Bắt đầu từ các chủ doanh nghiệp
(Baonghean) - Những năm qua, các loại hình doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp doanh, liên doanh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân – công ty nước ngoài) trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh và khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng… khó!
Tính đến 30/7/2013, trong tổng số 7.666 doanh nghiệp tư nhân và công ty nước ngoài (DNTN và CTNN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có 338 doanh nghiệp có tổ chức đảng, chiếm 6,2% tổng số doanh nghiệp, trong đó có 39 đảng bộ, 95 chi bộ cơ sở và 204 chi bộ trực thuộc. Các tổ chức đảng này tập trung ở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Thành ủy Vinh, Thị ủy Thái Hòa, Huyện ủy Tân Kỳ. Tổng số đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp này cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 3.440/164.000 cán bộ, công nhân, lao động.
Huyện Quỳ Hợp – một trong những địa bàn có nhiều cụm công nghiệp với các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh gồm 362 doanh nghiệp, trong đó có 220 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và 120 doanh nghiệp làm ăn có lãi. Quy mô của các doanh nghiệp tương đối lớn, có 40 doanh nghiệp trên 30 lao động. Thế nhưng, mấy năm nay chỉ thành lập được duy nhất 1 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, đó là Công ty Khai thác đá vôi IABASHI Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp không có đảng viên và số doanh nghiệp có đảng viên (29/220 doanh nghiệp) thì lại chỉ có 1 đến 2 đảng viên, duy nhất Công ty CP Khai thác và XNK KS Thiên Long có 3 đảng viên.
Trong khi đó, theo quy định để thành lập tổ chức đảng là phải có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên mới đủ điều kiện thành lập chi bộ. Khi không có tổ chức đảng thì công tác phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng và làm quy trình kết nạp đảng viên càng khó khăn nên công tác phát triển đảng viên hạn chế. Đồng chí Phan Đình Đạt - Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, cho biết: “Mặc dù số lượng đảng viên trong khối doanh nghiệp này hàng năm có tăng nhưng chủ yếu lại được kết nạp tại nơi cư trú. Thời gian qua, huyện ủy đã quan tâm tuyên truyền, vận động tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu biết về Đảng, từ đó có động cơ phấn đấu vào Đảng. Nhưng kết quả có thể nói là... chưa có gì”.
Tại huyện Nghi Lộc, cũng là một địa bàn trọng điểm công nghiệp của tỉnh, nơi có KKT Đông Nam, KCN Nam Cấm và một số cụm công nghiệp của huyện đang tích cực thu hút đầu tư. Để phát triển tổ chức đảng cũng như đảng viên trong loại hình kinh tế này, năm 2012, Nghi Lộc xây dựng đề án xây dựng và phát triển tổ chức đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp cổ phần...
Tuy nhiên theo đồng chí Phan Sỹ Dương – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, cho đến nay đề án vẫn chưa đi vào cuộc sống vì chưa được các doanh nghiệp hưởng ứng. Hầu hết các doanh nghiệp bị chi phối, chú trọng vào sản xuất, kinh doanh mà chưa thực sự tích cực trong việc xúc tiến quá trình vận động thành lập tổ chức đảng và tổ chức các đoàn thể. Đến nay, mới chỉ có 7 chủ doanh nghiệp và một số người lao động đề xuất mong muốn được vào Đảng, 1 doanh nghiệp có nguyện vọng thành lập tổ chức đảng là Công ty CP cơ khí Trường Thạch. Song, khó khăn là các chủ doanh nghiệp muốn vào Đảng lại rơi vào các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng. Không có tổ chức đảng thì việc trực tiếp theo dõi, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên cũng như hướng dẫn về mặt thủ tục kết nạp rất khó khăn.
Ở Khối doanh nghiệp tỉnh, tính trong vòng 2 năm (2011 – 2012) kết nạp được 452 đảng viên. Một số tổ chức đảng đã giới thiệu được cán bộ, đảng viên có năng lực tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp; thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, có đạo đức và lối sống trong sạch, có tinh thần trách nhiệm và khắc phục khó khăn, được quần chúng tín nhiệm. Tuy nhiên, nhìn chung, công tác phát triển đảng vẫn rất khó khăn do đặc thù sở hữu của các loại hình DNTN – CTNN, ông chủ doanh nghiệp – người nắm giữ phần lớn cổ phần nên có quyền chi phối tất cả các hoạt động trong doanh nghiệp, kể cả tổ chức đảng.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH MTV Tân Khánh An. |
Đồng chí Lê Sơn Châu – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Doanh nghiệp cho hay: Thời gian qua Đảng ủy khối kiên trì mô hình “3 trong 1”, gồm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và Bí thư Đảng ủy là một người để tăng cường và nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Thế nhưng, công tác cán bộ làm công tác đảng ở các doanh nghiệp cổ phần vẫn thay đổi xoành xoạch. Ví như một người đang là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và Bí thư Đảng ủy nhưng sau đại hội cổ đông không trúng Chủ tịch HĐQT và Giám đốc nữa thì hoạt động của tổ chức đảng ở đó sẽ gặp nhiều khó khăn. Trường hợp này, để tổ chức đảng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao vai trò của mình lại phải thực hiện quy trình tổ chức bầu bí thư mới, điều này dẫn đến thiếu sự ổn định, ảnh hưởng đến phong trào chung.
Qua khảo sát thực tế ở một số doanh nghiệp tại Thành phố Vinh và các huyện Quỳ Hợp, Nghi Lộc, cho thấy ở một số doanh nghiệp có quy mô lớn, chủ doanh nghiệp chủ yếu là người ở các địa phương khác đến, không có hộ khẩu thường trú tại địa bàn nên không thể kết nạp đảng tại địa phương có doanh nghiệp đứng chân. Một số chủ doanh nghiệp là người địa phương nhưng lại cùng một lúc thành lập nhiều doanh nghiệp tại nhiều địa bàn nên “nay đây, mai đó”, rất khó để xây dựng nhân tố tích cực và đưa vào đối tượng cảm tình đảng.
Mặt khác, hiểu biết về Đảng của các chủ doanh nghiệp nói chung còn hạn chế, họ mới chỉ quan tâm đến mục đích sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đến công tác đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp không muốn thành lập tổ chức đảng, bởi tâm lí e ngại mất thời gian sinh hoạt và chấp hành các quy định về công tác đảng… hay nếu doanh nghiệp có “lách” luật một chút cũng dễ bị tổ chức đảng giám sát, phát hiện. Về phía người lao động, trình độ nhận thức không đồng đều, chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động phổ thông; làm việc mang tính thời vụ và không ổn định, chỗ nào lương cao thì họ ký hợp đồng. Họ chỉ quan tâm có việc làm và thu nhập; chứ không tha thiết phấn đấu vào Đảng hay sinh hoạt đoàn thể.
Nhìn ở góc độ khác, đồng chí Đặng Tố Duyệt – Phó ban Tổ chức Thành ủy Vinh cho rằng: “Vai trò lãnh đạo của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần còn hạn chế, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên còn yếu. Đảng viên không dám đấu tranh, bởi các quyền lợi bao gồm thu nhập, việc làm của họ đều phụ thuộc vào ông chủ”. Ngoài ra, vẫn còn một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động. Một số cấp ủy chưa xây dựng được quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp; chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt thấp; công tác giáo dục, bồi dưỡng, phát triển đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, quản lý đảng viên còn lỏng lẻo; thực hiện phân công nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc, phân loại đảng viên còn hạn chế. Thêm vào đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các DNTN - CTNN nên thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp; chưa đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của loại hình doanh nghiệp.
Và các giải pháp
Thực tế quá trình xây dựng đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 đã, đang tạo sự dịch chuyển lực lượng lao động từ nông thôn vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, công trường, xí nghiệp đặt ra yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài cần phải phát triển các tổ chức đảng và đảng viên trong các loại hình DNTN, Công ty nước ngoài, nhằm bù đắp sự thiếu hụt lực lượng đảng viên ở khu vực nông thôn, góp phần bổ sung lực lượng cho Đảng. Mặt khác, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc định hướng doanh nghiệp đúng hướng và bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp với lợi ích của người lao động, lợi ích cộng đồng, góp phần ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo đồng chí Đặng Tố Duyệt - Phó Ban Tổ chức Thành ủy Vinh, vấn đề quan trọng là ở nhận thức, tư duy về Đảng của các chủ doanh nghiệp. Bởi thực tế một số doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả cũng muốn có tổ chức đảng để khẳng định, quảng bá doanh nghiệp; tăng cường giao lưu, mở rộng mối quan hệ và hợp tác phát triển. Ví như Công ty CP Lam Hồng, mặc dù chủ doanh nghiệp chưa phải là đảng viên nhưng vẫn tha thiết thành lập tổ chức đảng. Hiện tại, Thành ủy Vinh đã cho thành lập chi bộ với 3 đảng viên và sắp tới ở đây sẽ kết nạp thêm 2 đảng viên nữa, trong đó có cả chủ doanh nghiệp. Hay như Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng T&D cũng đã thành lập được chi bộ gồm 9 đảng viên và sắp tới sẽ kết nạp thêm 2 đảng viên…
Đồng chí Đậu Văn Thanh – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho hay: Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn và ý kiến của cấp ủy cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang tiến hành xây dựng Đề án “Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2013 – 2020” để trình và xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó vấn đề quan trọng nhất là các cấp ủy đảng phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giáo dục chính trị, tư tưởng cho các chủ doanh nghiệp. Bởi khi nhận thức đầy đủ rằng tổ chức đảng khi được thành lập chỉ có lợi cho doanh nghiệp trong việc giáo dục người lao động và đảng viên tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật trong lao động, sản xuất vì sự phát triển của doanh nghiệp thì chắc chắn họ sẽ cởi mở hơn trong việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên.
Trên thực tế, ở 2 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, là Công ty Mía đường TATE&LYTE (ở Nghĩa Đàn) và Công ty Khai thác đá vôi IABASHI Việt Nam (Quỳ Hợp), mặc dù ông chủ là người nước ngoài nhưng qua theo dõi thấy tổ chức đảng sinh hoạt chỉ bàn những việc có lợi cho doanh nghiệp, như làm sao đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giáo dục các đảng viên tiên phong, gương mẫu trong đời sống và lao động, bản thân các đảng viên đều là những nhân tố tích cực trong doanh nghiệp nên đã rất ủng hộ tổ chức đảng và đảng viên hoạt động.
Đề án đã đặt ra giải pháp: Đối với các doanh nghiệp có tổ chức đảng, cần chú trọng củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng thì cần tiến hành rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong các doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng ở nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định thì tập trung chỉ đạo quyết liệt để chuyển sinh hoạt đảng của số đảng viên đó về doanh nghiệp và thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp đó.
Ở những doanh nghiệp chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng thì bố trí cán bộ đảng có kinh nghiệm đến trực tiếp làm việc, chỉ đạo, phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp để giáo dục quần chúng, phát triển đảng viên, tạo tiền đề để thành lập tổ chức đảng. Đối với những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, ngay khi chuẩn bị dự án đầu tư, các cơ quan, đơn vị phía Việt Nam tham gia liên doanh phải hình thành tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị làm công tác chuẩn bị đầu tư, liên doanh, tạo tiền đề lập tổ chức đảng khi doanh nghiệp thành lập.
Đối với doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thì cần tăng cường tiếp xúc, tuyên truyền, phố biến để họ nhận thức thấu đáo về tổ chức đảng và vai trò của nó trong hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp lại tổ chức đảng theo hướng: tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều đảng viên, thu hút nhiều lao động trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh; tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có 9 đảng viên trở lên trực thuộc cấp ủy cấp huyện và dưới 9 đảng viên thì trực thuộc cấp ủy cấp xã.
Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện để kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức đảng. Đồng thời, tạo mọi điều kiện, cơ chế và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Có như vậy mới hy vọng ngày càng thành lập được nhiều tổ chức đảng và số lượng đảng viên ngày càng đông, chất lượng trong loại hình kinh tế quan trọng này, góp phần đẩy mạnh tiến trình thực hiện CNH-HĐH nền kinh tế.
Bài, ảnh: Mai Hoa