Bí quyết đông lạnh thực phẩm một cách thông minh nhất
Rau thơm, trái cây và bánh mì đều có thể đông lạnh. Bảo quản ở ngăn đá sẽ kéo dài tuổi thọ của chúng lên đến 6 tháng, một năm.
Reader's Digest khuyên các bà nội trợ khi đông lạnh thực phẩm, nên gói bọc thật kỹ, có thể dán nhãn để theo dõi ngày cất vào tủ. Bạn cũng nên chia thực phẩm ra thành nhiều phần nhỏ và đóng gói từng phần riêng lẻ để sau này dễ dàng lấy ra rã đông và chế biến.
Dưới đây là cách đông lạnh cho từng loại thực phẩm cụ thể:
Trái cây tươi: Tách rời các quả và đông lạnh trên một khay làm bánh
Để ngăn chặn tình trạng trái cây bị hư hỏng khi đông lạnh, bạn hãy rửa sạch, lau khô và đặt chúng lên một cái khay làm bánh. Sau đó chuyển cả cái khay vào ngăn đá, cho đến khi trái cây đông lạnh thì lấy ra, cất vào một cái hộp đóng kín. Bằng cách đông lạnh từng trái cây riêng lẻ, bạn có thể dễ dàng lấy ra lượng bạn cần cho một món ăn mà không phải tác động đến phần còn lại.
Thịt: Bọc kín và dán nhãn
Khi gói lại thịt để cất vào ngăn đá, hãy cắt nhãn từ gói thịt và dán ra bên ngoài gói thịt mới để bạn biết được các thông tin về miếng thịt: thời gian mua hàng cũng như trọng lượng của nó. Nếu thịt đã cắt miếng nhỏ thì nên gói riêng từng miếng. Với thịt băm, thịt xay, bạn cũng nên chia thành những lượng vừa ăn, bảo quản riêng từng lượng nhỏ thì sẽ thuận tiện hơn lúc lấy ra rã đông và chế biến.
Bánh mì: Bọc và nâng niu từng chiếc bánh
Bánh mì sẽ bị khô nhanh chóng khi được cất trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu bạn bảo quản nó trong ngăn đá, sáu tháng sau, bánh mì vẫn tươi ngon. Đầu tiên, dùng màng nhựa bọc kín từng cái bánh, sau đó cất vào ngăn đá. Đừng xếp đè bánh lên nhau cũng như không xếp bất cứ đồ gì khác lên bánh để không làm vỡ vỏ bánh. Khi muốn ăn, rã đông và cho bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong vòng 10 phút.
Bánh có nhân: Bọc kín và ghi thêm thời gian
Muốn cất một chiếc bánh nướng mới ra lò vào ngăn đá, trước hết cần làm chúng nguội bằng cách để ở nhiệt độ phòng, Sau đó, dùng màng nhựa bọc kín, dán nhãn lên gói bánh, trên đó có ghi rõ ngày tháng bắt đầu làm và cất bánh. Nếu chiếc bánh quá dính và khó bọc, bạn có thể đông lạnh bánh trước, sau đó dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh bánh và cất trở lại ngăn đá.
Rau thơm: Hãy thái vụn
Bạn có thể để đông lạnh một số loại rau thơm như mùi tây, hẹ, húng quế. Rửa sạch rau, vẩy cho ráo nước sau đó dùng khăn giấy lau khô. Tiếp theo, cắt nhỏ rau và cho vào một cái hộp nhựa hoặc một vỏ chai nhựa rồi cất vào ngăn đá, đảm bảo bạn có thể giữ rau tươi được cả tháng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cất gừng vào ngăn đá. Gừng cũng cần được rửa sạch, lau khô và cất vào một cái túi nhựa, khi nào ăn chỉ cần cắt phần định ăn ra.
Kem: Dùng nhựa bọc kín
Để giữ kem tươi ngon sau lần ăn đầu tiên, hãy lấy màng bọc bằng nhựa quấn chặt khít vào bề mặt của kem để ngăn các tinh thể đá hình thành. Sau đó, hãy thay thế vỏ bìa cứng và cất kem trở lại ngăn đá. Đừng để hộp kem trong tủ lạnh quá lâu, bạn nên ăn sớm kể từ khi mua kem về.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|