Bèo tây dày đặc trên kênh mương ở Nghệ An gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng tiêu thoát lũ
Hiện tại, Nghệ An đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, song nhiều hệ thống kênh mương trên địa bàn đã bị bèo tây bao phủ dày đặc, gây tắc nghẽn nghiêm trọng, khiến công tác tiêu thoát nước lũ và phòng chống ngập úng gặp không ít khó khăn.
Tuyến kênh Thọ Sơn, một trong những kênh tưới tiêu quan trọng của xã Nghi Lộc, hiện tại ghi nhận thực tế mặt kênh dày đặc lớp bèo tây kéo dài hàng cây số, chắn gần như hoàn toàn dòng nước.
Ông Đặng Xuân Duyệt - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc cho biết: "Tuyến kênh này đảm nhiệm vai trò cấp nước cho 2 trạm bơm trọng yếu là Trạm bơm chợ Cầu tưới cho 295 ha lúa xã Nghi Lộc (thuộc xã Diên Hoa và thị trấn Quán Hành cũ) và Trạm bơm Thọ Sơn tưới cho 600 ha lúa thuộc xã Trung Lộc (xã Nghi Long và Nghi Xá cũ).

Dù trạm bơm chợ Cầu đã được đầu tư nâng cấp toàn diện với 5 tổ máy hiện đại, vận hành công suất đạt 1.300 m³/giờ, nhưng do kênh bị bèo tây chắn nghẽn, việc bơm tưới gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm, xí nghiệp phải huy động lực lượng vớt bèo, song lượng bèo từ thượng nguồn liên tục trôi về khiến tình trạng tái diễn dai dẳng.

Không chỉ kênh mương nội đồng, nhiều dòng sông lớn ở Nghệ An cũng đang bị bèo tây "bức tử". Tại sông Vũ Giang qua địa bàn xã Vân Tụ (thuộc xã Liên Thành, huyện Yên Thành cũ), lớp bèo dày đặc phủ kín bề mặt sông khiến dòng chảy bị chặn đứng.
Bà Trần Thị Tình - người dân địa phương chia sẻ: “Bèo dày như thảm, nước không thể thoát được. Mỗi khi mưa lớn, khu vực này đối mặt với nguy cơ tiêu úng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa cả an toàn đê điều”.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Vân Tụ cho biết, sông Vũ Giang đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho các khu dân cư trên địa bàn. Trước tình trạng bèo tây phủ kín mặt sông, gây cản trở dòng chảy, ngay sau khi sáp nhập địa giới hành chính từ ngày 2/7, chính quyền xã đã tổ chức họp bàn, thống nhất phương án trục vớt bèo tây, nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ, giảm thiểu nguy cơ ngập úng và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới.
Được biết, các xã Hợp Minh, Vân Tụ, Đông Thành nằm trên địa bàn huyện Yên Thành trước đây có khá nhiều tuyến kênh phủ kín bèo tây. Dù trước đây chính quyền và người dân đã triển khai nhiều biện pháp trục vớt, nhưng theo đánh giá, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa xử lý được tận gốc vấn đề.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại sông Cầu Bà đoạn qua xã Quảng Châu (xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu cũ). Bà Nguyễn Thị Tâm - một người dân địa phương bức xúc: “Bèo phủ kín sông, cá, tôm không sống nổi, thuyền bè đánh cá không thể đi lại. Cuộc sống của chúng tôi đang gặp khó khăn bởi loài thực vật này”.
.jpg)
Đáng lo hơn, sự tắc nghẽn này khiến dòng sông dần biến thành dòng nước chết. “Bèo làm nước tù đọng, chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối. Rác thải, xác động vật trôi nổi khiến môi trường ô nhiễm nặng nề”, một người dân khác chia sẻ.
Không chỉ trên sông ngòi, mà tại các công trình thủy lợi trọng yếu như cống Bara Nghi Quang, cống tiêu Diễn Thành, cống Diễn Thủy... bèo tây cũng đang gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Việc vận hành các cống tiêu thoát nước lũ mùa mưa vì thế gặp nhiều trở ngại.
Theo khảo sát, nhiều tuyến kênh mương trọng điểm, sông tiêu lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang bị phủ kín bởi bèo tây, có khả năng sinh sản nhanh, phát triển mạnh trong môi trường nước tù đọng. Việc để bèo phát triển tự do không chỉ cản trở dòng chảy, mà còn gây suy giảm chất lượng nguồn nước, gia tăng ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.
.jpg)
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Đức - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Các địa phương ở Nghệ An cần sớm có giải pháp mang tính bền vững như tận dụng bèo tây làm nguyên liệu sản xuất biogas hoặc phân hữu cơ. Bèo tây (bèo lục bình) có sinh khối lớn, nếu được xử lý và khai thác đúng cách, hoàn toàn có thể sử dụng phối trộn với chất thải chăn nuôi trong công nghệ ủ hầm biogas, góp phần tạo ra năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt và giảm chi phí chất đốt.
.jpeg)
Tuy nhiên, để ứng dụng các giải pháp sinh học này trên diện rộng, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp môi trường đến người dân; đồng thời, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại và cách xử lý bèo tây cũng cần được chú trọng, tránh để loài thực vật này tiếp tục hoành hành, "bức tử" những dòng sông, kênh mương, ảnh hưởng đến tưới tiêu sản xuất.