Bất lực trước 'sim rác'?
(Baonghean.vn) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn "sim rác". Tuy nhiên, trên thực tế "sim rác" vẫn hoành hành, gây phiền phức cho người dân và khó khăn trong công tác quản lý.
Liên tục quấy rầy
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, thì mỗi sim điện thoại khi đăng ký (giao kết hợp đồng), bắt buộc phải cung cấp thông tin về giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam). Đặc biệt, phải có ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước)...
Đặc biệt, kể từ ngày 31/3/2023 những sim điện thoại có thông tin không chính xác (không chính chủ), sẽ bị dừng hoạt động; và đến 10/9/2023 một số nhà mạng quy định các đại lý nhỏ lẻ sẽ không được bán sim số mà bắt buộc người dân muốn mua sim phải đến tại các điểm giao dịch để mua và đăng ký...
Dù các quy định đã khá chặt chẽ trong việc ngăn chặn vấn nạn "sim rác", các nhà mạng cũng đã cung cấp những đầu số tổng đài để khách hàng có thể báo cáo "sim rác" để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế "sim rác" vẫn hoạt động tràn lan, gây phiền phức rất lớn cho người dân sử dụng dịch vụ di động.
Chị Nguyễn Thu, trú tại TP.Vinh, phản ánh: Trong thời gian vừa qua, điện thoại của chị liên tục nhận được tin nhắn quấy rầy, rao bán hàng... từ các số điện thoại như: +84857638748; +84942586651; +84914479564... Các số điện thoại này nhắn tin liên tục, bất kể thời gian nào trong ngày rất phiền phức...
Không riêng chị Thu mà rất nhiều người cũng phản ánh việc bị các số điện thoại lạ nhắn tin quấy rầy, cùng một nội dung như "cung cấp dịch vụ gái gọi"... kèm theo đường link Facebook, Zalo hay Telegram. Chỉ cần người dùng truy cập vào các đường link đó thì sẽ bị mất truy cập kết nối hoặc bị chiếm quyền sử dụng Facebook hay các tài khoản cá nhân của mình.
Thậm chí nhiều người dân còn phàn nàn việc bản thân mình không hề cung cấp số điện thoại cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, thế nhưng không hiểu sao các số điện thoại lạ liên tục nhắn tin, gọi điện đến quấy rầy. Nhiều đối tượng sử dụng "sim rác" mạo danh đại diện công an, cơ quan pháp luật, nhân viên nhà mạng, nhân viên công ty bảo hiểm, bưu điện, cục viễn thông... yêu cầu cung cấp thông tin điều tra hay thanh toán tiền nợ...
Trên thực tế, mặc dù đã có quy định các cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ không còn được bán sim, thẻ. Tuy nhiên, trên thực tế việc mua bán sim vẫn tràn lan. Đặc biệt, trên các mạng xã hội hay trang giao dịch điện tử, chỉ cần gõ cụm từ "mua sim", sẽ cho ra rất nhiều cửa hàng mua bán sim, số. Từ các sim, số bình thường đến các sim, số đẹp. Nhiều tài khoản còn hứa hẹn sẽ đăng ký, kích hoạt luôn cho khách hàng...
Đặc biệt, dù quy định phải sử dụng giấy tờ cá nhân chính chủ để đăng ký thuê bao di động, thậm chí phải quay, chụp khuôn mặt cá nhân để đăng ký. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ giả để kích hoạt "sim rác". Cụ thể, sau khi có được giấy tờ tuỳ thân giả, các đối tượng sẽ đăng ký mua sim và dùng các phần mềm chỉnh sửa khuôn mặt như Deepfake để "qua mặt" quy định quay chụp khuôn mặt của các nhà mạng khi đăng ký thuê bao.
Tại Nghệ An, trong tháng 7/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Thế Tuấn (SN 1989) và Võ Trọng Huy (SN 1988) cùng trú tại tỉnh Hà Tĩnh về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Bước đầu, cơ quan Công an xác định: Từ tháng 5 đến tháng 7/2023, Tuấn và Huy đã sử dụng những giấy CMND giả để lập các tài khoản ngân hàng..., sau đó rao bán cho các đối tượng khác. Qua vụ việc này cho thấy, việc làm giả giấy tờ cá nhân đối với các đối tượng xấu không còn là điều gì khó khăn. Một khi các giấy tờ giả được sử dụng vào mục đích xấu sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.
