Bi kịch vỡ hụi ở quê lúa Nghệ An

Tiến Hùng 06/07/2019 11:33

(Baonghean) - Từ sau cái chết của một nam giáo viên ở xã Khánh Thành, rồi hàng loạt chủ phường hụi, tín dụng đen khác bỗng tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, đã khiến hàng nghìn người dân ở huyện Yên Thành hoang mang, điêu đứng...

Xao xác làng quê

Rạng sáng một ngày đầu tháng 10/2016, người thân bàng hoàng khi phát hiện thầy giáo Nguyễn Hữu V. (38 tuổi, xã Khánh Thành, Yên Thành) tử vong trong tư thế treo cổ trước nhà. Thầy V. lúc đó đang là giáo viên của một trường tiểu học.

Nhưng nhiều năm qua, nam giáo viên này cũng được biết đến như một chủ phường, nằm trong đường dây tín dụng đen. “Ông ấy nhận tiền gửi của người dân, đồng thời cho người khác vay để hưởng chênh lệch”, bà Nguyễn Thị Lan (xã Khánh Thành) nói.

Trước khi tự tử, thầy V. đang nợ người dân ở đây gần một tỷ đồng. Trong thư tuyệt mệnh, nam giáo viên cho biết, do lãi suất quá cao, anh đã cố gắng trả nhưng vài năm qua vẫn chưa hết. “Việc nợ nần, vay mượn vợ con không biết, hoàn toàn do tôi. Không liên quan đến cha mẹ, vợ con tôi”, một đoạn trong thư tuyệt mệnh được thầy giáo V. đăng tải lên Facebook trước khi tự tử.

Căn nhà của một chủ phường hụi ở xã Khánh Thành (Yên Thành) bị người dân bao vây. Ảnh: Tiến Hùng
Căn nhà của một chủ phường hụi ở xã Khánh Thành (Yên Thành) bị người dân bao vây. Ảnh: Tiến Hùng

Vì thầy V. tự tử, nhiều người dân đã gửi tiền cho chủ phường này đành ngậm ngùi chịu mất tiền, chẳng biết đòi ai. Nhưng cũng từ sau cái chết của nam giáo viên này, hàng loạt chủ phường hụi, tín dụng đen khác trên địa bàn huyện Yên Thành cũng lần lượt tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả.

Các vụ vỡ phường hụi thường tập trung tại các xã phía Nam huyện Yên Thành như Bảo Thành, Sơn Thành, Công Thành, Khánh Thành... Đỉnh điểm, chỉ trong vòng 10 tháng, từ tháng 1 đến tháng 10/2018, Công an huyện Yên Thành đã tiếp nhận, điều tra 20 đường dây phường hụi.

Cũng trong khoảng thời gian này, Công an Yên Thành nhận khoảng 50 đơn thư tố giác liên quan đến phường hụi. Tuy nhiên sau đó, không có một cá nhân nào bị khởi tố. Các vụ việc được chuyển qua xử lý dân sự. Trong khi, trước khi tuyên bố vỡ nợ, các chủ phường hụi được cho là đã tẩu tán tài sản. Vì thế người dân đành ngậm ngùi vì đương sự “không còn khả năng chi trả”.

Ông Lê Anh Đào (trái) nói rằng, ông sẽ tiếp tục đi khiếu nại để đòi lại số tiền. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Lê Anh Đào (trái) nói rằng, ông sẽ tiếp tục đi khiếu nại để đòi lại số tiền. Ảnh: Tiến Hùng

Trong 3 năm qua, có hàng nghìn hộ dân ở Yên Thành điêu đứng vì chủ phường hụi bất ngờ tuyên bố phá sản. Các nạn nhân chủ yếu là các tiểu thương buôn bán hoặc những người có người thân đi nước ngoài; tập trung ở các khu vực chợ, dọc Quốc lộ 7A thuộc các xã Bảo Thành, Công Thành, Khánh Thành.

Kể từ sau cái chết của giáo viên ở Khánh Thành rồi việc nợ nần được bỏ qua, không ai truy cứu nữa. Vì thế, các chủ phường hụi mới lần lượt tuyên bố phá sản, nhằm “xù tiền” của chúng tôi”.

Ông Lê Văn Thành (60 tuổi), một người tham gia vào hàng loạt đường dây phường hụi ở Yên Thành nhận định.

Bảo Thành là xã có số lượng người tham gia phường hụi đông đảo nhất. Ở đây kinh doanh phát triển, trong khi người đi nước ngoài cũng đông, vì thế lượng tiền nhàn rỗi rất lớn. Thay vì gửi ngân hàng, vì ham lãi suất, người dân thường gửi tín dụng đen hoặc tham gia phường.

“Có một số thì vỡ nợ thật, vì vay của người này rồi cho người khác vay. Nhưng con nợ sau đó bỏ trốn không lấy được nữa. Nhưng cũng có không ít người lợi dụng vào cơn lốc vỡ phường rồi tẩu tán tài sản và tuyên bố vỡ nợ để chiếm đoạt”.

Ông Nguyễn Hữu Chung - Chủ tịch UBND xã Bảo Thành

Người dân mòn mỏi đòi nợ

Ngày đầu tháng 7/2019, ông Lê Anh Đào (63 tuổi, xã Sơn Thành), lại chuẩn bị đống hồ sơ dày cộp để đi khiếu nại. Trong 2 năm qua, ông Đào đã gửi hàng chục lá đơn, gặp không ít người có thẩm quyền, nhưng đến nay số tiền đã trót gửi vào “quỹ tín dụng” vẫn không lấy được.

Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp vàng bạc này tự sản xuất “sổ tiết kiệm” rồi huy động vốn của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Sau mỗi lần huy động tiền từ người dân, doanh nghiệp phát cho họ một cuốn “sổ tiết kiệm”.

Nhiều người không giữ được bình tĩnh, đòi kéo nhau đến đập phá nhưng chúng tôi quyết ngăn cản. Phải đòi công bằng bằng cách khác. Tôi đang chuẩn bị ra Hà Nội để tiếp tục gửi đơn. Tôi tin pháp luật sẽ công bằng.

Ông Lê Anh Đào (63 tuổi, xã Sơn Thành)

Cuốn sổ này có vẻ bề ngoài rất giống với sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Trong sổ có cả con dấu của Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên. Thời gian đầu, doanh nghiệp này trả lãi suất đều đặn cho họ. Nhiều gia đình tin tưởng, trong khi chưa cần đến tiền, họ tiếp tục dùng tiền lãi suất đó để gửi thêm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, người dân bắt đầu nhận được thông tin doanh nghiệp này “vỡ nợ”.

Vụ việc kéo dài dai dẳng, hàng trăm hộ dân thường xuyên kéo đến nhà vợ chủ tiệm vàng để đòi tiền cũng như lên cơ quan chức năng để đề nghị vào cuộc. Đã có không ít lần, giữa người dân và chủ doanh nghiệp này xảy ra ẩu đả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền mà doanh nghiệp này bị tố cáo chiếm đoạt lên đến 30 tỷ đồng. Hiện nay, các tài sản của vợ chồng chủ doanh nghiệp Phúc Nhiên như ô tô và nhiều căn nhà, đất đai đã được sang tên cho người khác làm chủ. Tuy vậy, vợ chồng này vẫn sống trong căn nhà khang trang này và đi lại bằng ô tô do người khác đứng tên.

Trong khi hàng trăm người dân điêu đứng, chủ tiệm vàng này vẫn sống sung túc trong biệt thự với ô tô sang.  Ảnh: Tiến Hùng
Trong khi hàng trăm người dân điêu đứng, chủ tiệm vàng này vẫn sống sung túc trong biệt thự với ô tô sang. Ảnh: Tiến Hùng

Toàn bộ số tiền hơn 130 triệu đồng mà ông Lê Anh Đào mang gửi vào doanh nghiệp này đều không phải của gia đình. Đó là số tiền của anh, chị, em ông giành dụm, gửi về nhờ ông xây nhà cho một người em. Ông Đào có một người em gái bị tật nguyền, không có gia đình.

“Có người em thì ở nước ngoài, có đứa ở miền Nam gửi về để góp vào làm nhà cho cô ấy. Vì lúc đó dự định chưa xây, tiền cũng không để làm gì nên khi được chủ tiệm vàng vận động thì tôi mang gửi vào đó. Bây giờ mình thì mất tiền mà còn nó thì tuyên bố vỡ nợ những vẫn sống trong biệt thự, đi ô tô sang trọng mà chẳng thấy bị xử lý gì”, ông Đào ngao ngán.

Theo thống kê của Công an xã Bảo Thành, chỉ gần 3 năm qua, tại xã này xảy ra gần 10 vụ vỡ phường hụi, tín dụng đen với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Từng hơn 10 năm làm trưởng công an xã, nay là Chánh văn phòng UBND xã Bảo Thành, xã này như một trung tâm của phường hụi ở Yên Thành.

Ông Võ Trọng Nguyên cho biết

Điểm tên lần lượt các chủ phường hụi, tín dụng đen bị vỡ, trong đó một số hiện đã trốn ra nước ngoài, ông Nguyên nói rằng tình trạng vỡ hụi liên tiếp, bắt đầu xảy ra từ khoảng đầu năm 2016. Chỉ riêng khu vực ở cổng chợ Bộng, đã có 3 nhà vốn là chủ phường, tín dụng đen nhưng bị vỡ.

Sau khi tiệm vàng Phúc Nhiên tuyên bố vỡ nợ không lâu, tiệm vàng Loan Đa do ông Trần Văn Đa làm chủ cách đó khoảng vài chục mét cũng bất ngờ loan tin vỡ nợ. “Hai vợ chồng này sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. Số tiền ước tính khoảng 30 tỷ đồng. Người dân bây giờ cũng chẳng biết tố cáo ai, trong khi vợ chồng đó vẫn gửi tiền về cho bố mẹ để làm nhà”, ông Nguyên cho hay.

Một số chủ phường đã lấy cớ các vụ vỡ phường hụi trước để “xù tiền” của phường viên nhằm trục lợi cá nhân. Nhiều chủ phường thậm chí tuyên bố “sẵn sàng sống nhục hoặc tha hương, thậm chí đi tù ít năm nhưng không chịu trả tiền cho người dân”. Có chủ phường lại lấy cớ tuyên bố vỡ hụi để gán nợ bằng tài sản cho người dân với giá “cắt cổ” vì nắm được tâm lý sợ mất trắng tiền của họ.

Ông Nguyễn Đào Quý - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 3 năm qua có hơn 30 vụ vỡ phường hụi lớn nhỏ chỉ tính riêng ở khu vực các phía Nam huyện Yên Thành. Trong khi hàng nghìn nạn nhân đang điêu đứng, hàng ngày cầm đơn đi khiếu nại hòng đòi lại được những đồng tiền mồ hôi nước mắt thì các chủ phường hụi lại sống cuộc sống sung túc, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Mới nhất

x
Bi kịch vỡ hụi ở quê lúa Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO