Bí đầu ra, các cơ sở chế biến bột cá ở Nghệ An tồn kho hàng trăm tấn
Thời gian gần đây, việc tiêu thụ bột cá khó khăn, khiến các cơ sở chế biến bột cá ở Nghệ An lâm vào cảnh tồn kho, hoạt động cầm chừng.
Có mặt tại một cơ sở chế biến bột cá tại xã Diễn Ngọc thấy bột cá đang chất cao ngổn ngang. Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở chế biến bột cá xã Diễn Ngọc cho biết: Từ đầu tháng 7/2024 lại nay thị trường bột cá làm thức ăn gia súc rất khó tiêu thụ, hiện cơ sở chúng tôi đang tồn kho trên 150 tấn bột cá.
Nguyên nhân bột cá khó bán là do thị trường Trung Quốc thu mua nhỏ giọt. Việc khó tiêu thụ sản phẩm khó khăn, kéo theo hệ lụy là cơ sở phải hoạt động cầm chừng, không dám thu mua nguyên liệu cho bà con địa phương. Ngoài ra, tại Nhà máy bột cá bà Năm tại xã Diễn Ngọc đang tồn đọng gần 200 tấn bột cá do thị trường đang bị “đóng băng”.
Anh Trần Văn Nam, một ngư dân ở xã Diễn Ngọc chia sẻ: Trước đây các loại cá nhỏ phụ phẩm chúng tôi thường bán cho các cơ sở chế biến bột cá rất thuận lợi, nay do khó bán, họ hạn chế thu mua nên không biết bán cho ai.
Địa bàn huyện Quỳnh Lưu, một số cơ sở chế biến bột cá cũng chịu cảnh tương tự. Chủ một nhà máy chế biến bột cá tại cảng cá Lạch Quèn, Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu cho biết: Cơ sở chế biến đạt từ 10 tấn cá/ngày, góp phần thu mua kịp thời thủy sản cho bà con quanh vùng. Tuy nhiên từ đầu tháng 7/2023 đến nay, do đầu ra khó khăn nên hiện nay cơ sở đang tồn đọng trên 300 tấn bột cá. Đơn vị đã chủ động hạ giá bột cá từ 27.000 đồng/kg xuống còn 22.000 đồng/kg nhưng không có ai mua.
Để ứng biến khó khăn, một số cơ sở chế biến bột cá ở Nghệ An đã tìm thị trường nội địa, bán với giá rẻ hơn, tuy nhiên tiêu thụ với số lượng hạn chế. Mặc dù khó khăn nhưng một số cơ sở vẫn đang phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động, tránh thiếu hụt người làm khi đầu ra lại thuận lợi.
Tính đến thời điểm hiện nay, địa bàn Nghệ An có 10 cơ sở chế biến bột cá làm thức ăn gia súc. Những năm qua các cơ sở này góp phần thu gom kịp thời các loại cá nhỏ cho bà con ngư dân cũng như giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Nhưng việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, nên hầu hết các nhà máy phải hoạt động cầm cự, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ số lượng cá nhỏ cho bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh.