Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn nguy hiểm

Hoàng Yến 07/09/2023 09:42

(Baonghean.vn) - Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa điều trị thành công, cứu sống một bệnh nhi bị uốn ván nặng… Bệnh nhi được sinh tại nhà, người nhà tự dùng kéo để cắt dây rốn cho bé.

Bệnh nhi X.D.P là con thứ 4 của một gia đình ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Bệnh nhi chào đời đủ tháng, được đẻ tại nhà, người thân tự đỡ đẻ cho sản phụ. Sau sinh, gia đình tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo thường.

6 ngày sau sinh, bệnh nhi X.D.P bú kém, ngủ li bì. 3 giờ sáng ngày 13/7, bệnh nhi quấy khóc liên tục, bỏ bú, co giật toàn thân, gồng cứng người. Gia đình đã đưa bệnh nhi vào Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn. Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã nhanh chóng chuyển tuyến cấp cứu đưa bệnh nhi xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.

Qua thăm khám, khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết: Gia đình đã tự sử dụng kéo để cắt rốn cho trẻ; trong quá trình mang thai, mẹ bé không tiêm phòng uốn ván…

bna_Ảnh Hoàng Yến (1).jpg
Sau khi được điều trị tích cực, sức khoẻ bệnh nhi X.D.P đã được phục hồi. Ảnh: Hoàng Yến

Bệnh nhi được bác sĩ xác định bị uốn ván rốn và được cách ly điều trị riêng tại khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh trong môi trường phòng bệnh kín, tránh ánh sáng, tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch.

Từ trước tới nay, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn là rất cao. Bệnh nhi X.D.P đã được theo dõi, chăm sóc sát sao và điều trị tích cực bằng các phương pháp thở máy, trung hòa độc tố uốn ván bằng kháng huyết thanh SAT, kháng sinh, kiểm soát co giật và co cứng cơ bằng các loại thuốc an thần kết hợp.

Sau 40 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhi X.D.P đã cai được máy thở, tự thở, tự bú, hết tình trạng nhiễm trùng, hết co giật. Bệnh nhi đã được cho xuất viện về nhà với gia đình. Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã hướng dẫn chi tiết để gia đình chăm sóc đúng cách, theo dõi và tái khám trong thời gian tới.

bna_Ảnh Hoàng Yến (2).jpg
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bệnh nhi trong quá trình điều trị. Ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh cho biết: "Uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao do suy hô hấp cấp và nhiễm trùng. Uốn ván rốn xảy ra với bé X.D.P có thể do dụng cụ cắt rốn tại nhà không đảm bảo vô trùng, môi trường chăm sóc trẻ sơ sinh không sạch sẽ. Hiện tại, số lượng bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván đã giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, khi trẻ đã mắc phải, thì tỷ lệ trẻ được cứu sống rất thấp vì mức độ nguy hiểm của bệnh".

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani, một loại vi khuẩn Gram dương kị khí, bào tử của C.tetani có thể có mặt khắp nơi trong môi trường.

C. Tetani tạo ra ngoại độc tố tác động lên thần kinh trung ương gây co cứng cơ và co thắt điển hình. Vi khuẩn theo các vết thương ngoài da, vết trầy xước do giẫm phải miếng sành nhiễm bẩn hay đinh gỉ xâm nhập vào cơ thể. Tất cả các lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh. Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường là qua đường rốn.

Triệu chứng đầu tiên của uốn ván ở trẻ sơ sinh là bỏ bú hoặc bú rất khó khăn, bé không há miệng được. Sau 24- 72h, giờ triệu chứng ngày càng nặng như cứng hàm liên tục, co cứng toàn thân. Mặt, cổ, lưng, bụng, chân tay đều co cứng, hai tay nắm chặt. Mỗi tiếng động hoặc mỗi lần chạm vào trẻ đều gây toàn thân bé co cứng. Trường hợp nặng sẽ xảy ra những cơn co giật liên tục, có khi ngưng thở, gây tử vong. Quan sát rốn thấy biểu hiện nhiễm trùng rốn: rốn ướt, rỉ nước vàng, có mủ, có mùi hôi, viêm đỏ. Các bà mẹ cần quan sát, phát hiện sớm khi trẻ mới bắt đầu bú kém hoặc rốn rỉ nước để đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị kịp thời.

Hiện tại, tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván là biện pháp hữu hiệu và an toàn cho cả mẹ và con.

Mới nhất
x
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO