Bị cáo buộc liên quan đến tấn công khủng bố ở Ấn Độ, Pakistan giữa “tứ bề sóng cả”
(Baonghean) - Sau vụ tấn công khủng bố khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại Kashmir, Ấn Độ đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập Pakistan. Thế nhưng, đây mới là đòn đầu tiên mà Pakistan phải gánh chịu, cái giá lớn hơn là sự “quay lưng” của Mỹ - vốn coi quốc gia Nam Á là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.
Ấn Độ buộc phải “ra tay”
Vụ tấn công nhằm vào đoàn xe quân sự Ấn Độ xảy ra tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát làm 44 binh sĩ thiệt mạng. Nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammad có trụ sở tại Pakistan tuyên bố một thành viên của nhóm đã thực hiện vụ đánh bom liều chết này.
Lực lượng chức năng Ấn Độ điều tra hiện trường sau vụ tấn công. Ảnh: CNN |
Do những yếu tố lịch sử, các vụ đụng độ giữa các lực lượng của Ấn Độ và Pakistan không phải là chuyện hiếm. Nhưng phản ứng của phía Ấn Độ lần này được đánh giá là cực kỳ cứng rắn và gay gắt, không chỉ bởi đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng chính phủ Ấn Độ tại khu vực này, mà còn bởi bối cảnh chính trị Ấn Độ tại thời điểm này.
Chỉ còn hai tháng nữa là Ấn Độ bắt đầu cuộc tổng tuyển cử với sự tham gia của đảng Dân tộc Hindu cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi. Chính sách đối với quốc gia láng giềng Pakistan luôn là một trong những yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến lá phiếu của cử tri.
Trong khi đó, bầu không khí phản đối Pakistan sau vụ tấn công tại Kashmir đang lên rất cao, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trong những tiếng hô vang “tấn công Pakistan”, nhiều cuộc tranh luận nảy lửa trên các kênh truyền hình yêu cầu chính phủ Ấn Độ phải có bước đi trả đũa.
Sức ép trong nước khiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không thể không “ra tay”. Một ngày sau vụ tấn công, Bí thư Đối ngoại Vijay Gokhale đã gặp khoảng 25 trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại New Delhi bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, các quốc gia Nam Á và các đối tác quan trọng khác như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Israel, Canada..., trong đó khẳng định về vai trò của nhóm Jaish-e-Mohammed cũng như yêu cầu chính phủ Pakistan phải có “hành động ngay lập tức và có kiểm chứng” để chống lại nhóm mà Ấn Độ coi là khủng bố này.
Theo giới phân tích, hành động nhằm cô lập Pakistan về mặt ngoại giao mới chỉ là bước đi đầu tiên của phía Ấn Độ, vẫn còn những hành động trả đũa tiếp theo có thể tính đến, tùy thuộc vào phản ứng của dư luận trong nước.
Để “đánh” vào kinh tế Pakistan, Ấn Độ có thể tước quy chế “quốc gia được ưu đãi nhất” dành cho Pakistan - vốn cho phép nước này được hưởng nhiều ưu đãi trong quan hệ thương mại. Ngay lập tức, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Pakistan sang Ấn Độ đã phải chịu mức thuế mới lên tới 200%.
Ngoài ra, các cuộc tấn công quân sự cũng không thể loại trừ. Lực lượng an ninh của Ấn Độ đã được Thủ tướng trao quyền tự do chống lại các hành động bạo lực - động thái được cho là “mở đường” cho các đợt tấn công quân sự nhằm vào Pakistan ngay khi có chỉ thị từ cấp cao.
Kịch bản tấn công quân sự có thể là Ấn Độ chiếm một số điểm cao dọc theo Vành đai kiểm soát giữa hai bên ở khu vực Kashmir để tiến hành các cuộc không kích chính xác vào một số mục tiêu “phi nhà nước” của phía Pakistan.
Mỹ gia tăng sức ép
Phản ứng cứng rắn từ phía Ấn Độ là điều nằm trong dự đoán của Pakistan. Thế nhưng, phản ứng của Mỹ thì có lẽ là không! Dù quan hệ thời gian gần đây không mấy êm ả, nhưng Pakistan vẫn là một đồng minh của Mỹ tại khu vực, có vai trò lớn trong các chiến dịch chống khủng bố tại Nam Á kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 cách đây gần 20 năm.