Cần quyết liệt xử lý
Bà Nguyễn Nữ Lan Oanh - Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để vấn đề sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ trên thị trường, quản lý chặt chẽ thông tin thuê bao viễn thông di động; Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn sim.
Tại Nghệ An, đã thành lập 1 Đoàn Thanh tra và tiến hành thanh tra tại 33 điểm cung cấp dịch vụ của 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn, gồm: Viễn thông Nghệ An (VNPT), Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Mobifone tỉnh Nghệ An (Mobifone) và Công ty cổ phần Viễn thông Vietnamobile (Vietnamobile).
Qua thanh tra đã phát hiện có 2 đơn vị có điểm cung cấp dịch vụ có thiết bị truy cập nhưng không truy cập được vào dữ liệu tập trung; Một số thuê bao có thông tin thuê bao lưu giữ trên hệ thống không đúng quy định; 1 đơn vị còn có sim thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động được lưu thông trên thị trường (Vietnamobile).
"Ngay sau đó, Đoàn Thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Viễn thông Vietnamobile về hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” theo quy định tại điểm b, khoản 7, điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với số tiền phạt là 30 triệu đồng" - bà Nguyễn Nữ Lan Oanh cho biết thêm.
Bà Lê Thái Hà - Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh - VNPT Nghệ An, đơn vị quản lý Vinaphone tại Nghệ An cho biết: Từ tháng 3, các nhà mạng, đặc biệt là VNPT đã cam kết cùng với Chính phủ, với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao. Tất cả các thuê bao có dữ liệu không trùng khớp với dữ liệu dân cư Quốc gia thì chúng tôi sẽ khoá thực hiện quy trình để khách hàng hoàn thiện hồ sơ thông tin. Các thuê bao không khớp thì đến ngày 30/4 và 15/5 đã được khoá. Chúng tôi cũng cam kết tuân thủ không có sim kích hoạt sẵn trên các kênh bán hàng của mình. Thông qua việc tự rà soát, nếu chúng tôi phát hiện những kênh bán hàng nào vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến đuổi việc. Đặc biệt từ ngày 10/9, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu tất cả các kênh ngoài (các cửa hàng bán lẻ) ngừng kích hoạt thông tin thuê bao, chỉ có các điểm giao dịch của VNPT mới được thực hiện việc kích hoạt.
Có thể thấy, việc quy định đăng ký thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp và nơi cấp...), khi đăng ký, kích hoạt sim điện thoại là một chủ trương hoàn toàn phù hợp. Điều này sẽ giúp đảm bảo kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng các dịch vụ viễn thông trong trường hợp bị mất, hư hỏng sim, đồng thời bảo vệ quyền lợi người dân khi sử dụng các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc dịch vụ ngoài viễn thông như: dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm...
Vậy nhưng, vẫn có nhiều đối tượng sử dụng các loại "sim rác" nhằm vào mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Chính vì thế, để triệt để ngăn chặn vấn nạn này, một số ý kiến cho rằng, bản thân người dân không nên cung cấp số điện thoại cá nhân cho bất cứ cá nhân, tổ chức hay ứng dụng nào mà mình không quen biết, không đủ độ tin cậy. Người dùng dịch vụ viễn thông cũng cần nghiêm túc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao. Cần chủ động đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để đăng ký thông tin thuê bao của chính mình, không mua sim đã đăng ký thông tin, kích hoạt sẵn, để tránh các rủi ro pháp lý khi sử dụng các sim không chính chủ.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các điểm cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, thay đổi số chứng minh nhân dân, căn cước công dân trên ảnh chụp giấy tờ cá nhân, từ đó thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu (bán sim kích hoạt sẵn).
Đồng thời, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ di động khi để xảy ra nạn "sim rác" hoành hành. Bởi suy cho cùng, "sim rác" muốn hoạt động thì cũng phải dựa trên nền tảng của các nhà mạng. Nếu không xử lý nghiêm khắc thì người dân, người dùng sẽ không thể thoát khỏi cảnh bị quấy rầy.