưa hợp lý vì một phần đất được giao là rừng tự nhiên, độ dốc cao, khó canh tác. Ảnh: Nhật Lân

Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp GCN QSD đất

Từ năm 2011 - 2014, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 14.143,7 ha đất của các Nông trường, Lâm trường trả về các địa phương quản lý, sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục quyết định thu hồi 1901,85 ha đất của 5 Công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo của UBND các huyện, họ đã giao đất gắn với giao rừng cho các hộ dân với diện tích 10.430,03 ha/ 14.143,7 ha đất thu hồi của các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ. Số diện tích hơn 3.700 ha chưa giao còn lại chủ yếu là các vùng đất xa, xấu, điều kiện sản xuất khó khăn, đất thủy lợi, khe suối, đất giao thông...

Riêng 1901,85 ha đã thu hồi của các Công ty nông, lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017, các địa phương đang lập phương án giao đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với UBND các huyện và các Sở, ngành để triển khai, bàn các biện pháp đưa các quỹ đất thu hồi của các Nông, Lâm trường vào sử dụng. Bên cạnh đó, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND các huyện tăng cường quản lý và đẩy nhanh tiến độ công tác giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sản xuất.

Đồng thời, các ngành đã đôn đốc UBND các huyện thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả quỹ đất UBND tỉnh đã thu hồi của các Nông, Lâm trường trả về cho địa phương, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất đã thu hồi này để tránh tình trạng “mất đất, mất rừng” hoặc sử dụng đất không đúng mục đích.

Nói như vậy để thấy, việc giao đất lâm nghiệp đến cho từng hộ dân có mục đích to lớn nhằm phát huy hiệu quả giá trị sử dụng đất, nâng cao đời sống cho người dân ở các huyện miền núi.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng có thể thấy, vẫn còn nhiều điều cần phải đánh giá lại, để đề ra các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Thời gian qua, Báo Nghệ An đã nhiều lần phản ánh về tình trạng người dân sau khi được nhận đất thì chuyển nhượng chui, chặt phá rừng làm cạn kiệt, lãng phí nguồn tài nguyên, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, báo đã phản ánh về thực trạng chất lượng đất lâm nghiệp mà các nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp “chấp nhận” giao trả.

Nhật Lân - Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bất cập trong giao đất lâm nghiệp cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO