Bệnh viện HNĐK Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao vì sức khỏe người bệnh
(Baonghean.vn) - Với những nỗ lực phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã trở thành một địa chỉ tin cậy của người bệnh trong khu vực Bắc Trung bộ. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kỹ thuật đa chuyên ngành để làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu
Ngày 17/6/2020, bà Cao Thị Lý (55 tuổi, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) chính thức được ra viện sau 2 năm điều trị tích cực căn bệnh đa u tủy xương quái ác. Bà Lý rất phần khởi vì tình trạng sức khỏe bản thân đang dần hồi phục nhanh chóng. Bà Lý kể: Năm 2018, bà thấy trong người đau đớn, mệt mỏi. Đi khám ở bệnh viện tuyến huyện, sau khi xét nghiệm các bác sĩ ở đây đã cho biết bà bị thiếu máu và yêu cầu nhập viện điều trị. Sau 1 tuần điều trị tại đây, bà được ra viện nhưng sau đó 3 ngày bà lại cảm giác sức khỏe đang xấu đi. Lần này, bà Lý đã xin chuyển tuyến lên Bệnh viện HNĐK tỉnh.
Bà Cao Thị Lý (55 tuổi, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) đã khỏi bệnh sau 2 năm điều trị tích cực căn bệnh đa u tủy xương quái ác. Ảnh: Thành Cường |
Tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bà Cao Thị Lý được điều trị khỏi một số bệnh sẵn có như đau đại tràng, viêm dạ dày. Nghi ngờ có bệnh liên quan về máu, Bệnh viện HNĐK tỉnh đã đề nghị bà ra Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xét nghiệm. Sau 2 ngày xét nghiệm kỹ càng ở Viện, bà Lý được chẩn đoán mắc bệnh đa u tủy xương - bệnh lý ung thư dòng tế bào. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương yêu cầu bà chuyển tuyến ra Hà Nội điều trị dài lâu. Khi thực hiện thủ tục chuyển tuyến BHYT, bà Lý được thông báo là bệnh viện tỉnh nhà cũng có thể điều trị được. Tin tưởng tay nghề, trình độ của bệnh viện, bà Lý đã quyết tâm ở lại, cùng các y, bác sĩ tại đây chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
Niềm tin của bà Cao Thị Lý đã đặt đúng chỗ. Từ tháng 12/2018 đến nay, bà Lý đã kiên trì điều trị tại Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Bác sĩ Cù Nam Thắng - Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng cho biết: Điều trị cho bệnh nhân Cao Thị Lý, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh ung thư máu. Kỹ thuật này có nhiều khâu đoạn. Đầu tiên, bệnh nhân được điều trị hóa chất từ 4-6 đợt. Khi mà bệnh đã lui hoàn toàn, đủ tiêu chuẩn ghép thì bệnh viện mới đưa vào kế hoạch ghép.
Thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Cao Thị Lý. Ảnh: PV |
Tiếp đó, các bác sỹ sẽ dùng hóa chất, dùng thuốc để kích hoạch tế bào gốc để tế bào gốc sinh ở tủy và huy động ra máu ngoại vi, rồi dùng hệ thống máy tự động chiết tách tế bào gốc lấy từ chính người bệnh đưa vào bảo quản lưu trữ. Các bác sỹ sẽ tiến hành diệt tủy cho người bệnh bằng hóa chất liều cao, tức là diệt toàn bộ tế bào ác tính có trong tủy, thậm chí là các tế bào lành tính, bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Tiếp nữa, người bệnh sẽ được truyền lại lượng tế bào gốc được chiết tách từ máu ngoại vi, được hỗ trợ bằng các loại thuốc. Trong quá trình này, bệnh nhân không còn sức đề kháng nên được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, đảm bảo vô trùng. Sau ghép, từ 6-12 ngày, tế bào tủy ở bệnh nhân sẽ mọc lại; từ 12-20 ngày, bệnh nhân dần hồi phục các chỉ số.
Bác sỹ Cù Nam Thắng khẳng định: Quá trình ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị đa u tủy xương cho bệnh nhân Cao Thị Lý hoàn toàn đúng theo tiên lượng ban đầu. Đến ngày thứ 20 sau ghép, tất cả các chỉ số của bệnh nhân Cao Thị Lý đều trở về bình thường; tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định; bệnh nhân chủ động trong mọi sinh hoạt và có thể ra viện. Có thể nói, bệnh nhân Cao Thị Lý đã khỏi bệnh hoàn toàn.
PGS.TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An căn dặn người bệnh được điều trị khỏi bệnh đa u tủy xương những lưu ý cần thiết trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Đức Anh |
Trước bệnh nhân Cao Thị Lý, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cũng đã điều trị khỏi cho 1 bệnh nhân khác cũng bị mắc đa u tủy xương bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc này. Đó là bệnh nhân Cao Thị Thu (45 tuổi, phường Trường Thi, TP. Vinh). Bệnh nhân Thu được ghép tế bào gốc vào ngày 17/3 và đến ngày 16/4 đươc xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình cũng như tập thể y, bác sỹ bệnh viện.
PGS. TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho hay: Để có thể thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư máu, bệnh viện đã được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương giúp đỡ đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ. Về phía bệnh viện đã nỗ lực chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như máy móc thiết bị đáp ứng cho kỹ thuật này. Ghép tế bào gốc tự thân là một kỹ thuật mới, chuyên sâu của chuyên ngành huyết học - truyền máu đã từng được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân ung thư máu nói chung, đặc biệt là bệnh đa u tủy xương và bệnh u lympho. Việc bệnh viện làm chủ kỹ thuật này đã mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân ung thư máu được điều trị bằng phương pháp mới, tiên tiến ngay tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, giảm bớt chi phí điều trị, đi lại cho bệnh nhân”.
PGS.TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An tặng hoa chúc mừng bệnh nhân ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu đầu tiên. Ảnh: Đức Anh |
Được biết: Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên được chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư máu và cũng là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất đến nay làm chủ kỹ thuật này. Chi phí để điều trị cho 1 bệnh nhân mắc đa u tủy xương bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân rơi vào khoảng 700 - 800 triệu đồng. Chi phí điều trị được bảo hiểm y tế thanh toán 100%.
Chuẩn vàng điều trị đột quỵ
Trong tháng 6/2020 này, Bệnh viện HNĐK Nghệ An còn được nhận được tin vui từ những nỗ lực phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Cụ thể là, lần thứ hai liên tiếp, Trung tâm Đột quỵ được đón nhận danh hiệu Chứng nhận chuẩn Vàng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới trao tặng.
TS.BS Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An chia sẻ các tiêu chuẩn chất lượng điều trị. Ảnh: Thành Cường |
Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ thế giới là một vinh dự hết sức to lớn. TS.BS Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Để đạt được các tiêu chuẩn này, bệnh viện phải thỏa mãn nhiều tiêu chí khắt khe về quy trình điều trị cấp cứu đột quỵ cấp, khả năng huấn luyện và đào tạo nhân lực, trang thiết bị chẩn đoán, sự phối hợp giữa các khoa liên quan trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Cụ thể, bệnh viện phải đạt 7 tiêu chí: Thời gian nhập viện đến khi được điều trị tái thông dưới 60 phút; tỷ lệ điều trị tái thông 5-15%, trong tổng số bệnh nhân nhập viện; tỷ lệ bệnh nhân được chụp MRI/CT Scanner trên 85%; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện trên 80%; tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện trên 80%; tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại khoa đột quỵ trên 80%; bệnh nhân đột quỵ cần được điều trị tại Đơn vị đột quỵ hoặc Phòng Hồi sức tích cực trong suốt thời gian nhập viện.
Hàng năm, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có khoảng 80% trường hợp bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não. Ảnh: Thành Cường |
Theo thống kê, hàng năm Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có khoảng 80% trường hợp bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não. Trong nhóm này, khoảng 5 - 10% bệnh nhân nhập viện còn trong giờ vàng và được điều trị tái thông (thuốc tiêu huyết khối và can thiệp mạch)... Ngày 1/1/2019, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được thành lập. Cũng trong năm 2019, sau khi đăng ký tham gia chương trình theo dõi của Hội Đột quỵ thế giới, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã cập nhật thông tin điều trị bệnh nhân một cách thường xuyên, liên tục. Nhờ vậy chất lượng điều trị không ngừng được cải thiện.
Can thiệp mạch não tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
TS.BS Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ: Một số tiêu chí của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An vượt hơn tiêu chuẩn vàng và chạm mốc tiêu chí bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới. Ví dụ như tiêu chí “thời gian bệnh nhân được nhận điều trị tái thông kể từ lúc nhập viện”, hiện tại trung bình chỉ khoảng hơn 40 phút. Một số trường hợp bệnh nhân được điều trị tái thông chưa đầy 30 phút sau khi nhập viện.
Đối với điều trị đột quỵ cấp, thời gian là một yếu tố vô cùng quan trọng, điều trị càng sớm bệnh nhân càng được hưởng lợi, cải thiện di chứng về sau. Điều này ghi nhận nỗ lực rất lớn của đội ngũ y bác sỹ, nhân viện y tế bệnh viện trong công tác điều trị cấp cứu đột quỵ cấp. Ngoài ra một tiêu chí quan trọng khác là tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái thông. So với tiêu chuẩn vàng là 5% thì hiện tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã đạt 8%.
Hiện bệnh viện đang tiếp tục cố gắng đẩy mạnh thông tin, truyền thông cho cộng đồng về đột quỵ, góp phần nâng cao tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái thông, giúp cải thiện hơn nữa chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ.
TS.BS Phạm Hồng Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh: Thành Cường |
Sự kiện Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An đạt chứng nhận tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới đã khẳng định rõ đây là địa chỉ để tin cậy trong điều trị đột quỵ với chất lượng tiệm cận với các trung tâm đột quỵ trên thế giới.
Từ trước tới nay, bệnh viện luôn xem việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ bệnh viện nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng tiếp tục khẳng định: Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đa chuyên ngành, đa lĩnh vực nhằm xứng tầm bệnh viện khu vực Bắc Trung bộ, bệnh viện hạng đặc biệt theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Trong những năm tới, bệnh viện tiếp tục duy trì nâng cao những kỹ thuật đã phát triển trước đây, ví dụ: Trong năm 2020, bệnh viện sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu đó là: ghép tế bào gốc tự thân, phẫu thuật robot trong phẫu thuật cột sống và ghép thận. Trong những năm tới, bệnh viện tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao như: phẫu thuật tim với đường mổ nhỏ; phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ ở những vị trí phức tạp hơn như động mạch chủ ngực, phẫu thuật bắc cầu chủ - vành; Từ chỗ ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, bệnh viện sẽ tiến tới ứng dụng robot trong chuyên ngành ngoại khoa khác; tiếp tục phát triển Trung tâm hỗ trợ sinh sản, phấn đấu trong nhiệm kỳ có thêm 500 cháu ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; thực hiện ghép tế bào gốc trong điều trị các bệnh ung thư khác... Mỗi năm, bệnh viện sẽ cố gắng phấn đấu phát triển từ 5-10 kỹ thuật của tuyến Trung ương nhằm nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh của nhân dân tỉnh nhà và trong khu vực.