Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống trẻ sinh non bị dị tật khe hở thành bụng, nội tạng ngoài cơ thể
(Baonghean.vn) - Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phẫu thuật, cứu sống trường hợp trẻ sơ sinh non yếu, bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng, nội tạng nằm ngoài cơ thể, dị dạng ruột.
Theo đó, mẹ bé là sản phụ T.N.Q.N. (thường trú tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mang thai lần 2. Trong quá trình mang thai, sản phụ không đi khám, siêu âm sàng lọc thai kỳ thường xuyên. Ngày 22/3, sản phụ sinh thường bé trai trong tình trạng sinh non (35 tuần tuổi), nhẹ cân (2,4 kg) tại bệnh viện huyện. Sau sinh, các bác sĩ phát hiện trẻ không có cân cơ, da thành bụng, có biểu hiện thoát vị khe thành bụng (toàn bộ ruột nằm ngoài ổ bụng). Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Bệnh nhi nhập viện với thể trạng suy dinh dưỡng, non yếu, hạ thân nhiệt, có dấu hiệu thiếu dịch, suy hô hấp, tiên lượng nặng. Dị tật khe hở thành bụng khiến dạ dày, toàn bộ ruột non và đại tràng của trẻ thoát vị ra ngoài ổ bụng. Dạ dày, các quai ruột non của bé bị giãn, dị tật bất thường; phần lớn ống tiêu hoá từ tá tràng đến trực tràng không rõ hình dạng, các quai ruột có cấu trúc bất thường.
Các bác sĩ Hồi sức tích cực Ngoại khoa đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn với chuyên Khoa Ngoại. Tại đây, bệnh nhi được chỉ định chăm sóc toàn diện, sưởi ấm, hồi sức tích cực, thở máy, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và thực hiện những cận lâm sàng cần thiết. Sau 2 giờ hồi sức tích cực, nhận thấy tình trạng của bé ổn định, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật khâu treo túi vô khuẩn cho trẻ. Mười ngày sau, toàn bộ ruột của bé đã nằm gọn trong ổ bụng, bệnh nhi được lên chương trình phẫu thuật lần 2 để đóng lại thành bụng. Sau khi phẫu thuật bé được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa, đảm bảo các quy trình vô khuẩn.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Đây là ca phẫu thuật đặc biệt vì trẻ sinh non tháng, nhẹ cân nên chức năng các cơ quan (tim, phổi, gan, thận,...) thường chưa tốt, chưa hoàn thiện... Vì vậy, áp lực đối với ê-kíp phẫu thuật rất lớn, đòi hỏi độ chính xác rất cao, nhất là đối với các loại thuốc gây mê, dịch truyền… khi đưa vào cơ thể non yếu trẻ phải chính xác đến từng mililit, nếu không nguy cơ ngừng tim, ngừng thở ngay trên bàn mổ là rất lớn. Đồng thời, quá trình hồi sức sau mổ của bệnh nhi hết sức khó khăn, trẻ liên tục diễn tiến nặng, vết mổ căng do diện tích ruột lớn, khó liền, viêm phổi nặng.
Trước tình trạng nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi của bệnh nhi, các bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực nhiều đêm thức trắng, điều chỉnh huyết động níu kéo sự sống cho trẻ. Đến nay, sau 2 tháng chăm sóc tích cực, điều trị hiệu quả, bệnh nhi đã hồi phục tốt, thông đường tiêu hóa, toàn trạng ổn định, được các bác sĩ cho ra viện, hẹn tái khám sau 1 tháng./.