Bí mật sau những chiếc vé máy bay giá rẻ

29/01/2016 07:19

Không suất ăn miễn phí, không phương tiện giải trí, thậm chí không có cả một cuốn tạp chí... là cách các hãng hàng không giá rẻ thực hiện, để duy trì chính sách bán vé của mình.

1
Ảnh minh họa

Thời điểm trước năm 2012, rất hiếm những chuyến bay tại Việt Nam có giá vé ở mức dưới 100.000 đồng, ngoại trừ một vài lần bán vé miễn phí của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhân dịp năm mới.

Với đa số người Việt khi đó, trải nghiệm bay trên những đám mây, vượt qua 2.000 km nối hai đầu đất nước chỉ trong 2 tiếng là một giấc mơ. Riêng mức giá vé "trên trời" đã là lý do hợp lý để níu giữ chân họ lựa chọn những phương tiện giao thông quen thuộc như ôtô, tàu hỏa...

Nhưng, mọi chuyện đã khác từ 5 năm trở lại đây, khi giá vé của tất cả các hãng bay nội địa trong nhiều thời điểm giảm xuống mức 7 con số. Hàng loạt mức giá danh nghĩa cũng được các hãng hàng không liên tục chào bán, từ 10.000 đồng, 3.000 đồng, 1 đồng rồi 0 đồng cho chuyến bay trong nước, dưới 10 USD cho chuyến bay quốc tế.

Những yếu tố hình thành một chiếc vé bay giá rẻ

Đại diện một hãng hàng không tiết lộ trong quy định của luật hàng không, các hãng thường phải đăng ký một dải giá được phép bán, nhưng bán trong khoảng nào là tùy vào việc cân đối thu chi. "Ví dụ một hãng đăng ký 12 mức giá trong khoảng từ 100.000 đồng đến 3 triệu đồng thì hãng chỉ được phép tung các mức giá trong khoảng đó. Tuy nhiên, thông thường giá vé máy bay chỉ quy định mức trần, còn để ngỏ giá sàn" - vị này cho biết.

Việc để ngỏ mức giá sàn đã tạo ra mảnh đất đủ rộng cho các hãng hàng không non trẻ, định hướng giá rẻ phát triển tại Việt Nam. Từ công thức của một mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng và công nhận từ Mỹ, tới châu Âu và cả châu Á, thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp đi theo mô hình này, và vươn lên chiếm thị phần tương đương với "người khổng lồ" Vietnam Airlines. Điểm cốt lõi duy nhất của mọi vấn đề là tối thiểu hóa chi phí, bằng mọi cách có thể.

Năm 2012, khách hàng từng đi máy bay Vietnam Airlines lần đầu chuyển sang đi Jetstar hay Vietjet Air có thể sẽ thấy bất ngờ, khi không còn được phục vụ suất ăn miễn phí. Thực tế, mô hình bay giá rẻ yêu cầu loại bỏ các bữa ăn ra khỏi tiền vé, nhưng sẵn sàng phục vụ chúng trên máy bay cho những ai có nhu cầu. Và tất nhiên, khách hàng phải trả phí cho dịch vụ này.

Không suất ăn miễn phí, không phương tiện giải trí, thậm chí không có cả một cuốn tạp chí chuyên biệt - đó là sự khác biệt dễ nhận thấy nhất của hai mô hình giá rẻ và truyền thống.

"Chi phí để đưa một cuốn tạp chí lên máy bay là cực kỳ tốn kém, bao gồm tiền mua hoặc đặt hàng ấn phẩm, chi phí nhân công vận chuyển, tiền nhiên liệu, và cả thời gian để các tiếp viên sắp xếp món đồ đó vào đúng vị trí trên khoang máy bay. Trong khi đó, hãng giá rẻ muốn tồn tại phải biết tiết kiệm tối đa" - một chuyên gia hàng không chia sẻ.

Hãng giá rẻ tại Việt Nam thường chọn đường bay, điểm đến trong khoảng thời gian dưới 4 tiếng, để đảm bảo một phi hành đoàn có thể thực hiện cả chuyến bay đi lẫn về. Thời gian bay khứ hồi chỉ gói gọn trong vòng 10 tiếng, để hãng không mất thêm chi phí hỗ trợ sinh hoạt cho phi hành đoàn.

Mua vé qua mạng là phương thức được các hãng khuyến khích khách hàng sử dụng, bằng cách đặt thêm nhiều chương trình khuyến mại dành riêng cho nhóm đối tượng này. Không cần trả lương nhân viên, không mất thêm chi phí duy trì phòng vé, không in vé cứng, chỉ có mã số vé và những chi tiết về chuyến bay mà chính khách hàng cũng có thể tự in ra.

Phòng ngừa rủi ro về chi phí nhiên liệu cũng là bài toán cần giải của các doanh nghiệp hàng không giá rẻ. Chi phí xăng thường chiếm từ 30% đến 60% tổng chi phí hoạt động của các hãng. Vì thế, càng chủ động được nguồn xăng giá rẻ bao nhiêu, các hãng càng có thêm cơ hội giảm giá vé để cạnh tranh.

Tuy vậy, chọn thời điểm nào để mua xăng được rẻ không phải dễ. Jetstar từng chịu khoản lỗ tới 31 triệu USD trong quá trình mua xăng dự trữ khoảng năm 2008, bởi những rủi ro khách quan trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều biến động.

"Bữa trưa giá rẻ" kéo dài được bao lâu?

Trên mạng xã hội nhiều ngày qua, một dòng trạng thái của ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc FPT, đã thu hút được sự quan tâm và chia sẻ của nhiều người, khi vị này nói lên cảm nhận về sự khác biệt giữa hàng không truyền thống và giá rẻ.

Ông bày tỏ trong mỗi chuyến bay của một hãng hàng không giá rẻ, ông đều gặp nhiều gương mặt chất phác của các cụ già, chàng trai... Theo mô tả của ông, khuôn mặt những người này "như còn hằn nỗi vất vả, nhưng mắt họ ánh lên niềm vui".

Nhờ có hãng hàng không giá rẻ này, họ được đi máy bay. Cũng nhờ có hãng này, họ được tiếp cận với loại hình dịch vụ tiên tiến nhất, được thấy những toilet tỏa mùi thơm, được học cách xếp hàng lên máy bay và tắt điện thoại nơi công cộng.

Một cách nào đó, ông đánh giá, bay hàng không giá rẻ là "học một cách sống mới cho hàng triệu dân thường Việt Nam. Khác với Vietnam Airlines, luôn định vị mình chỉ dành cho những doanh nhân thành đạt hay các quý bà lịch lãm".

Giá vé máy bay rất rẻ, thậm chí chỉ mang tính danh nghĩa, đã giúp thị trường dành cho 4 hãng hàng không nội địa ngày càng phình to ra, tăng trưởng tới gần 14% trong giai đoạn 2011-2015. Miếng bánh chia cho những ông lớn có vẻ tóp dần, nhưng mặt khác, với số lượng khách tăng lên, tất cả các hãng đều đang hưởng lợi từ sự cạnh tranh.

Dẫu vậy, thực tế có rất ít chuyến bay được lấp đầy chỗ, ngay cả với giá rẻ. Hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng bay ở Việt Nam tính đến tháng 10/2015 mới chỉ đạt 83-88%, tức là luôn có ít nhất 5% số ghế trong các chuyến bay trống (tỷ lệ tại các chuyến lệch đầu dịp lễ Tết sẽ cao hơn rất nhiều). Để tối đa hóa hiệu quả, hãng luôn đặt một lượng vé nhất định dành cho khuyến mại.

Tuy nhiên, giờ đây, các hãng còn có một lựa chọn khác thay vì bán vé danh nghĩa trên tất cả các chuyến bay. Đó là chính sách bán vé quá ghế. 5% lượng ghế trên máy bay sẽ được bán quá, để đảm bảo khi máy bay cất cánh, số ghế trống gần như bằng 0.

Đưa ra những chương trình khuyến mại rầm rộ và những mốc giá sốc, các hãng hàng không giá rẻ thường nêu lý do tạo ra thói quen đi lại cho khách hàng. Tuy nhiên, trong tương lai gần, tần suất cho những chiếc vé giá sốc, giá siêu rẻ xuất hiện trên thị trường được dự báo là sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, khi hãng hàng không giá rẻ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Vietjet Air sắp hết thời hạn hưởng ưu đãi đầu tư. Thuế suất khi ấy lên tới 50%.

Theo Một thế giới

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bí mật sau những chiếc vé máy bay giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO