BHXH bắt buộc với người đi xuất khẩu lao động: Còn thiếu khả thi

16/12/2016 10:24

(Baonghean) - Từ ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 chính thức có hiệu lực, bắt buộc người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH. Tuy được đánh giá là nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh sau này cho người lao động nhưng sau gần một năm triển khai, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập và khó thực hiện.

Nhiều khó khăn

Theo Luật BHXH sửa đổi, quy định về BHXH bắt buộc đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài khá cụ thể. NLĐ tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Với NLĐ đã từng tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng hàng tháng bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Với người chưa tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở tại Việt Nam. NLĐ có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử. Các doanh nghiệp không phải hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ mà chỉ thu hộ.

Tuy nhiên, đã xảy ra những bất cập trong quá trình thực hiện luật. Qua tìm hiểu tại Phòng thu BHXH Nghệ An, bà Trần Thị Hà - quyền trưởng phòng cho biết: Đến nay, vẫn chưa có lao động Nghệ An nào đi xuất khẩu lao động đăng ký nộp BHXH tại cơ quan BHXH. Trong khi đó, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc chịu trách nhiệm thu hộ thì lúng túng không biết phải thu BHXH bắt buộc của NLĐ theo hình thức nào, mức thu cụ thể bao nhiêu, trong trường hợp NLĐ cố tình không đóng thì giải quyết theo hướng nào?

Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Nhật Minh (thành phố Vinh), đơn vị đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước Malaysia, Đài Loan, Trung Đông cho rằng: Hiện nay phần lớn người đi lao động ở nước ngoài là lao động trẻ, chưa từng tham gia làm việc, hay đóng BHXH ở Việt Nam, công ty đã thông báo, giới thiệu về việc tham gia BHXH nhưng hầu như người lao động không muốn tham gia. Họ ít hiểu về chính sách BHXH mà chỉ quan tâm đến các nội dung, kỹ năng khi đi xuất khẩu lao động và các khoản bảo hiểm buộc phải đóng ở nước sở tại.
Người lao động tìm hiểu về XKLĐ Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An.
Người lao động tìm hiểu về XKLĐ Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An.

Còn anh Trần Ngọc Hùng ở xã Nghi Vạn (Nghi Lộc), hiện đang làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ, anh đi xuất khẩu lao động được gần ba năm, nhưng trước đây ở nhà chỉ là lao động tự do cho nên không đóng BHXH, nay thời hạn lao động sắp hết nếu có đóng BHXH bắt buộc theo quy định cũng không biết để làm gì. Chỗ làm của anh có gần chục lao động người Việt Nam, có người mới sang, có người được gia hạn lần hai, nhưng cũng chưa thấy ai tham gia đóng BHXH…

Bên cạnh đó, nhiều NLĐ cũng bày tỏ thắc mắc về mức thu cào bằng 22% trên mức lương cơ sở. Bởi NLĐ làm việc ở các thị trường có mức thu nhập thấp như các nước Trung Đông, Malaysia lại đóng BHXH như người lao động ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc... là chưa công bằng.

Chị Hồ Thị Vân - quê ở huyện Hưng Nguyên, đang làm việc tại Đài Loan cho biết: Chi phí ban đầu đi XKLĐ đã tốn kém nay lại gánh thêm khoản BHXH cũng là gánh nặng. Sau 3 năm hết hạn hợp đồng trở về nước, nếu công việc thuận lợi thì bỏ trên 20 triệu đồng để đóng BHXH cũng không đáng lo ngại. Nhưng nếu không suôn sẻ, chưa trả hết nợ vay ban đầu cho việc chi phí đi XKLĐ thì đóng BHXH lại là chuyện vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, mỗi nước tiếp nhận lao động nước ngoài có những quy định về đóng chế độ bảo hiểm khác nhau nên NLĐ phải tuân thủ nguyên tắc. Chẳng hạn, lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia đều phải đóng các loại bảo hiểm, trừ vào lương hàng tháng. Trong khi đó, nếu làm việc ở Hàn Quốc, NLĐ phải đặt cọc 450 USD để đóng bảo hiểm hồi hương, bảo hiểm rủi ro, thất nghiệp. NLĐ khi phải đóng thêm khoản BHXH bắt buộc này sẽ có suy nghĩ đóng hai lần bảo hiểm, tăng thêm gánh nặng và đó là lý do khiến họ "ngại" tham gia. Hoặc có NLĐ lại lo ngại việc đóng BHXH bắt buộc trong 3 năm đi XKLĐ, khi về nước sẽ gặp rắc rối về thủ tục làm sổ BHXH sau này.

Thiếu chế tài ràng buộc

Theo ông Lê Văn Thúy - Trưởng phòng Lao động Tiền lương BHXH (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), chính sách về BHXH cho người đi xuất khẩu lao động được thiết kế thuận lợi, linh hoạt về cách đóng để không tạo gánh nặng cho người lao động. Nếu tham gia BHXH khi đi xuất khẩu lao động, khi trở về nước, NLÐ có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức họ lựa chọn phù hợp với khả năng để khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Hoặc, khi về nước NLÐ không muốn và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì họ có thể nhận BHXH một lần.

Còn những loại bảo hiểm mà NLÐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đóng tại nước sở tại thường là: Bảo hiểm lao động, bảo hiểm hồi hương, bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm y tế…, để được chi trả các chi phí liên quan khi gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau trong quá trình làm việc tại nước ngoài. Loại bảo hiểm này sẽ được thanh toán một lần khi hết hạn hợp đồng lao động, không phải là loại hình BHXH để hưởng lương hưu, tử tuất như ở Việt Nam.

Tuy vậy, ông Thúy cũng thừa nhận: Luật BHXH và nghị định hướng dẫn cũng chưa có bất cứ điều kiện nào quy định, ràng buộc trách nhiệm của lao động đi làm việc ở nước ngoài về việc tham gia BHXH. Hiện cũng chưa có chế tài nào cưỡng chế số lao động này thi hành quy định tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, rất khó yêu cầu NLÐ tham gia BHXH.

Thực tế, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng luôn đón nhận các quy định mới hướng đến an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi luật được thực thi thì lại vướng nhiều khó khăn khi NLĐ không muốn tham gia BHXH, doanh nghiệp ngại thu hộ. Đây là lý do khiến việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với XKLĐ khó thực hiện và hiệu quả không như mong đợi.

Theo báo cáo của Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ có khoảng 1.500 người lao động (NLÐ) làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH trên tổng số mấy chục nghìn lao động xuất cảnh. Còn thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau gần một năm triển khai quy định của Luật BHXH, hiện có tất cả 4.878 NLÐ ở nước ngoài tham gia BHXH. Con số này quá thấp so với số lượng hơn 100 nghìn lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, và rất thấp so với mấy trăm nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
BHXH bắt buộc với người đi xuất khẩu lao động: Còn thiếu khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO