Bí quyết làm giấy vừa trắng, vừa dai của người Mông ở Nghệ An
Đào Thọ•16/10/2024 10:10
Cộng đồng người Mông Nghệ An có nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, trong đó, phải kể đến nghề làm giấy. Những bí quyết trong quá trình làm ra những tấm giấy vừa trắng, vừa dai đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của cộng đồng này.
Cộng đồng người Mông định cư ở các vùng núi cao, khí hậu lạnh trên địa bàn các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Trong quá trình sinh hoạt, lao động, người Mông đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo như dao, cuốc, váy, áo và cả những tấm giấy vừa trắng, vừa dai để dùng hàng ngày. Ảnh: Đào ThọHàng năm, cứ khoảng tháng 9 đến tháng 10, khi những cây măng giang trên rừng bắt đầu già đi, người Mông lại chặt về và chẻ mỏng thành từng khúc rồi đem vào nấu kỹ. Bà Hạ Y Mạy ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Khi nấu phải trộn vào một lớp tro bếp phía trên nồi và đun sôi trong thời gian 2-3 tiếng đồng hồ cho tới lúc sợi tre mềm ra”. Ảnh: Đào ThọGiang được nấu kỹ sau đó ủ kín 3-4 ngày rồi đem ra giã nát và vắt lấy nước. Ảnh: Đào ThọNhững tấm bạt gắn khung đã được chuẩn bị sẵn và tưới nước lã lên nhằm tạo sự kết dính cho hợp chất của nước cây giang. Người Mông dùng chiếc muôi lớn múc nước giang rải đều lên mặt bạt như cách tráng bánh. Ảnh: Đào Thọ“Quan trọng nhất là phải rải nước giang thật đều và mỏng lên mặt. Không đều và mỏng giấy sẽ chỗ cứng chỗ mềm, chỗ mỏng, chỗ dày rất lâu khô và khi gấp lại cũng dễ bị hư hỏng”, bà Hạ Y Mạy cho biết. Ảnh: Đào ThọGiấy sau khi tráng xong được đem ra phơi khô khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Ảnh: Đào ThọBà Lầu Y Mỷ ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn “bật mí”: “Sở dĩ người Mông làm được giấy vừa trắng, vừa dai là vì người Mông biết chọn đúng mùa cây giang không non quá cũng không già quá. Quá trình làm cũng phải thật cẩn thận và khéo léo, phơi đủ nắng và bảo quản không để gặp mưa, sương mù”. Ảnh: Đào ThọNhững tấm giấy phơi khô được bà Lầu Y Mỷ khéo léo bóc ra khỏi bạt và đưa vào nhà cất giữ để dùng trong những dịp quan trọng. Ảnh: Đào ThọGiấy thủ công của người Mông được dùng vào các dịp đón năm mới và các ngày lễ lớn quan trọng khác bằng cách dán vào bàn thờ hoặc các đồ dùng khác trong gia đình để cầu may mắn, bình an. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Mông ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Đào ThọBí quyết làm giấy của người Mông Nghệ An. Clip: Đào Thọ
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.