BBC nêu nghi vấn MH17 bị chiến đấu cơ Ukraine bắn hạ
Trong bộ phim tài liệu gây tranh cãi dự kiến phát sóng vào tháng 5 tới, BBC đưa ra khả năng máy bay chiến đấu Ukraine đã dùng tên lửa bắn hạ MH17 năm 2014.
Máy bay MH17 được ghép lại từ các mảnh vỡ. Ảnh: Reuters |
Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines bị nổ tung trên bầu trời miền đông Ukraine, khi đang trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, làm toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
"Có thông tin của nhân chứng cho biết nhìn thấy một máy bay khác bay cạnh MH17, đủ gần để va chạm", tuyên bố của BBC cho biết về bộ phim tài liệu có tiêu đề "The Conspiracy Files: Who Shot Down MH17" . "Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau trong vụ việc nhưng cả hai không thể cung cấp được dữ liệu radar xác đáng vào ngày hôm đó".
BBC cũng phân tích khả năng có bàn tay đạo diễn của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA để đổi lỗi cho Nga. Đầu tháng này cảnh sát Ukraine đã bắt một người đàn ông bị tình nghi giết người đứng đầu cơ quan pháp y Oleksandr Ruvin. Ông bị bắn vào năm ngoái nhưng may mắn thoát chết. Giới chức tin rằng vụ bắn Ruvin có liên quan đến vai trò của ông trong cuộc điều tra MH17.
"Gia đình các nạn nhân không tin lời giải thích chính thức và vẫn còn một chặng đường dài để mang công lý đến cho các nạn nhân. Chương trình này theo đuổi các nhân chứng, và nói chuyện với các nguồn tình báo bí mật để cố gắng tìm ra sự thật từ những điều hư cấu", theo tuyên bố của BBC.
Các nhân chứng cho biết họ nhìn thấy hai máy bay chiến đấu của Ukraine trong vụ việc."Có hai máy bay nhỏ xíu nhìn như đồ chơi bay ra. Một chiếc bay thẳng, chiếc còn lại bay vòng lại nơi nó đã tới", nhân chứng Natasha Beronina cho biết. Cô đang cùng những người khác đang thu hoạch trên đồng vào ngày MH17 rơi. Cô cũng nghe thấy tiếng nổ.
Nhà báo điều tra người Đức Billy Six cho biết có 7 người trong số 100 nhân chứng nói với ông về việc máy bay chiến đấu Ukraine xuất hiện khi MH17 rơi. "Một số người thậm chí còn nói họ nhìn thấy tên lửa bắn ra từ máy bay Ukraine. Nó giống như một đường vạch nhỏ trên bầu trời, xuyên qua các đám mây, sau đó là tiếng nổ lớn vang lên", ông nói.
Trong khi đó, truyền thông Nga cáo buộc Đại úy phi công Vladislav Voloshin của quân đội Ukraine là người bấm nút tên lửa bắn hạ MH17. Báo Nga trích dẫn nguồn tin từ một thợ máy làm việc tại căn cứ không quân Ukraine ở miền nam, cho biết chuyến bay của Voloshin diễn ra cùng thời điểm MH17 gặp nạn.
Sergey Sokolov, nhà điều tra độc lập người Ukraine còn cáo buộc CIA và cơ quan an ninh Hà Lan đã hợp tác để đặt bom trên MH17. Vụ khủng bố được dàn dựng để tăng cường vị thế cho phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Sokolov lập luận, việc MH17 gặp nạn thảm khốc là cái cớ để dân châu Âu tin rằng Nga là quốc gia dã man, cần phải trừng phạt Nga cũng như cho thấy sự cần thiết phải để NATO hiện diện quân sự tại Ukraine.
Bản báo cáo cuối cùng của Ủy ban An toàn Hà Lan công bố hôm 13/10/2015 kết luận máy bay Boeing mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bằng loại tên lửa BUK do Nga sản xuất tại khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, báo cáo không kết luận lực lượng nào đã bắn quả tên lửa định mệnh.
Mỹ, phương Tây và chính quyền Ukraine cho rằng phe ly khai thân Nga đã bắn hạ MH17 bằng tên lửa do Nga viện trợ. Moscow bác bỏ những cáo buộc trên và tố cáo chính quân đội Ukraine, sở hữu nhiều tên lửa BUK, đã bắn rơi chiếc máy bay rồi đổ lỗi cho Nga.
Theo VNE