Bèo tây 'bức tử' cửa cống thoát lũ chống úng
Hiện nay đang bước vào mùa mưa lũ, tuy nhiên có hàng loạt cống ở Nghệ An đang bị ách tắc bèo tây, rất khó vận hành để tiêu thoát nước lũ chống ngập úng.
Thời điểm này, có mặt tại cống Bara Nghi Quang (Nghi Lộc) thấy bèo tây đổ dồn về dày đặc ở khu vực các cửa cống khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, các công nhân đang phải thay nhau trục vớt và đẩy bèo tây. Ông Hoàng Văn Hương - Trạm trưởng Trạm Bara Nghi Quang, cho biết: Cống Bara Nghi Quang tiêu lũ cho huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP. Vinh và một phần của huyện Nam Đàn.
Cống có 13 cửa được vận hành bằng điện, từ ngày 7/9 đến nay, tất cả đều được kéo lên hết với lưu lượng xả trên 280 m3/s. Khó khăn hiện nay, lượng bèo tây đổ từ các nơi về quá nhiều, hàng ngày đơn vị phải huy động từ 6-8 lao động dùng sào để đẩy bèo tây ngay ở miệng cống cả ngày. Cứ đẩy được tảng bèo này, tảng bèo khác lại kéo về.
Do lượng bèo tây quá nhiều, vì vậy, nếu vào mùa mưa lớn cần thoát lũ nhanh sẽ rất khó khăn. Vấn đề đặt ra hiện nay là đơn vị cần được sự chung tay của cả người dân và chính quyền địa phương hỗ trợ để trục vớt bèo tây, nhanh chóng thông thoáng dòng chảy tiêu thoát lũ hiệu quả trong mùa mưa.
Chưa kể là cống Bara Nghi Quang hiện có nhiều hạng mục xuống cấp, như hầu hết hệ thống cửa van đều bị hỏng, khiến công tác vận hành gặp những hạn chế. Trước mùa mưa bão đơn vị đã phải thuê thợ lặn, máy móc để tháo các nêm chống gia cố bằng gỗ ở cửa van để thông thoáng dòng chảy tiêu thoát lũ. Vào mùa phục vụ sản xuất tưới lúa thì lại phải thuê thợ lặn chèn kín cửa van ngăn mặn.
Cũng thời điểm này, tại cống Bara Bến Thủy (phường Bến Thủy, thành phố Vinh) các công nhân đang nỗ lực dùng sào đẩy bèo tây ngay tại các cửa cống. Ông Lê Đình Nam - Trạm trưởng Trạm quản lý Bara Bến Thủy cho biết: Đây công trình thủy lợi trọng điểm có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ cho địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn.
Công trình này có 10 cửa cống hiện đang xả với mực nước 235 m3/s nhưng bèo tây và các loại thân cây, rác đều đổ về mắc ở cửa cống. Cả tuần vừa qua đơn vị phải cử công nhân mặc áo phao túc trực xuyên đêm để đẩy bèo tây thông thoáng cửa thuận lợi cho tiêu thoát nước.
Ngoài cống tiêu 4B xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu thoát lũ cho các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hồng, Quỳnh Văn, Quỳnh Bá. Hiện nay, tại khu vực cống này bèo tây phủ kín nên rất khó khăn cho công tác tiêu thoát lũ. Vào mùa mưa công nhân tại cống 4B xã Quỳnh Thanh, phải thay nhau để trục vớt bèo tây ngay tại miệng cống này để tiêu thoát lũ.
Trước mùa mưa bão, huyện Quỳnh Lưu đã cho triển khai nạo vét lòng sông Thái với chiều dài 1,5km từ Cầu Giát - thị trấn Quỳnh Lưu đến các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Diện nhằm trục vớt bèo tây, thông thoáng lòng kênh, giảm thiểu ngập úng.
Tại các cống tiêu Diễn Thành, cống Diễn Thuỷ, xã Diễn Ngọc, các công nhân vừa vận hành tiêu thoát nước, vừa tích cực trục vớt bèo tây ngay tại cửa cống.
Đại diện Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Địa bàn Nghệ An hiện có trên 20 hệ thống tiêu lớn nhỏ, như cống Bara Nghi Quang, Bara Bến Thuỷ, cống tiêu Bình Sơn ở xã Quỳnh Hưng và cống tiêu 4B xã Quỳnh Thanh, cống Thượng Xá, cống tiêu Diễn Thành, Diễn Thuỷ…
Hiện nay, chỉ mới cống Diễn Thành được nâng cấp, còn lại hầu hết xuống cấp, khó khăn vận hành trong mùa mưa lũ. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị thủy lợi, công nhân bám sát địa bàn, túc trực 24/24h, xả nước theo phương châm “gạn triều, tiêu úng”; đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa trong mùa mưa bão.