Bầu cử Đức: Không ai cản nổi Merkel?
Không mấy ai dám nghi ngờ việc bà Angela Merkel sẽ có thêm 4 năm nữa ngồi trên ghế Thủ tướng Đức.
Ưu thế vượt trội
Các cuộc tranh cử thường tạo ra các thời điểm gay cấn, và đôi khi là một bước ngoặt quyết định. Nhưng cuộc tổng tuyển cử Liên bang tại Đức ngày 24/9 tới rõ ràng không đi theo lô-gích đó.
Các cuộc thăm dò dư luận đưa ra các kết quả "nhàm chán" và lặp đi, lặp lại suốt nhiều tháng qua. Cụ thể, theo kết quả cuộc thăm dò của Viện Forsa hôm 19/9, khoảng 36% cử tri Đức sẽ bỏ phiếu cho Liên minh giữa hai đảng Dân chủ Cơ đốc giáo – CDU với đảng Liên đoàn Xã hội Cơ đốc giáo CSU của bà Merkel, trong khi số cử tri tuyên bố bầu cho đảng Dân chủ xã hội SPD là 23%. Một cuộc thăm dò khác, mới hơn, của hãng GMS trong ngày 21/9, cho thấy liên minh CDU-CSU sẽ giành 37% phiếu, còn SPD chỉ được 22%.
Nói cách khác, là bà Angela Merkel gần như đang "chấp" đối thủ chính của mình là ông Martin Schulz của đảng SPD chạy trước một nửa chặng đường, nhưng rồi vẫn sẽ vượt lên và giành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức, để qua đó ngồi vào chiếc ghế đó nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Bà Angela Merkel. Ảnh: Time |
Nhưng, sự vượt trội này của bà Merkel và liên minh CDU-CSU lại đang tạo ra một tình huống khó xử khác, đó là vì chiến thắng của bà Merkel được nhiều người xem như là đương nhiên nên lượng cử tri đi bỏ phiếu khả năng sẽ thấp hơn so với thông lệ.
Con số dự báo sẽ là khoảng 34% cử tri Đức không đi bầu, hoặc lưỡng lự có đi bầu hay không và bầu cho ai. Con số này trong cuộc bầu cử 4 năm trước, tức vào năm 2013, là 29%. Như hiện tại, là khoảng 1/3 cử tri Đức chưa quyết định có hy sinh một ngày Chủ nhật để đi bỏ phiếu cho một cuộc bầu cử được xem là biết trước kết quả hay không.
Dù khả năng rất thấp nhưng đây có thể là một yếu tố khó lường của cuộc bầu cử bởi cử tri vắng mặt càng đông thì cơ hội cho các đảng cực hữu hay dân tuý càng nhiều hơn bởi những người ủng hộ các đảng này luôn rất tích cực đi bầu.
Đó là lí do mà cả bà Merkel lẫn ông Schulz đều đang kêu gọi cử tri Đức đi bầu đông đảo để ngăn chặn nguy cơ thăng tiến của đảng cực hữu như Tương lai cho nước Đức – AfD hay đảng Cánh tả - Die Linke theo đường lối cực tả.
Ổn định nhưng thiếu tầm nhìn?
Hiện tại thì bà Merkel vẫn đang tận hưởng một chỉ số uy tín cao hơn hẳn mọi đối thủ chính trị khác. Gần 2/3 dân Đức vẫn đánh giá bà đang làm tốt công việc. Khoảng 59% dân Đức hài lòng với thực trạng hiện nay của nền kinh tế Đức và cho rằng đất nước này đang đi đúng hướng, và có đến 80% cảm thấy nước Đức đang ở trung tâm của bàn cờ chính trị quốc tế, đặc biệt tại châu Âu.
Dân Đức thường ưa thích sự ổn định và bà Merkel là một minh hoạ thành công của sự ổn định và dễ dự báo về mặt chính sách. Đó là lí do mà bà Merkel luôn giữ được vị thế chính trị vững vàng trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Tất nhiên, là không phải không có những lời chỉ trích. Chính vì việc bà Merkel quá đề cao sự ổn định, ở cả đối nội lẫn đối ngoại thông qua "mô hình Đức", nên bà Merkel bị các đối thủ chỉ trích là thiếu tầm nhìn, hay thiếu các quyết sách mang tính táo bạo.
Các chỉ trích nặng nhất tập trung vào các việc như chính phủ của bà Merkel chỉ vì muốn thặng dư ngân sách nên quá tiết kiệm trong việc đầu tư công, trong khi Đức là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới và thặng dư thương mại hàng năm luôn ở con số vài trăm tỷ euro. Việc ít chi tiêu công này bị cho là khiến cho cơ sở hạ tầng của Đức xuống cấp và chất lượng người dân không được cải thiện cho tương xứng.
Vấn đề thứ hai mà bà Merkel bị chỉ trích, là chính sách tiếp nhận tị nạn. Đây là chủ đề rất nhạy cảm và dù chính phủ của bà Merkel xử lý tương đối tốt trong vài năm qua nhưng các phe đối lập và người phản đối vẫn cho rằng việc bà Merkel mở cửa biên giới Đức cho hàng triệu người tị nạn sẽ khiến môi trường an ninh Đức bị đe doạ và làm gia tăng căng thẳng xã hội.
Đại liên minh và tiểu liên minh
Đến thời điểm này, thực tế thì giới phân tích chính trị tại Đức và châu Âu đều cho rằng, thách thức lớn nhất của bà Merkel và đảng CDU không phải là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24/9 mà là sau đó sẽ thành lập liên minh với đảng nào ?
Kịch bản được nói đến nhiều nhất là một "Đại liên minh", tức gồm CDU-CSU và cả SPD, tức đối thủ chính của CDU. Ưu điểm của "Đại liên minh" này là tính ổn định, nhưng vấn đề là trong con mắt của đa số dân chúng Đức, liên minh 3 đảng lớn này quá nhàm chán và giết chết các tranh luận chính trị trong nước.
Bản thân đảng SPD cũng có thể sẽ không chấp nhận thêm 4 năm nữa sống trong cái bóng của đối thủ lớn nhất của mình là CDU. Chính ông Schulz tuần trước đã đưa ra 4 điều kiện liên minh với CDU-CSU và tự nhận xét là sẽ khó có khả năng bà Merkel chấp nhận 4 điều kiện đó.
Các kịch bản tiếp theo là liên minh với các đảng nhỏ hơn như đảng Dân chủ tự do – FDP hay đảng Xanh. Nhưng với các đảng này, khúc mắc lại nằm ở khía cạnh đối ngoại, tức là các đảng này có các quan điểm rất mâu thuẫn, đôi khi không khoan nhượng, với CDU-CSU hay với các đối tác lớn của Đức ở châu Âu, như Pháp, về các chủ đề liên quan đến cải tổ Liên minh châu Âu.
Vì thế, chọn đảng nào để liên minh sẽ là bài toán phức tạp với bà Merkel. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là bà Merkel sẽ không liên minh với hai đảng thiên tả và thiên hữu là đảng Cánh tả-Die Linke và đảng Tương lai cho nước Đức – AfD.
Bộ đôi Merkel-Macron chực chờ hành động
Đức là cường quốc số 1 châu Âu và bà Angela Merkel được đa số xem như là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu. Vì thế, nếu bà Merkel thắng và tiếp tục tại vị thì đó là tin tốt lành cho Liên minh châu Âu bởi cuộc tổng tuyển cử tại Đức là sự kiện chính trị then chốt cuối cùng của châu Âu trong thời gian qua, sau vụ Brexit và bầu cử Tổng thống Pháp.
Tình hình hiện tại đang rất thuận lợi cho châu Âu bởi tại Pháp, ông Macron đã và đang thể hiện là nhà lãnh đạo ủng hộ nhiệt thành cho Liên minh châu Âu và ông Macron cũng đã kịp xây dựng mối quan hệ cá nhân khá tốt với bà Merkel. Bộ đôi Merkel-Macron được xem như đã định hình và chỉ chờ sau cuộc bầu cử tại Đức là hai đầu tàu Đức-Pháp sẽ phát động các cải tổ mạnh tại châu Âu.
Tại Pháp, ông Macron thậm chí đã chuẩn bị sẵn bài diễn văn về các dự định cải cách Liên minh châu Âu và sẽ công bố ngay sau khi bầu cử Đức kết thúc.
Vì thế, về tổng thể, sẽ không có các biến động lớn tại châu Âu theo hướng tiêu cực nhưng có thể bộ đôi Merkel-Macron sẽ đẩy nhanh tốc độ cải cách Liên minh châu Âu, đặc biệt trên khía cạnh chính trị-quốc phòng bởi bà Merkel có sự phản ứng rất mạnh mẽ với các chính sách mới của Mỹ với châu Âu sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.
Nhiều khả năng thế giới sẽ được chứng kiến một châu Âu quyết đoán và độc lập hơn trong thời gian tới, dưới sự dẫn dắt của bộ đôi Merkel-Macron./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|