Kinh tế

Bất cập từ việc nông dân dùng 'thóc thịt' để sản xuất hè thu ở Nghệ An

Phú Hương 14/06/2024 08:34

Vụ hè thu năm nay, nông dân ở nhiều vùng không mua lúa giống để sản xuất mà dùng "thóc thịt" được để lại từ vụ xuân. Cách làm này tác động xấu đến sản xuất của chính họ và cả những hộ dân khác.

Đỡ tiền mua giống mới

Vụ hè thu năm nào bà Nguyễn Thị Lành, xóm 6, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc cũng sử dụng lúa thịt (lúa thực phẩm) được để lại từ vụ trước để gieo cấy, chứ không mua giống mới. Theo bà, ruộng đồng thường xuyên bị ngập lụt dịp tháng 8, tháng 9, sản xuất bấp bênh, hay bị mất mùa nên không muốn đầu tư, có được mùa thì năng suất cũng chỉ vài tạ/sào, nên cũng như các hộ dân khác trong xóm, bà dùng giống lúa tự để lại để tận dụng, đỡ chi phí, có mất cũng đỡ tiếc.

 sản xuất hè thu bấp bênh là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nông dân sử dụng thóc thịt để sản xuất. Ảnh- Phú Hương
Sản xuất hè thu bấp bênh là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nông dân sử dụng "thóc thịt" để sản xuất. Ảnh: Phú Hương

“Giống tự để kém hơn là cái chắc rồi nhưng mỗi sào cũng 3- 4 kg giống, cả mấy anh em nhà tôi làm 3 mẫu ruộng, tính tiền giống lên cũng nhiều trong khi sản xuất bấp bênh nên nhà ai cũng tự để lúa giống cả”, bà Lành cho biết.

Vụ hè thu năm nay, Nghi Lộc gieo cấy hơn 4.800 ha lúa. Tình trạng nông dân sử dụng lúa giống để lại sau khi thu hoạch vụ xuân là khá phổ biến trên địa bàn. Theo ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thì sản xuất hè thu ở địa phương này không được người dân chú trọng như tại các vùng lúa trọng điểm các huyện Yên Thành, Diễn Châu… nên chỉ đạo sản xuất khá khó khăn.

“Bà con dùng thóc thịt làm giống nhiều nhất là ở những vùng sản xuất bấp bênh, hay mất mùa do hạn hán, mưa lụt; và những vùng sản xuất hè thu chủ yếu để sử dụng làm bún bánh, chăn nuôi, dùng giống lúa khang dân là chủ yếu”, ông Trần Nguyên Hòa cho biết.

 lúa giống _tự để_ hạn chế về chất lượng. Ảnh- Phú Hương
Lúa giống tự để lại bị hạn chế về chất lượng. Ảnh: Phú Hương

Vụ hè thu năm nay, bà Phạm Thị Bình ở xóm 9, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) phải chấp nhận mua giống lúa về sản xuất, thế nhưng bởi lúa vụ trước không đẹp lắm nên không để được giống, chứ còn từ trước đến nay, năm nào bà cũng chọn những mảnh ruộng đẹp, lúa phát triển tốt để dành lúa làm giống cho vụ cấy sau.

“Biết là sẽ không năng suất bằng giống mua, hay bị sâu bệnh hơn, nhưng mua giống đắt, mỗi vụ tốn khoảng 500.000- 800.000 đồng”, bà chia sẻ. Để giảm bớt những “yếu điểm” của giống lúa tự để, bà Bình chỉ dùng lúa giống được để lại từ vụ này sang vụ sau, đến vụ tiếp sẽ mua giống mới để tránh thoái hoá.

Giảm năng suất và chất lượng

Không chỉ ảnh hưởng ruộng lúa của mình, mà tình trạng nông dân sử dụng giống lúa “tự để” còn tác động, ảnh hưởng xấu đến sản xuất của những hộ xung quanh.

 Bà Bình thường xuyên sử dụng thóc thịt từ vụ xuân để gieo mạ cấy lúa hè thu. Ảnh- Phú Hương
Bà Bình thường xuyên sử dụng "thóc thịt" từ vụ xuân để gieo mạ cấy lúa hè thu. Ảnh: Phú Hương

Là hàng xóm của bà Phạm Thị Bình, vụ sản xuất nào chị Phan Thị Xuyên ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) cũng mua giống để gieo cấy, mặc dù trong xóm rất nhiều hộ dân tự để giống chứ không mua. Vì theo chị, biết là đỡ tiền mua giống, nhưng tính ra lại thiệt hơn vì năng suất kém mà hay bị sâu bệnh hại.

“Vụ xuân năm nay, nhiều nhà trong xóm cấy giống để từ vụ hè thu năm ngoái, có nhà một sào chỉ thu được 4 bì lúa, tính ra chưa đầy 1 tạ, không những năng suất thấp mà còn bị nhiều lúa lép, chất lượng gạo kém”, chị Xuyên cho biết.

sử dụng lúa giống tốt sẽ góp phần cho sản phẩm gạo năng suất, chất lượng cao. Ảnh- Phú Hương
Sử dụng lúa giống tốt sẽ góp phần cho sản phẩm gạo năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Phú Hương

Mặc dù vậy, chị vẫn rất lo ngại sâu bệnh hại từ ruộng gieo cấy giống tự để lây lan sang, vì thế nên vào những thời điểm lúa hay bị sâu bệnh hại, chị phải thường xuyên thăm đồng để có thể phòng trừ kịp thời khi có sâu bệnh.

Trong các văn bản chỉ đạo sản xuất của Nghệ An đều đưa ra những bộ giống lúa tiến bộ để khuyến cáo, chỉ đạo sản xuất; thế nhưng, bất chấp những khuyến cáo của ngành chuyên môn, tình trạng này diễn ra trong nhiều năm qua tại rất nhiều địa phương. Tình trạng nông dân sử dụng lúa thịt hoặc dùng giống lúa được bán trôi nổi bên ngoài vẫn khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ.

 Nông dân Nghi Lộc dùng lúa của vụ xuân 2024 làm giống cho sản xuất hè thu . Ảnh- Phú Hương
Nông dân Nghi Lộc dùng lúa của vụ xuân 2024 làm giống cho sản xuất hè thu . Ảnh: Phú Hương

Quá trình canh tác, những tác nhân gây bệnh trên lúa sẽ lưu tồn trong hạt, nhất là những hạt lép lửng, kém chất lượng và nó sẽ tiếp tục gây bệnh cho cây lúa ở vụ sau. Bên cạnh đó, bà con tự để giống lúa sẽ có tỷ lệ hạt lẫn như cỏ dại và các hạt lúa khác giống, khi gieo ruộng lúa sẽ có độ đồng đều không cao, ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh

Bất cập từ việc nông dân dùng 'thóc thịt' để sản xuất hè thu ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO