Xã hội

Bền bỉ nghề đan lát ở Đà Lam

An Nam 23/10/2024 16:24

Tuy không còn nhộn nhịp, tất bật như thời hưng thịnh, nhưng nghề đan lát ở Đà Lam, xã Đà Sơn (Đô Lương) vẫn được duy trì, không chỉ đem lại thu nhập cho người dân theo nghề, mà còn góp phần gìn giữ nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời ở địa phương.

bna_1..jpg
Theo người dân địa phương, nghề đan lát đã có ở làng Đà Lam từ lâu đời. Ngày trước, làng có hàng trăm hộ dân theo nghề, sản xuất nhiều loại sản phẩm như nong, mẹt, khau, nơm, dè (cót), bồ, phên, rèm, lồng nhốt gà trọi... Hàng được nhập cho hợp tác xã, được đưa đi bán khắp các chợ quê ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... Ảnh: An Nam
bna_2..jpg
Ngày đó, tùy vào từng thời điểm mà bà con tập trung vào một số sản phẩm nhất định như làm cót, làm phên che gạch... Khi sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công bị cấm (2010), nghề đan phên nứa che gạch ở Đà Lam theo đó cũng bị mai một. Phần lớn các hộ dân ở đây đã bỏ nghề, chuyển nghề. Hiện nay tính cả làng, số người theo nghề đan lát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Hóa (72 tuổi) ở xóm 6, xã Đà Sơn mặc dù tuổi cao, hàng ngày bà vẫn cần mẫn ngồi chẻ nứa đan cót. Mỗi ngày trung bình bà đan được 1 -2 tấm. Bà vừa làm theo đơn đặt hàng, vừa làm sẵn. Giá cót bán tại nhà, cót cật 110 nghìn đồng/tấm, cót ruột 50 nghìn đồng/tấm. Ảnh: An Nam
bna_3.jpg
Bà nguyễn Thị Nhiên (62 tuổi) ở xóm 6, xã Đà Sơn theo nghề đan lát đã mấy chục năm nay chia sẻ: Các con đi làm ăn xa, mỗi mình bà ở nhà làm 5 sào ruộng, 3 sào đất vẫn tranh thủ làm nghề. Bà chuyên đan phên nứa phục vụ các hộ làm nghề tráng bánh đa trong huyện. Mỗi ngày vừa chẻ nứa, vừa đan, bà có thể đan được 6 - 7 tấm phên. Mỗi tấm bán được 35 - 40 nghìn đồng. “Nghề đan phên nứa thu nhập không cao, nhưng duy trì cũng vui cửa, vui nhà, vừa kiếm được tiền để chi tiêu, mua giống, mua phân… phục vụ nông nghiệp, gọi là góp gió thành bão” – bà Nhiên tâm sự. Ảnh: An Nam
bna_4..jpg
Ông Nguyễn Công Hiến (74 tuổi) người dân cùng xóm, tuy mới vào nghề tầm chục năm nay, nhưng ông khá thành công trong nghề đan rèm nứa. Ông đan cả phên lẫn rèm, nhưng đan rèm là chủ yếu. Ông Hiến cho rằng, đan phên thì nhiều người làm được, còn đan rèm khó nên cả xóm nay chỉ có 2 người làm, nhưng bán được giá, nên ông đầu tư vào làm rèm. Ảnh: An Nam
bna_5.jpg
Theo ông Hiến, rèm có 2 loại: rèm đơn và rèm kép, thường dùng để treo trước nhà ở, nhà thờ họ, quán cà phê, các di tích… Để đan 1 chiếc rèm phải qua nhiều công đoạn, như chẻ nan, đan, nêm, nẹp vành, nức dây, khò sạch, phun sơn… khá công phu. Ông nhận làm rèm nứa cho khách hàng ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Ảnh: An Nam
bna_6-d58a7e883aa35671f28cba49c41eaede.jpg
Một số người cao tuổi, bị bệnh tật bẩm sinh như ông Nguyễn Công Yên (65 tuổi) ở xóm 6, xã Đà Sơn hàng ngày vẫn đan phên, đan nống để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: An Nam
bna_7.jpg
Trải qua nhiều giai đoạn thịnh suy của làng nghề, một số người dân Đà Lam vẫn giữ nghề truyền thống. Ông Nguyễn Công Độ (71 tuổi) xóm 6, xã Đà Sơn là người có thâm niên hơn 50 năm trong nghề đan lát. Ông khéo tay đan được nhiều loại sản phẩm như nong, mẹt, bồ, dè, rèm... Ảnh: An Nam
bna_8.jpg
Ông Độ là người có tay nghề cao trong việc làm rèm tre ở Đà Lam với kỹ thuật tạo hoa văn đẹp mắt. Xung quanh sân nhà ông hiện treo rất nhiều rèm tre để che nắng và trang trí. Ảnh: An Nam
bna_9.jpg
Quy mô của làng nghề xưa giờ chỉ còn chưa đầy chục hộ hoạt động nhỏ lẻ ở giữa làng. Sản phẩm của làng nghề cũng không còn phong phú, đa dạng như thời hưng thịnh. Mỗi người tùy vào hoàn cảnh, sở trường mà sản xuất những mặt hàng thích hợp, như phên nứa để phơi bánh tráng, rèm cửa, cót... Ảnh: An Nam
bna_10.jpg
Về thăm Đà Lam bây giờ không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập, nhưng dư âm về một làng nghề đã từng “vang bóng” thì vẫn còn trong ký ức. Không ít bà con ở đây vẫn luyến tiếc về một thời đã qua, thời mà nghề đan lát đã giúp được hàng trăm hộ có cơm ăn, áo mặc, nuôi được con cái trưởng thành. Ảnh: An Nam
bna_11.jpg
Trước sự cạnh tranh của những mặt hàng gia dụng làm từ nhôm, nhựa, bà con giáo dân theo nghề đan lát ở giáo xứ Bột Đà chỉ lựa chọn một số sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất là một hướng đi đúng đắn. Trong đó, phên nứa phơi bánh đa là sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh mua với số lượng lớn. Mỗi đơn đặt hàng từ hàng trăm đến hàng nghìn tấm phên, tạo công việc đều tay cho người lao động. Tuy nhiên, rèm nứa lại là mặt hàng “cao cấp” đem lại thu nhập khá hơn cả. Rèm nứa có chất lượng tốt, đảm bảo bền, đẹp, được bà con bán với giá 350 nghìn đồng/m2. Trong ảnh: Mặt hàng rèm nứa của gia đình ông Nguyễn Công Hiến ở xóm 6 xã, Đà Sơn. Ảnh: An Nam
Nghề đan lát ở giáo xứ Bột Đà. Video: An Nam
Mới nhất
x
Bền bỉ nghề đan lát ở Đà Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO