Bẫy iPhone xịn giá bèo: Trò xưa vẫn lừa được khách
Chiêu trò lừa đảo tưởng chừng “xưa như Trái đất” nay tiếp tục trở lại dụ dỗ những người dân nhẹ dạ cả tin, ham đồ xịn giá rẻ.
“Bán iPhone xịn giá bèo” là chiêu trò lừa đảo đã được cảnh báo từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn không ít người dính chấu. Cụ thể, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này là giả vờ làm người bán vé số, người lao động nghèo nhặt được iPhone xịn nhưng không biết dùng muốn bán lại hoặc người sa cơ dọc đường muốn có lộ phí về quê.
Tôi gặp chị PTH là tiểu thương chợ Tân Mỹ (quận 7, TP.HCM) trong phiên tòa xét xử tại Tòa án quận 4. Trong lúc đợi tòa nghị án, thấy chị có nhiều điện thoại, một người thân ngỏ ý xin một chiếc để dùng. Chẳng nói hai lời, chị rút ngay chiếc iPhone 6 Plus ra cho luôn. Thấy nhiều người trố mắt ngạc nhiên chị bảo: “À, máy Trung Quốc đấy. Gì chứ nghe gọi thoải mái”.
Hỏi ra mới biết vào hồi cuối tháng 3, chị Hương đang uống nước gần nhà thì có bà cụ bán vé số ghé qua bắt chuyện.
“Nói được dăm ba câu, bà cụ run rẩy cầm xấp vé số trên tay, thậm thụt đến chỗ tôi giơ chiếc điện thoại giấu trong túi áo ra bảo vừa nhặt được. Đó là chiếc iPhone 6. Bà bảo không biết dùng nên muốn bán lại với giá 4,5 triệu đồng. Khi tôi vừa cầm lên xem thì điện thoại đổ chuông, bà cụ vội vã yêu cầu tôi tắt máy đi người ta gọi lại đòi máy đấy, rồi bảo không mua thì trả máy lại cho bà. Tôi dự định mua, nếu chủ chiếc điện thoại kia qua mua lại thì tôi trả, không thì tôi dùng, giá iPhone 6 cũng phải hơn chục triệu. Vậy là tôi tin trả tiền luôn. Cứ tưởng mua được giá hời nào ngờ đâu ra tiệm mới biết là iPhone Trung Quốc giá có mấy trăm ngàn”, chị H. kể lại câu chuyện.
Nhìn bề ngoài ít ai biết điện thoại của chị H. là hàng nhái. |
Cũng từng rơi vào trường hợp tương tự là câu chuyện của chị T (quận 4). Cách đây một tháng, đang trên đường về nhà chị gặp thanh niên ăn mặc lịch sự, chạy xe tay ga, nói giọng miền Bắc. Người thanh niên kể chuyện bị cướp mất giấy tờ không còn tiền về quê nên muốn bán lại chiếc iPhone 6 Plus với giá 5 triệu đồng.
Dù chẳng biết gì về máy móc, điện thoại nhưng thấy người đàn ông còn trẻ, nói chuyện đàng hoàng, lại tính thương người nên chị chỉ xem qua điện thoại rồi gật đầu đồng ý giao tiền luôn, không hề cò kè trả giá. “Cứ tưởng vừa giúp mình vừa giúp người ngờ đâu đến tiệm người ta xem bảo đó là điện thoại Trung Quốc có mấy trăm ngàn thôi”, chị T. lắc đầu chán nản.
iPhone “nhặt được” là hàng trôi nổi mua từ Trung Quốc với giá chỉ 500.000-700.000 đồng với bề ngoài y như hàng xịn. Nạn nhân do thiếu hiểu biết nên dễ tin là điện thoại iPhone thật, nghĩ mình gặp may vì mua được chiếc điện thoại xịn với giá rẻ nên tâm lý muốn mua nhanh bán nhanh. Thậm chí có trường hợp còn hào phóng cho thêm kẻ lừa đảo vài trăm ngàn vì thương hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau khi kẻ lừa đảo đã biến mất, nạn nhân khi xem kỹ máy hoặc nhờ người khác kiểm tra mới biết mình bị lừa.
Không phải ngẫu nhiên cha ông ta có câu “Của rẻ của ôi”. Tất nhiên không phải cứ hàng rẻ là hàng không tốt, kém chất lượng nhưng việc đề phòng cảnh giác không bao giờ là thừa để tránh tiền mất tật mang.
Ngày 16-9-2013, Công an phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã tạm giữ 2 người phụ nữ chuyên mượn danh nghĩa đi bán vé số để lừa bán iPhone giả cho khách. Cả hai khai tên Triệu Thị Phượng (SN 1982), Lưu Thị Dư (SN 1969) cùng quê Vĩnh Phúc. Ngày 20-5-2015, Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) cho biết đã bắt giữ nghi can Doãn Văn Khanh (44 tuổi) và 3 người khác (đều quê Vĩnh Phúc) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an cũng tạm giữ gần 300 chiếc iPhone dỏm của nhóm nghi can này. Vào 2-10-2015, Công an phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi bắt, xử lý đối tượng lừa bán điện thoại iPhone 5s giả trên địa bàn. Nghi phạm là Phạm Thị Hảo (SN 1981, quê Vĩnh Phúc). |
Theo Pháp Luật