Bệnh đậu mùa khỉ và những nguy cơ cao với người có HIV

Thành Chung (thực hiện)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới ở Việt Nam, hiện đã xuất hiện mầm bệnh trong cộng đồng. Người có HIV, quan hệ tình dục đồng giới nam là nhóm có nguy cơ cao. Nghệ An là địa phương có nhiều nguy cơ bệnh xâm nhập, lây nhiễm.

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh - Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

P.V: Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về bệnh đậu mùa khỉ? Tình trạng lây nhiễm của bệnh trên thế giới và ở Việt Nam?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Bệnh đậu mùa khỉ (có tên khoa học là mpox) là bệnh lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người, đây không phải là bệnh truyền nhiễm mới. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958, nên được đặt tên là đậu mùa khỉ. Ngoài loài khỉ, căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm.

Ở nước ta, theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B.jpg
Bệnh đậu mùa khỉ (có tên khoa học là mpox) là bệnh lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người. Ở nước ta, bệnh đậu mùa khỉ nằm trong danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ảnh: suckhoedoisong

Đến năm 1978, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở người tại Cộng hòa dân chủ Congo. Từ đó đến nay, căn bệnh này trở thành bệnh lưu hành tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi. Năm 2003, đợt dịch đậu mùa khỉ đầu tiên diễn ra bên ngoài châu Phi là ở Mỹ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc và sau đó bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác. Theo CDC Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ chiếm 0-11%.

Từ năm 2018-2021, bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ca mắc ở các quốc gia: Vương quốc Anh, Israel, Singapore, Mỹ… Đến tháng 4/2022 trở đi, dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến bất thường; số ca mắc, số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc tăng lên nhanh chóng. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Và tính đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 91.000 ca mắc tại 115 quốc gia, vùng lãnh thổ với nhiều ca tử vong.

Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm mới. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2022. Ca bệnh xâm nhập từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất vào Việt Nam qua Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất. Tháng 11/2022, Bộ Y tế đã có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Theo Bộ Y tế, tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 57 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (1 ca tử vong) tại 8 tỉnh, thành phố. Tại Việt Nam, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng, nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt, tại các thành phố lớn khác ngoài TP. Hồ Chí Minh.

P.V: Xin bác sĩ cho biết về cơ chế lây nhiễm và các triệu chứng nhận biết người mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Về cơ chế lây, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp; qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Ở nước ta, theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B.png
Dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh đậu mùa khỉ, đó là các trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ. Ảnh: suckhoedoisong

Dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh đậu mùa khỉ, đó là các trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác: Thủy đậu, sởi, nhiễm trùng da, lậu, giang mai... Những người này có một hay nhiều triệu chứng như sốt >38,5 độ C, đau đầu, nổi hạch, đau lưng, cơ, mệt mỏi và có yếu tố nguy cơ trong vòng 21 ngày trước khi có triệu chứng khởi phát. Yếu tố nguy cơ là tiếp xúc với người nghi mắc, mắc thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp da với da hoặc da tổn thương (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với vật dụng của người bệnh; có quan hệ với bạn tình.

Bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường,…). Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.

P.V: Theo những nghiên cứu đã được công bố thì người có HIV tăng nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ, bác sĩ có thể lý giải rõ hơn về điều này?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc gần gũi, thường xuyên da kề da với người mắc bệnh. Vậy nên, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế đã cho thấy, các trường hợp bệnh đã được ghi nhận hầu hết là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM): 78,6%, dị tính (8,9%); khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Anh -Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An trao đổi về nguy cơ dịch bệnh Đậu mùa khỉ xâm nhập vào địa bàn..jpg
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Người nhiễm HIV do có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn những nhóm khác. Ảnh: Thành Chung

Thống kê cho thấy, người nhiễm HIV do có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ hơn những nhóm khác. Người nhiễm HIV có nhiều hành vi nguy cơ gây tăng khả năng phơi nhiễm với mầm bệnh. Bên cạnh đó, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với người bình thường. Và nhóm này cũng có nguy cơ cao nhiễm HIV, nên đôi khi gặp tình trạng đồng nhiễm đậu mùa khỉ và HIV.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh - Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An

Người nhiễm HIV do có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn những nhóm khác. Nếu người nhiễm HIV lỡ tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh hoặc môi trường có thể đã bị nhiễm virus thì hãy theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng trong 21 ngày kể từ lần cuối tiếp xúc. Khi phát hiện có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc… Cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm, tốt nhất là hãy chủ động cách ly bản thân khỏi những người khác.

Người nhiễm HIV thuộc nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao có thể tiêm vắc-xin phòng đậu mùa để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh. Theo nghiên cứu, vắc-xin đậu mùa có thể hạn chế 85% mắc bệnh đậu mùa khỉ và làm giảm mức độ nặng của bệnh.

P.V: Bác sĩ có thể cho biết, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập, lây lan ở Nghệ An? Các giải pháp mà Nghệ An đang triển khai để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Ở thời điểm này, Nghệ An chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào, nhưng phải nói rằng, tỉnh có nguy cơ cao đậu mùa khỉ xâm nhập. Nguy cơ này đến từ các lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện mầm bệnh trong cộng đồng, mức độ giao thương tại tỉnh rất lớn, nên xuất hiện ca mắc xâm nhập trên địa bàn tỉnh từ các tỉnh, thành có ca mắc/mầm bệnh chưa được phát hiện là khả năng rất cao.

Thứ hai, Nghệ An là tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường thủy và đường không, vậy nên, tỉnh có khả năng cao ca mắc xâm nhập từ các nước có ổ dịch vào địa bàn qua các cửa khẩu.

Thứ ba, Nghệ An có nhóm nguy cơ lớn, gồm người nhiễm HIV/AIDS, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (ước tính khoảng 7.000 người). Đây là nhóm người có các hành vi dễ gây ra lây nhiễm.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngay từ khi có dấu hiệu diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An đã quyết liệt triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Tỉnh đã ban hành kịch bản chống dịch theo các mức độ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh.

Thực hiện kiểm dịch các bệnh truyền nhiễm trong đó có Đậu mùa khỉ tại khu vực sân bay, cửa khẩu (2).jpg
Thực hiện kiểm dịch các bệnh truyền nhiễm trong đó có đậu mùa khỉ tại khu vực sân bay, cửa khẩu. Ảnh: Thành Chung

Các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh gồm: Ban hành quy trình, triển khai kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, không để ca mắc, nghi mắc xâm nhập vào địa bàn tỉnh; triển khai giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh da liễu, phụ khoa, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS; triển khai giám sát dựa vào cộng đồng. Ngành Y tế Nghệ An cũng đã tiến hành tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về giám sát, phát hiện, thu dung điều trị, cách ly và xử lý ổ dịch cho 100% trung tâm y tế tuyến huyện và các đơn vị điều trị tuyến tỉnh. Hiện nay, ngành Y tế đang tiếp tục cập nhật, theo dõi tình hình để chỉnh sửa kịch bản chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và địa phương.

P.V: Người dân Nghệ An cần thực hiện những giải pháp nào để có thể chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Anh: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ một cách hiệu quả, mọi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo sự khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cụ thể là thực hiện tốt các hành vi phòng bệnh cá nhân, bao gồm: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; quan hệ tình dục an toàn; không quan hệ với nhiều bạn tình.

Mọi người cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, người có triệu chứng cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Mọi người dân khi phát hiện có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh thông tin đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, tư vấn và hướng dẫn phòng bệnh. Bên cạnh đó, mọi người cần đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Người dân đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ… Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.