Bí quyết 'ghép đôi', phối giống nhím thành công của lão nông Nghệ An
Chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi đặc biệt nhất của vùng đất được mệnh danh là “xứ nhút”. Đó là trại nuôi nhím của ông Nguyễn Tiến Ái ở khối 5, thị trấn Dùng, được đánh giá là quy mô lớn nhất ở huyện Thanh Chương hiện nay.
Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại, ông Nguyễn Tiến Ái không giấu được sự tự hào xen lẫn niềm vui khi nói về những “đứa con” nhiều gai của mình.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2011, khi ông đọc được thông tin trên báo chí về mô hình nuôi nhím đang phát triển mạnh ở một số tỉnh phía Bắc. Nhận thấy đây là hướng đi tiềm năng, trong khi địa phương chưa ai làm, ông đã không ngần ngại đầu tư hơn 100 triệu đồng – một số tiền không hề nhỏ lúc bấy giờ để mua 2 cặp nhím giống về nuôi thử nghiệm.

Dù thời điểm đó giá nhím đang ở mức cao, ông Ái vẫn tin tưởng vào hướng đi mới của mình. Với đặc tính dễ nuôi, nhàn nhã, ít bệnh, ít tốn diện tích chuồng trại, nhím trở thành lựa chọn hợp lý cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm.
Đặc biệt, nhím là loài ăn tạp, không kén thức ăn, từ rau, củ, quả đến các nông sản phổ thông như cám, gạo, ngô, khoai lang đều có thể tận dụng. Nhờ vậy, chi phí nuôi nhím thấp đến bất ngờ, chưa tới 1.000 đồng/con/ngày.
Từ 2 cặp giống ban đầu, đến nay, sau 14 năm gắn bó với nghề, ông Ái đã phát triển đàn nhím lên tới 300 con, trong đó, có hàng chục cặp sinh sản. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán trên 1 tấn nhím thương phẩm, chưa kể hàng chục cặp giống, thu về hơn 400 triệu đồng - một con số mơ ước đối với nhiều hộ nông dân.
.jpg)
Ông Ái cho hay, thành công không chỉ đến từ may mắn mà là kết quả của cả quá trình tích lũy kinh nghiệm và học hỏi không ngừng. Trong đó, khó nhất là khâu phối giống - yếu tố quyết định đến tốc độ phát triển và sinh sản của đàn nhím.
Ông chia sẻ một bí quyết: Để kiểm tra sự "hợp nhau" giữa nhím đực và cái, ông thường đặt con đực vào lồng sắt rồi đưa vào chuồng của con cái, nếu sau 1 ngày nhím cái không tỏ thái độ tấn công thì có thể ghép đôi.
Bên cạnh việc chú trọng đến quy trình nuôi, ông Ái cũng rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, thức ăn sạch và chế độ chăm sóc. Nhờ đó, tỷ lệ hao hụt của đàn nhím rất thấp, ít gặp dịch bệnh. Những chứng bệnh thông thường như đau mắt hay đau bụng cũng dễ chữa trị bằng phương pháp dân gian.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ nhím thịt của gia đình ông Ái không chỉ giới hạn trong tỉnh Nghệ An mà đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố khác. Trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, nhu cầu về nhím thịt lại đang tăng cao, nên giá bán luôn duy trì ở mức hấp dẫn - từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg.
Không chỉ dừng lại ở những thành công hiện tại, ông Ái đang có kế hoạch mở rộng thêm 300m² chuồng trại để nâng quy mô chăn nuôi, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Cùng đó, gia đình sẽ tận dụng khu đất vườn hàng trăm m2 để trồng mít. Theo đó, phân nhím dùng để bón cho cây mít, quả mít là thức ăn được con nhím rất ưa thích.
Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Chương cho biết: “Ông Nguyễn Tiến Ái là một tấm gương tiêu biểu về nông dân sản xuất giỏi. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi, ông không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.
Đáng chú ý, bên cạnh vai trò là một người nông dân thành công, ông Ái còn là người có uy tín trong cộng đồng. Ông đã được người dân tín nhiệm bầu làm khối trưởng suốt 10 năm qua.

Mô hình nuôi nhím của ông Ái không chỉ là câu chuyện làm giàu cá nhân mà còn là hình mẫu để các hộ nông dân trong và ngoài địa phương học tập. Trong bối cảnh cần đa dạng hóa vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, mô hình này là một gợi ý thiết thực.
Tuy nhiên, để có thể phát triển quy mô lớn và lâu dài, điều kiện tiên quyết là cần được sự cho phép từ cơ quan chức năng về việc nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã. Khi hành lang pháp lý được bảo đảm, các mô hình như của ông Ái hoàn toàn có thể nhân rộng, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Từ một ý tưởng táo bạo, trải qua nhiều thăng trầm, lão nông Nguyễn Tiến Ái đã xây dựng thành công một trại nhím thương phẩm đáng ngưỡng mộ. Câu chuyện của ông không chỉ truyền cảm hứng cho người làm nông mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm - yếu tố quyết định thành công trong tư duy thị trường./.