Vậy mà ngay khi cuộc tấn công xảy ra, bất chấp Pakistan đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc, Mỹ đã công khai bày tỏ lập trường ủng hộ Ấn Độ, chỉ trích Pakistan và khẳng định tăng cường hợp tác chống khủng bố với Ấn Độ.
Để cải thiện khả năng quân sự của Ấn Độ trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ còn đề nghị bán cho nước này máy bay giám sát không người lái Guardian, công nghệ hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu F-18 và F-16.
Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton cũng đã trao đổi với người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval, trong đó hai bên khẳng định sẽ cùng sát cánh để buộc Pakistan phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo nghị quyết của Liên Hợp quốc về chống khủng bố.
Giới phân tích cho rằng, việc nhóm Jaish-e-Mohammad - bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố - nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công đã cho thấy những hạn chế trong chính sách của Mỹ với Pakistan.
Một năm trước đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ hỗ trợ an ninh cho Pakistan, coi đây là một “hình phạt” cho việc Pakistan không có các biện pháp hiệu quả chống lại các nhóm cực đoan.
Nhưng từ đó đến nay, nhiều nhóm cực đoan tại Pakistan vẫn hoạt động công khai, thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các nước láng giềng. Điều này càng ảnh hưởng xấu đến chiến lược của Mỹ tại Nam Á khi nước này đang có kế hoạch rút một nửa quân số khỏi chiến trường Afganistan.
So với chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama, chính quyền của Tổng thống Donald Trump được cho là có cách tiếp cận cứng rắn hơn với đồng minh Pakistan.
Bên cạnh việc cắt viện trợ an ninh, hồi tháng 6 năm ngoái, Mỹ còn thành lập một cơ quan quốc tế gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) để phối hợp ngăn chặn các hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền.
FATF đã đưa Pakistan vào “danh sách xám”, yêu cầu nước này phải giải quyết những lỗ hổng liên quan đến vấn đề tài trợ khủng bố nếu muốn tiếp tục là một thành viên của mạng lưới tài chính quốc tế.
Nhưng những gì diễn ra hiện nay cho thấy sự cứng rắn này là chưa đủ. Hafiz Saeed, một kẻ khủng bố nằm trong “danh sách đen” của Mỹ và Liên Hợp quốc tiếp tục tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Kashmir ở Pakistan, thậm chí còn cố gắng đăng ký tham gia một đảng chính trị vào năm ngoái.
Các ứng cử viên liên quan đến khủng bố và các chiến binh khác cũng đã ra tranh cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, nhómJaish-e-Mohammad đã mở rộng rất nhiều cơ sở…
Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Pakistan sau vụ tấn công. Ảnh: CNN |
Chính vì thế, có nhiều tiếng nói trong nội bộ nước Mỹ thúc giục Tổng thống Donald Trump phải gây áp lực hơn nữa với chính quyền Pakistan sau vụ tấn công làm 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Vì Mỹ cần phải đảm bảo Pakistan thực hiện đúng các cam kết về chống khủng bố trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị rút một nửa quân số khỏi chiến trường Taliban.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn có thể sử dụng một số công cụ khác để gây sức ép với Pakistan, ví dụ như: thu hồi quy chế Đồng minh phi NATO, ban hành lệnh cấm đến Mỹ với một số quan chức cấp cao, từ chối hỗ trợ gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế…
Cho đến thời điểm này, Pakistan vẫn kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc của Ấn Độ cũng như cộng đồng quốc tế về sự liên quan đằng sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào đoàn xe quân sự của Ấn Độ.
Cho dù Pakistan có chứng minh được sự vô can của mình hay không, bối cảnh trong nội bộ Ấn Độ cũng như tại khu vực thời điểm này gần như đã “mặc định” một kịch bản xấu mà Pakistan sẽ phải đối mặt, thách thức cam kết mang lại hòa bình cho khu vực Kashmir của ông Imran Khan sau khi nắm cương vị quyền Thủ tướng Pakistan từ hồi tháng 8 năm ngoái.